Đại đoàn Đồng bằng - Sư đoàn 320: Trong ký ức hào hùng luôn nhớ thương đồng đội

Địa phương
11:59 AM 28/07/2022

Sáng 25/7, tại TP Vinh, Ban Liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022); 50 năm Sư đoàn 320 tham gia Chiến dịch Đường 9 Nam Lào và 50 năm chiến thắng điểm cao 1049-1015.

Tham dự buổi lễ có Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Khuất Duy Tiến - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, Tư lệnh Quân đoàn 3, Trưởng ban liên lạc truyền thống; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 4; Trung tướng Nguyễn Vĩnh Phú - nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng; Trung tướng Phạm Văn Hưng - nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Điện tử Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Hồng Minh - nguyên Chính ủy Quân khu 4; các sỹ quan cao cấp của quân đội; đồng chí Nguyễn Văn Tứ (103 tuổi), cán bộ Tiền Khởi nghĩa, đảng viên 75 năm tuổi Đảng; các cựu chiến binh thuộc Sư đoàn 320; thân nhân các gia đình liệt sĩ; đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An, các sở, ban, ngành và địa phương trong cả nước.

Đại đoàn Đồng bằng – Sư đoàn 320: Trong ký ức hào hùng luôn nhớ thương đồng đội. - Ảnh 1.

Các cán bộ, chiến sỹ tới Quảng trường Hồ Chí Minh làm lễ báo công dâng Bác.

Sư đoàn 320 - Những ký ức hào hùng

Cách đây hơn 70 năm, vào mùa xuân năm 1951, chấp hành chủ trương của Trung ương Đảng về xây dựng lực lượng và đáp ứng yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, Đại đoàn 320 được thành lập tại đình Mống Lá, xã Yên Quang, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Đây là một trong 6 đại đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta.

Với phương châm "Vừa chiến đấu, vừa xây dựng, lực lượng có chừng nào đưa vào tác chiến chừng ấy, vũ khí có gì đánh nấy, lấy của địch đánh địch", ngay sau ngày thành lập (16/01/1951), Sư đoàn tham gia Chiến dịch Mùa xuân Bắc Sơn Tây, chỉ trong một đêm tiêu diệt 9 đồn địch - đi vào lịch sử vinh quang của Sư đoàn - trận đầu ra quân chiến thắng. Phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, liên tục giành thắng lợi trên khắp chiến trường, từ đồng bằng Bắc Bộ đến rừng núi Tây Bắc (chiến dịch Thu Đông 1951 - 1952, Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ), góp phần cùng quân và dân ta kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Sư đoàn tiếp tục xuất quân vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ với sức mạnh tiến công làm cho quân thù khiếp sợ trên chiến trường Bắc Quảng Trị, gắn với những địa danh: Lâm Xuân, Đại Độ, Đinh Tổ, Bắc Cửa Việt, Cam Lộ, đường 9 - Khe Sanh... góp phần vào thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Đại đoàn Đồng bằng – Sư đoàn 320: Trong ký ức hào hùng luôn nhớ thương đồng đội. - Ảnh 2.

Đồng chí Lê Mạnh Hải - Trưởng Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng - Sư Đoàn 320 tại Nghệ An, Hà Tĩnh (Giám đốc Công ty Phú Nguyên Hải)

Chiến công nối tiếp chiến công, năm 1971, Sư đoàn 320 tiếp tục tham gia chiến dịch đường 9 Nam Lào, ta phản công chiến dịch Lam Sơn719 của quân lực VNCH, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ  đánh trận then chốt quyết định. Làm thất bại âm mưu của đế quốc Mỹ chia cắt chiến trường ba nước Đông Dương. Có ý nghĩa điển hình là chiến dịch tiêu diệt lớn lực lượng địch, bước đầu đập tan âm mưu "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ.

Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi, được lệnh cấp trên, Sư đoàn 320 cơ động về hậu phương ở Huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) củng cố huấn luyện chuẩn bị cho nhiệm vụ mới. Cuối năm 1971, Sư đoàn 320 bắt đầu cơ động vào chiến trường, hành quân từ huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh vào mặt trận B3  Tây Nguyên. Trong cuộc hành quân này, có trên 500 tân binh là con em hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nhập ngũ, bổ sung lực lượng cho Sư đoàn 320 đi vào chiến trường miền Nam, tiếp tục chiến đấu.

