Đại hội XIII của Đảng thành công nhất trên nhiều phương diện
Phát biểu tại họp báo ngay sau bế mạc Đại hội sáng 1/2, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đến giờ phút này, có thể báo cáo với toàn Đảng, toàn dân rằng Đại hội XIII đã thành công rất tốt đẹp, rút ngắn được gần 2 ngày so với kế hoạch. Có thể nói, đây là một trong những Đại hội thành công nhất trên các mặt, về nội dung, hình thức, cách thức tổ chức, lề lối làm việc…
Ngay sau khi Đại hội XIII bế mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trù trì họp báo, thông báo kết quả Đại hội đến báo chí trong và ngoài nước.
Tham dự họp báo có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân; Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng.
Đại hội XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp
Phát biểu tại họp báo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đến giờ phút này, có thể báo cáo với toàn Đảng, toàn dân rằng Đại hội XIII đã thành công rất tốt đẹp, rút ngắn được gần 2 ngày so với kế hoạch. Có thể nói, đây là một trong những Đại hội thành công nhất trên các mặt, về nội dung, hình thức, cách thức tổ chức, lề lối làm việc…
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, công tác quan trọng thứ nhất là tổ chức văn kiện, xây dựng các báo cáo nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết Đại hội khóa XII và nhìn lại quá trình 35 năm đổi mới; kiểm điểm, tổng kết 5 năm vừa qua; báo cáo chính trị, kinh tế-xã hội… Công tác văn kiện được làm suốt từ năm 2018, sửa đi, sửa lại, tính ra là 80 lần, có lấy ý kiến các cấp, các ngành, các cơ quan, đăng toàn văn trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến từ đại hội các cấp để bổ sung và hoàn thiện văn kiện trình Đại hội. Khi ra Đại hội, có báo cáo tổng hợp chung về các văn kiện trình, bao gồm tóm tắt tất cả các nội dung lớn trình Đại hội, đây là một cách làm mới. Văn kiện trình Đại hội là sản phẩm kết kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân.
Thứ hai là công tác nhân sự cũng được làm từ rất sớm, từ năm 2018; làm rất kỹ lưỡng, rất chu đáo, thận trọng, khách quan, công tâm, làm từng bước, từng việc, từ dễ đến khó, rộng đến hẹp. Chuẩn bị nhân sự dự kiến Ban Chấp hành Trung ương được làm kỹ lưỡng, từng bước, lấy ý kiến của các cơ quan.
Thứ ba, về công tác tổ chức phục vụ Đại hội, được tổ chức rất tốt, rất chu đáo, cẩn thận, nơi ăn, chỗ ở, bảo đảm phương tiện đi lại để thuận lợi cho các đại biểu; bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối, nhất là trong dịp dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp; làm tốt công tác tổ chức, phục vụ cũng là để đề phòng tình trạng gặp gỡ nhau, ăn uống, xin phiếu bầu…
"Tôi nêu lên 3 vấn đề để thấy được sự chuẩn bị hết sức chu đáo, thận trọng trên các mặt cho Đại hội", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh và cho biết thêm, công tác nhân sự lần này chỉ bầu một lần là xong cả chính thức và dự khuyết; Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII dự kiến chương trình tổ chức Hội nghị lần thứ nhất họp cả ngày nhưng kết quả chỉ có một buổi là xong, bầu ra Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Nhấn mạnh, không khí Đại hội tin cậy lẫn nhau, rất hồ hởi, phấn khởi, vui mừng thấy Đại hội thành công và thành công ở đây không phải tự nhiên mà có, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, hướng sắp tới không phải chỉ có 5 năm, mà phải hướng tới dài hơn. Thành công của Đại hội không chỉ thông qua được Nghị quyết, bầu được Ban Chấp hành mới mà quan trọng hơn là việc sắp tới phải đưa nghị quyết vào cuộc sống thế nào, hiện thực hóa, cụ thể hóa Nghị quyết thế nào.
"Cho đến giờ phút này, Đại hội của chúng ta đã thành công rất tốt đẹp, rút ngắn gần 2 ngày so với kế hoạch; không khí rất phấn khởi và đã ra được Nghị quyết của Đại hội và quan trọng hơn là truyền được cảm hứng và quyết tâm, ý chí, bản lĩnh để tiếp tục đưa đất nước phát triển ở tầm cao mới".
Chống tham nhũng không nghỉ
Phóng viên đặt câu hỏi: Công tác phòng, chống tham nhũng nhiệm kỳ qua rất nổi bật. Tuy nhiên, vừa rồi Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng mới đây (tháng 12-2020) đánh giá đây mới là bước đầu. Vậy nhiệm kỳ tiếp theo, Bộ chính trị, Ban Bí thư, Tổng bí thư có điều chỉnh gì để công tác phòng, chống tham nhũng bền vững?
