Đại học Thái Nguyên: Tuyển sinh 17.275 chỉ tiêu năm 2024
Mới đây, tại Hội nghị sơ kết công tác báo chí 6 tháng đầu năm 2024 do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên đã khái quát một số thông tin về công tác tuyển sinh của Đại học Thái Nguyên năm 2024 và chặng đường 30 năm xây dựng phát triển.
Theo đó năm 2024, Đại học Thái Nguyên tuyển sinh 145 ngành đào tạo trình độ đại học với 17.275 chỉ tiêu và 21 ngành đào tạo trình độ cao đẳng với 1.050 chỉ tiêu trên các lĩnh vực đào tạo (trừ lĩnh vực Quốc phòng - An ninh) theo 6 phương thức chủ yếu như: Xét tuyển thẳng theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, xét tuyển kết quả học tập THPT (Học bạ), xét tuyển theo kết quả thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT) của Đại học Thái Nguyên, xét tuyển theo kết quả thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, Đại học Bách Khoa và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và cuối cùng là xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024/ theo kết quả học tập THPT (học bạ) kết hợp với thi tuyển năng khiếu.
Đại học Thái Nguyên tập trung phát triển các ngành đào tạo mới, ưu tiên các ngành đào tạo có tính liên ngành, có sự tham gia của nhiều trường đại học thành viên để tạo điều kiện cho sinh viên có thể học cùng lúc hai chương trình đào tạo tại Đại học Thái Nguyên. Các chương trình đào tạo có hợp tác với các đối tác nước ngoài để tạo điều kiện cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Năm 2024, Đại học Thái Nguyên mở mới 07 ngành đào tạo đáp ứng yêu cầu về công nghệ, tài chính và chuyển đổi số, như: ngành Công nghệ tài chính, ngành Quốc tế học (Khoa Quốc tế); ngành Công nghệ và đổi mới sáng tạo, ngành Quản lý phát triển đô thị và bất động sản, ngành Tài chính - Kế toán (Trường Đại học Nông Lâm); ngành Quản trị nhân lực (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh); ngành Công nghệ bán dẫn (Trường Đại học Khoa học).
Đặc biệt, mở mới 02 chương trình đào tạo với sứ mệnh "thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng trung du miền núi Bắc Bộ", cụ thể: chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (Trường Đại học Khoa học) và chương trình đào tạo Giáo dục Tiểu học - tiếng Mông (Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang).
Năm 1994, Đại học Thái Nguyên được thành lập trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại 04 trường đại học thành viên (Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, Trường Đại học Nông nghiệp 3 Bắc Thái, Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, Trường Đại học Y Bắc Thái) và Trường Công nhân Cơ Điện Việt Bắc.
Với lợi thế tập hợp các nguồn lực từ các đơn vị thành viên thành nguồn lực chung, Đại học Thái Nguyên đã nhanh chóng phát triển thêm một số đơn vị mới. Đến nay, Đại học Thái Nguyên đã có 07 trường đại học; 01 cao đẳng thành viên; 02 trường, khoa trực thuộc; 02 phân hiệu đào tạo tại tỉnh Lào Cai và Hà Giang; Nhà xuất bản và Tạp chí Khoa học và công nghệ; 12 trung tâm phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Các trường đại học thành viên có 06 Viện nghiên cứu, 01 Bệnh viện thực hành và nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Trải qua 30 năm kiên trì, nỗ lực phấn đấu theo các mục tiêu định hướng của Chính phủ, phát huy thế mạnh của Đại học vùng trong việc huy động tổng hợp nguồn lực từ các trường đại học thành viên, Đại học Thái Nguyên đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và đất nước; từng bước khẳng định vị trí, vai trò của Đại học vùng trong hệ thống giáo dục - đào tạo và trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Quang HưngVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.