Mùa hè đỏ lửa năm 1972, trên mặt trận B3 Tây Nguyên, Sư đoàn 320 tham gia chiến dịch Xuân - Hè 1972, đánh địch ở điểm cao 1049 (Delta) và 1015 (Charlie). Với chiến thắng lững lẫy tại hai điểm cao này, Sư đoàn đã hoàn thành trận then chốt nhứ nhất của chiến dịch, chọc thủng toàn bộ tuyến phòng ngự bờ tây sông Pô Kô, tạo điều kiện giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh và giải phóng một vùng rộng lớn của tỉnh Kon Tum. Trên đà thắng lợi và tinh thần chiến đấu khí thế, Sư đoàn tiến công tiêu diệt tiểu đoàn 81 biệt động quân ở điểm cao 431 (Chư Bồ), mở rộng vùng giải phóng, góp phần giải phóng Đức Cơ và Đồn 30 trước khi có hiệp định Paris.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, Sư đoàn phối hợp với các lực lượng tiến công tiêu diệt địch, mở toang "cánh cửa thép" án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn để Quân đoàn 3 đưa lực lượng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và bộ tổng tham mưu ngụy, góp phần quan trọng vào chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước ngày 30/4/1975.

Trong cuộc chiến chống lực lượng FULRO năm 1976 và trong nhiệm vụ quốc tế của những năm 1977-1979, Sư đoàn đã tham gia chiến đấu và giữ vững được thế trận, ổn định tình hình an ninh quốc phòng, giữ vững biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Đồng thời cùng  phối hợp với lực lượng vũ trang Cách mạng Campuchia tiêu diệt bọn phản động diệt chủng Pôn Pot Iêng Xa Ry, giúp nhân dân Campuchia giành lại chính quyền, bảo vệ thành quả Cách mạng.

Truyền thống vẻ vang - Tri ân đồng đội

Với bề dày truyền thống và những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, xây dựng bảo vệ Tổ quốc, Sư đoàn 320 vinh dự được Đảng và Nhà nước hai lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tặng thưởng 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 11 Huân chương Quân công, 1 Huân chương Lao động hạng Nhất, 2 Huân chương Chiến công và được Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Ăng-co (phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Campuchia).

Đại đoàn Đồng bằng – Sư đoàn 320: Trong ký ức hào hùng luôn nhớ thương đồng đội. - Ảnh 3.

Những "món quà nhỏ" Ban liên lạc gửi tới các đồng đội, thân nhân đồng đội

Trong đội hình Sư đoàn 320 còn có 3 trung đoàn, 9 tiểu đoàn, 5 đại đội và 16 cán bộ, chiến sỹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó, Trung đoàn Bộ binh Cơ giới 48 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ nhân dân lần thứ 2. Liên tiếp các năm 2020, 2021, Sư đoàn được Bộ Quốc phòng tặng cờ thi đua quyết thắng toàn quân.

Trong tất cả các thời kỳ, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 luôn giữ vững bản chất cách mạng, phẩm chất cao đẹp "Bộ đội cụ Hồ", nối tiếp nhau giữ vững và phát huy tám chữ vàng truyền thống "Đoàn kết, nghiêm túc, dũng cảm, chiến thắng". Nhiều cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu, giao phó trọng trách trở thành những người lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Đại đoàn Đồng bằng – Sư đoàn 320: Trong ký ức hào hùng luôn nhớ thương đồng đội. - Ảnh 4.

Trao quà cho các thương, bệnh binh

Khi hòa bình được lập lại, cũng là lúc Sư đoàn 320 bắt đầu một hành trình mới: Hành trình tri ân, đi tìm đồng đội, giải quyết những hậu quả ba mươi năm chiến tranh để lại. Nhiều đồng chí là những người cựu chiến binh dù tuổi đã cao, sưc đã yếu nhưng vẫn luôn bền bỉ tham gia hành trình ấy cho đến tận ngày hôm nay. Các hoạt động tri ân đã được tổ chức thực hiện rất ý nghĩa và để lại nhiều dấu ấn đậm nét, nhiều cảm động. Có thể nhắc đến các hoạt động như: Khảo sát, hội thảo, xây dựng và khánh thành nhà bia tưởng niệm tại điểm cao 1015 (Charlie) - 1049 (Delta), huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum vào ngày 12/5/2018. Hai nhà bia nhà đã được công nhận di tích lịch sử quốc gia đặc biệt vào ngày 18/01/2022.

Khảo sát, xây dựng và khánh thành nhà bia tưởng niệm tại căn cứ Đồng Dù Củ Chi vào ngày 26/4/2019. Trong nhiều năm qua Sư đoàn 320 cùng chính quyền tỉnh Quảng Trị, tỉnh Gia Lai tìm kiếm và cất bốc hài cốt của các chiến sĩ đã về nghĩa trang địa phương. Và công việc này vẫn luôn được sư đoàn 320 tiếp tục thực hiện. Năm 2005, Sư đoàn tổ chức lễ khánh thành nhà bia tưởng niệm các AHLS tại Sở chỉ huy Sư đoàn ở Biển Hồ Gia Lai sau 15 tháng thi công. Lập hồ sơ đề nghị tuyên dương Anh hùng cho đồng đội của Sư đoàn; Tìm và xác minh cho hàng trăm liệt sĩ, làm chính sách cho hàng chục đồng chí thương bệnh binh, chất độc da cam mà sau khi hòa bình bị thất lạc hồ sơ,…

Và mới đây, tại Nghệ An, Ban Liên lạc Đại đoàn Đồng bằng - Sư đoàn 320 đã tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022); 50 năm Sư đoàn 320 tham gia Chiến dịch đường 9 Nam Lào và 50 năm chiến thắng điểm cao 1049 - 1015 tỉnh Kon Tum để cùng tưởng nhớ, tri ân những người đồng đội đồng chí đã anh dũng hi sinh, và cùng nhau ôn lại những ký ức hào hùng một thời khói lửa.

