Đại tá, Nhà báo Lưu Vinh - Người thủ lĩnh tài ba của báo Kinh doanh và Pháp luật
Luôn hiện hữu trong tôi hình ảnh về người thủ lĩnh tài ba của báo Kinh doanh và Pháp luật, Đại tá, Nhà báo Lưu Vinh - Nguyên Phó Tổng Biên tập báo Công an Nhân dân, Tổng Biên tập báo Kinh doanh và Pháp luật. Một con người chưa bao giờ hết đam mê, cả cuộc đời vì sự nghiệp báo chí.
Gần 19 năm gắn bó với sự nghiệp báo chí, Đại tá, Nhà báo Lưu Vinh chưa bao giờ nguôi ngoai niềm đam mê viết báo. Đặc biệt, trong 11 năm làm Phó Tổng Biên tập báo Công an Nhân dân và gần 8 năm làm Tổng Biên tập báo Kinh doanh và Pháp luật với bộn bề công việc, nhưng ông vẫn hăng say lao động, miệt mài viết báo.
Đại tá, Nhà báo Lưu Vinh luôn hăng say, miệt mài với sự nghiệp báo chí cách mạng.
Đại tá, Nhà báo Lưu Vinh ngoài sở hữu 8 giải thưởng báo chí Quốc gia, Đại tá, Nhà báo Lưu Vinh còn là chủ biên, biên soạn và là tác giả của hàng chục ấn phẩm khác nhau như: “Hồ Chí Minh - Con người đẹp nhất” (NXB Hồng Đức); “Theo dấu chân Bác” (NXB Giao thông); “Những kỷ niệm sâu sắc về Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn” (NXB CAND); “Phan Trọng Tuệ - Vị tướng đức độ tài năng”; “Trung tướng Trần Quyết - Người cộng sản trung kiên”; hay như 17 tập “Doanh nhân Việt Nam - Nụ cười và nước mắt”; “Nỗi đau thời hậu chiến”; “Huyền thoại cầu Hiền Lương” (NXB Giao thông)”; “Tình người nơi đất trại” và “Những nẻo đường hoàn lương” (NXB Hồng Đức); “Năm lần tháp tùng Thủ tướng”, “Mười ngày trên đất Mỹ” (NXB Văn hóa thông tin); “Những nhân chứng lịch sử”, “Tội phạm thời mở cửa”, “Theo vết đường dây đen” (NXB CAND),… Đồng thời Đại tá, Nhà báo Lưu Vinh cũng là tác giả của 5 tập thơ: “Thơ và đời”, “Tặng mẹ tặng em”, “Dòng sông nơi em”; “Gặp lại người xưa”, “Theo dòng thời gian”.
Trong thời gian gần 8 năm làm Tổng Biên tập báo Kinh doanh và Pháp luật, ông còn vinh dự đoạt hai giải thưởng lớn: giải thưởng văn học nghệ thuật, báo chí 5 năm (2009 - 2014) do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao tặng và giải thưởng về thông tin đối ngoại với tác phẩm “Ngày xuân kể về người bán phở Cali thầm lặng” năm 2015.
Suốt 11 năm (2001 - 2012), là Phó Tổng Biên tập báo Công an Nhân dân (nay thuộc Cục Truyền thông CAND). Gần 8 năm làm Tổng Biên tập báo Kinh doanh và Pháp luật, trải qua bao vất vả, chèo lái con thuyền đến ngày hôm nay. Cả cuộc đời sự nghiệp của Đại tá, Nhà báo Lưu Vinh được Đảng và Nhà nước, Bộ Công an trao tặng nhiều giải thưởng cao quý như: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huy chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Vì An ninh Tổ quốc; Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí… và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Đại tá, Nhà báo Lưu Vinh sinh năm 1952 tại vùng lúa Hưng Hà, Thái Bình, là con cả, bố đi chiến trường, mẹ ở nhà nuôi 5 con nhỏ, cuộc sống những năm chiến tranh ấy vô cùng vất vả, ông phải giúp mẹ chăm sóc các em, giúp mẹ chăn bò, cắt cỏ, việc nhà… Ông tốt nghiệp khóa D1 trường Đại học C500 khóa đầu tiên của trường (nay là Học viện An ninh). Chiều 10/10, tại Hà Nội, Ban liên lạc cựu học viên khóa 1 Đại học An ninh, nay là Học viện An ninh nhân dân, đã tổ chức buổi gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày khai giảng khóa 1 Đại học An ninh, Đại tá, Nhà báo Lưu Vinh - Nguyên Phó Tổng Biên tập báo Công an Nhân dân, Tổng Biên tập báo Kinh doanh và Pháp luật đã viết và tặng sách cho ngôi trường thân thương của mình với nhiều kỷ niệm, hồi ức về những năm tháng học tập dưới mái trường thân yêu ấy.
Gần 8 năm là thủ lĩnh của báo Kinh doanh và Pháp luật với biết bao thăng trầm, kỷ niệm, vui buồn, vất vả, lo lắng, trăn trở... Quãng thời gian ấy, tháng nào cả tòa soạn cũng đều được nghe những lời dặn dò, dạy bảo, nhắc nhở cùng đoàn kết phấn đấu của “sếp” - Tổng Biên tập Lưu Vinh.
Những năm tháng ấy, Đại tá, Nhà báo Lưu Vinh, người thủ lĩnh đã chèo lái con thuyền báo Kinh doanh và Pháp luật vượt qua muôn vàn khó khăn để có được vị thế như ngày hôm nay. Để đạt được những thành quả đó, là nhờ đến trí tuệ và biết bao công lao vất vả của ông. Có lẽ ít người hình dung được những công việc, lo toan, vất vả, sức ép mà Tổng Biên tập Lưu Vinh phải gánh vác. Từ việc tự chủ về kinh tế, in ấn, lương, nhuận bút,… đến duy trì nội dung, phát hành, bản sắc của tờ báo. Đã có những ngày ông phải chắt chiu, “thắt lưng buộc bụng” để duy trì được tờ báo… những lúc như thế ông là người vất vả nhất, lo toan nhất; quyết đoán và cũng lạc quan nhất.
Đổi lại, dưới bàn tay chèo lái, nhào nặn và chỉ bảo, hướng dẫn của Đại tá, Nhà báo Lưu Vinh, đã có nhiều thế hệ nhà báo, phóng viên, CTV trưởng thành. Tất cả, đang dần khẳng định được tên tuổi của mình trong làng báo chí cách mạng thời buổi công nghệ 4.0 nói chung và báo Kinh doanh và Pháp luật nói riêng.
Giờ đây, Đại tá, Nhà báo Lưu Vinh đã xa rời trần thế, về cõi vĩnh hằng, về với đất mẹ, về với tổ tiên. Tôi không còn được nghe những lời dặn dò, ân cần chỉ bảo trong những buổi họp giao ban cơ quan. Nhưng những hình ảnh về một người thầy, một người sếp, một người thuyền trưởng - Đại tá, Nhà báo Lưu Vinh luôn sáng mãi, soi đường, chỉ lối, giúp tôi thêm trưởng thành.
Cửu Long
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.