Đại hội Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa
Sáng 9/12, phiên chính thức Đại hội Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa lần thứ II, nhiệm kỳ 2022-2027 đã diễn ra tại TP Thanh Hóa.
Tham dự đại hội có đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đại diện các sở, ngành cấp tỉnh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa (VCCI Thanh Hóa) và các hiệp hội doanh nghiệp (DN), ngành hàng trên địa bàn tỉnh.
Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa thành lập năm 2016 với mục tiêu liên kết, hợp tác, hỗ trợ các DN trong ngành may kết nối, phát triển thị trường trong nước và quốc tế. Tại Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2016-2021, hiệp hội có 74 hội viên. Đến nay, hiệp hội đã quy tụ được 170 hội viên/286 DN may toàn tỉnh, tăng 96 hội viên và đạt tỷ lệ 59,6% tổng số DN may mặc toàn tỉnh. Đây là những doanh nghiệp có đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của xuất khẩu Thanh Hóa. Hiệp hội được thành lập nhằm hợp tác, liên kết, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên.
Tham gia hiệp hội, các doanh nghiệp dệt may không chỉ được hướng dẫn, tư vấn, thông tin chung về ngành hàng, về thị trường, được tăng cường xúc tiến thương mại, trao đổi hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, mà còn góp tiếng nói xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh ngành Dệt may. Xác định hoạt động liên doanh, liên kết là yếu tố trọng tâm, bảo đảm cho sự thành công và phát triển bền vững của DN may mặc, hiệp hội đã cùng hội viên đẩy mạnh phát triển hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giúp DN làm tốt hơn công tác tiếp thị, phát triển thị trường; đồng thời tăng cường sự tương tác, trao đổi kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật, công nghệ sản xuất giữa các DN trong và ngoài tỉnh.
Hiệp hội cũng đã tham gia và trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tham dự các hội chợ thương mại quốc tế, ký kết xúc tiến thương mại với nhiều đối tác nước ngoài và trở thành cầu nối để các DN hội viên kết nối với thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, phối hợp với tổ chức phi chính phủ IDH của Hà Lan đào tạo, nâng cao năng lực cho hội viên.
Từ khi thành lập đến nay, thông qua các khóa đào tạo và sự tư vấn của hiệp hội, nhiều DN hội viên đã xây dựng nhà máy mới, mở rộng quy mô, sản xuất, tích cực đổi mới sáng tạo và đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động. Từ con số hơn 31.000 tỷ đồng doanh thu khi mới thành lập năm 2016, đến năm 2022 doanh thu của các DN trong hiệp hội dự ước đạt hơn 80.000 tỷ đồng (tăng 2,58 lần); kim ngạch xuất khẩu tăng từ 282 triệu USD năm 2016 lên 1,2 tỷ USD năm 2022 (tăng 4,2 lần); năng suất lao động bình quân tăng 1,84 lần; thu nhập của người lao động tăng 1,49 lần. Các DN trong hiệp hội đã giải quyết việc làm cho khoảng 47.700 lao động. Các DN hội viên cũng luôn tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội, từ thiện vì cộng đồng, ủng hộ người nghèo…với số tiền hàng tỷ đồng mỗi năm.
Tại đại hội nhiệm kỳ lần thứ 2 này, Hiệp Hội dệt may Thanh Hóa đã vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại đại hội, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chúc mừng những thành quả mà Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong nhiệm kỳ hoạt động đầu tiên. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và xung đột chính trị - kinh tế tác động nặng nề trong thời gian gần đây, các DN trong hiệp hội đã đoàn kết, hợp tác, tương hỗ, chia sẻ với nhau về đơn hàng, nguyên vật liệu, chia sẻ kinh nghiệm thích ứng để vượt qua khó khăn và đạt những kết quả tăng trưởng ấn tượng. Hoạt động và thành quả của các DN trong hiệp hội đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam nói chung và đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh đó lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng bày tỏ sự tin tưởng, với phương châm hoạt động và cách làm hiệu quả, Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại và có triển vọng hoàn thành cao các mục tiêu, kế hoạch đề ra trong nhiệm kỳ tới.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa khóa II. Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa. Phát biểu tại đại hội ông cho biết: Nhiệm kỳ 2022-2027, Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa sẽ phấn đấu đưa tổng số hội viên lên 70-80% tổng số DN may trên địa bàn tỉnh. Đưa doanh thu lên 150.000 tỷ đồng, tăng 88%; kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD, tăng 66%; đưa mức lương bình quân của lao động lên 9 triệu đồng/người/tháng, tăng 38% so với năm 2022. Đạt được điều này sẽ là một sự đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.
Yến HoàngTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.