Đại đoàn Đồng bằng – Sư đoàn 320: Trong ký ức hào hùng luôn nhớ thương đồng đội. - Ảnh 5.

Cán bộ Tiền khởi nghĩa Nguyễn Văn Tứ (103 tuổi) đã đến tham dự

Cũng chính tại đây là cuộc gặp gỡ đầy xúc động của các cựu chiến binh, thương bệnh binh đã từng một thời "bom đạn đỏ lửa" nơi tiền chiến cùng về tham dự lễ kỷ niệm, nhớ về quá khứ tình đồng chí đồng đội của những người lính từng kề vai sát cánh chiến đấu trong đội hình của một Sư đoàn chủ lực - Sư đoàn 320 Đại đoàn Đồng Bằng anh hùng.

Trải qua bao nhiêu gian truân trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, góp phần đem lại hòa bình ổn định như hôm nay, Sư đoàn 320 đã phải hy sinh biết bao những chiến sĩ kiên trung vì nền độc lập, hòa bình cho dân tộc. Sư đoàn đã có gần 15.000 Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Trên chặng đường đánh giặc cứu nước và bảo vệ Tổ Quốc. 

"Nếu các anh về đây đông đủ cả - Sư đoàn ta sẽ thành mấy Sư đoàn?". Cuộc chiến đó đã có rất nhiều đồng đội ngã xuống mãi mãi vì bình yên của nhân dân ngày hôm nay.

Đại đoàn Đồng bằng – Sư đoàn 320: Trong ký ức hào hùng luôn nhớ thương đồng đội. - Ảnh 6.

Trung tướng Khuất Duy Tiến - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, Tư lệnh Quân đoàn 3 trao tặng Huy hiệu chiến thắng Đường 9 Nam Lào cho các cựu chiến binh Sư đoàn 320.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Cựu chiến binh Lê Mạnh Hải – Trưởng Ban liên lạc truyền thống Đại Đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 Nghệ An - Hà Tĩnh xúc động chia sẻ: "Trong suốt chặng đường hàng chục năm chiến đấu gian khổ, hy sinh,cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 320 luôn nêu cao lòng yêu nước và truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Biết bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn đã đổ xuống góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến thần thánh đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành lại độc lập chủ quyền, dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân; thống nhất bảo vệ đất nước, làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Đại đoàn Đồng bằng – Sư đoàn 320: Trong ký ức hào hùng luôn nhớ thương đồng đội. - Ảnh 7.

Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và cán bộ tiền khởi nghĩa, đảng viên 75 năm tuổi Đảng Nguyễn Văn Tứ

Trong hàng ngũ cán bộ chiến sĩ từng góp phần làm rạng rỡ những mốc son lịch sử trên chặng đường vẻ vang của Sư đoàn, là những người có mặt tại Hội trường hôm nay. Trải qua những năm tháng máu lửa hào hùng ấy, nhiều đồng chí đã trở thành Anh hùng, dũng sĩ, trở thành những tướng lĩnh, những sĩ quan chỉ huy dày dạn kinh nghiệm và nhiều đồng chí là thương binh hoặc bệnh binh,nạn nhân chất độc da cam. Trên ngực chúng ta, lấp lánh những tấm huân huy chương cao quý thể hiện sự tri ân của Nhân dân, của đất nước. Dù chiến công khác nhau, cống hiến khác nhau, cấp bậc và chức vụ trong quân ngũ khác nhau,nhưng chúng ta có một niềm hạnh phúc vô cùng to lớn, đó là chúng ta còn được sống đến ngày hôm nay và được chứng kiến những thành tựu to lớn do xương máu của đồng đội, của Nhân dân và của chính chúng ta xây đắp nên".

Tháng 7 về, tháng tưởng nhớ và tri ân những người con ưu tú đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để đất nước "nở hoa độc lập, kết trái tự do", non sông thống nhất, Nam Bắc một nhà. Nhắc nhở chúng ta về  sự biết ơn và ghi nhớ những hi sinh của các bậc cha anh vì Đất Nước mà hi sinh, vì Tổ quốc và ngã xuống để bảo vệ trọn vẹn độc lập dân tộc ngày hôm nay!

Thái Quảng - Lê Dung
Ý kiến của bạn