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết đây là vấn đề rất lớn, không phải chỉ ta, nước nào cũng có. Không chỉ phải thời nay, thời nào cũng có. Chí có nhiều hay ít, rộng hay hẹp. Tham nhũng là căn bệnh của những người có quyền, có chức, mà nắm trong tay tiền, của nữa thì rất dễ không chỉ tham nhũng mà còn tiêu cực, lợi ích nhóm.
"Tham nhũng nói một vế, ngắn gọn thôi, tôi còn nói là chống tham nhũng và tiêu cực. Mà cuộc phát động này bắt đầu từ năm 2013, khi tôi được phân công làm trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Từ năm 2013 đến bây giờ làm liên tục, xử bao nhiêu vụ, bao nhiêu ủy viên Trung ương, bao nhiêu ủy viên Bộ Chính trị đi tù, thậm chí thu hồi tài sản.
Tôi xin khẳng định cuộc đấu tranh này còn gian khổ, lâu dài. Vừa qua chỉ là bước đầu. Cuộc đấu tranh này còn gian nan lắm", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tiếp: "Tôi không tưởng tượng được hàng triệu đô la, hàng bao nhiêu tỉ, nhiều lắm. Và tôi nói là không dừng, không nghỉ, không kể đó là ai, không có vùng cấm. Trước đây thấy tôi yếu yếu, mệt mệt cũng lo chùng xuống.
Có ý kiến hỏi sắp tới Đại hội rồi còn làm không. Tôi nói mai Đại hội, hôm nay đến phiên xét xử vẫn đưa ra xét xử. Gần Đại hội vừa rồi vẫn xử bao nhiêu vụ. Đến cả ủy viên Bộ Chính trị, đến cả bí thư, chủ tịch của TP lớn như Hà Nội, TP.HCM. Sát Đại hội vẫn còn khởi tố.
Không ngừng, không nghỉ bất cứ lúc nào. Nhưng mà làm không phải cốt để trị ai, hay là thù oán gì ai. Hoàn toàn là nhân văn, nhân đạo. Tôi muốn nhắc lại câu của Bác Hồ, cưa một cành cây mọt, sâu thì cứu cả cây. Xử một vài người để răn đe, giáo dục, ngăn ngừa người khác đừng vi phạm. Để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa là chính chứ không phải là cốt xử cho nhiều, xử cho nặng".
Theo Tổng Bí thư: "Chưa bao giờ một khóa mấy ông Bộ Chính trị đi tù, cách chức, tịch thu lại bao nhiêu tài sản. Hôm trước tôi có kể, có người hối lộ, xách va li tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương biếu xén, lấp liếm. Hôm tôi nói tại Hội nghị toàn quốc, đồng chí cán bộ kiểm tra bây giờ anh mở ra xem cái gì. Mở ra thấy tiền đô la, khóa lại, lập biên bản, anh ký vào đây và xách va li về.
Đấy, đấu tranh tham nhũng nó phức tạp, khó khăn đến như thế. Nếu không có bản lĩnh, dũng khí, không có tình cảm chân chính sẽ không làm được. Dễ mắc lắm, ai chẳng thích của, thích tiền. Nhưng tôi vẫn thường nói rằng, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Chết không mang theo tiền theo được".
Báo chí góp phần vào thành công của đại hội
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói vừa bế mạc đại hội là ông xuống họp báo và chưa kịp suy nghĩ, "chỉ thấy thế nào, nói thế ấy". Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá rất cao tác nghiệp của báo chí tại đại hội, đơn cử như Ban chấp hành trung ương vừa bầu xong thì Đài truyền hình và nhiều báo đã đưa tin kịp thời, đáp ứng mong đợi của người dân.
Báo chí cũng đã góp phần phát hiện, phản bác những luồng thông tin không đúng, xấu độc, góp phần vào thành công của Đại hội. Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Tôi biết là các nhà báo nhiều khi còn biết trước tin tức hơn cả chúng tôi. Tìm người này hỏi người kia. Thế mới là nhà báo!" "Đại hội thành công có nhiều nguyên nhân, trong đó có đóng góp của anh em báo chí", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói và mong muốn các nhà báo truyền cảm hứng ấy đến người dân.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước một lần nữa khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, uy tín, tiềm lực như ngày nay", và nội dung này đã được đưa vào nghị quyết của Đại hội. "Cũng phải thảo luận rất nhiều. Có ý kiến nói thế có kiêu ngạo không. Tôi khẳng định là có cơ sở để khẳng định như vậy", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
PV (tổng hợp)Lãi suất cho vay nhà ở xã hội của năm 2025 giảm xuống còn 4,7%/ năm. Đây là nội dung trong Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025, đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành.