Đại thắng mùa Xuân năm 1975, bản hùng ca bất diệt!
Năm 1954, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được kí kết. Đây là văn bản pháp lí được quốc tế ghi nhận: Từ vĩ tuyến 17 trở ra, miền Bắc dưới quyền kiểm soát của chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, từ vĩ tuyến 17 trở vào, miền Nam dưới sự kiểm soát của chính quyền Sài Gòn. Cũng theo bản hiệp định này, sau 2 năm, tức là vào năm 1956, nước Việt Nam sẽ tổng tuyển cử, hai miền Nam - Bắc sẽ được thống nhất…
Vào những năm sau đó, vừa viện trợ kinh tế, vừa viện trợ các loại vũ khí tối tân nhất lúc bấy giờ (chỉ trừ bom nguyên tử), Mỹ vừa ồ ạt đổ quân vào miền Nam, nhưng nhân dân hai miền Nam - Bắc quyết không sợ: "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "… miền Nam là máu của Việt Nam, là thịt của Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lí ấy không bao giờ thay đổi…". Để ngăn chặn sự viện trợ của hậu phương miền Bắc đối với miền Nam ruột thịt, tháng 8/1964, lấy cớ "sự kiện Vịnh Bắc Bộ", Mỹ đã dùng không quân leo thang đánh phá miền Bắc… Từ đó nhân dân miền Bắc vừa thi đua lao động sản xuất, vừa "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".
Ngày 18/8/1965 tại thôn Vạn Tường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2) chủ lực Khu 5; Đại đội 21 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Ngãi dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, đánh bại cuộc càn quét lớn nhất của 6.000 quân Mỹ, 2.000 quân ngụy với nhiều máy bay, xe tăng, xe bọc thép, tàu chiến hỗ trợ tại thôn Vạn Tường, chuyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Sau 1 ngày chiến đấu, ta đã loại khỏi vòng chiến 900 tên Mỹ, phá hủy 22 xe tăng và xe bọc thép, bắn rơi 13 máy bay. Cuộc hành quân "tìm diệt" quy mô lớn của quân viễn chinh Mỹ đã bị đánh bại. Quân và dân ta trên chiến trường bắt đầu tìm ra cách đánh Mỹ. Chiến thắng Vạn Tường có ý nghĩa như trận Ấp Bắc đối với quân Mỹ.
Trận Vạn Tường đã đánh dấu sự trưởng thành nhanh chóng, đường lối chiến tranh nhân dân và ý chí chiến đấu của quân đội ta trên chiến trường miền Nam. Chiến thắng Vạn Tường là bước đệm vững chắc của quân đội ta cho những trận đánh Mỹ sau này.
Trong những tháng năm gian khổ ác liệt đó, nhân dân hai miền Nam - Bắc đã đoàn kết một lòng: "Miền Nam gọi, miền Bắc trả lời", hàng triệu thanh niên viết đơn tình nguyện lên đường đánh Mỹ. Cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 của quân đội nhân dân Việt Nam, quân giải phóng miền Nam và nhân dân miền Nam đã làm rung chuyển cả miền Nam. Cho đến bây giờ, con đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn huyền thoại vẫn là một trong những dấu ấn đậm nét của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, là một trong những biểu tượng vĩ đại của ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Cũng trên con đường đó, biết bao những người con ưu tú đã hi sinh góp phần to lớn cho chiến thắng sau này.
Là một cường quốc về kinh tế, hiện đại về vũ khí, nhưng Mỹ đã sai lầm khi đánh giá về trí tuệ của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh và sức mạnh đoàn kết không có gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam. Chính vì sự sai lầm đó mà những cuộc ném bom bằng pháo đài bay B52 của Mỹ ở các chiến trường như Mùa hè rực lửa năm 1972 ở thành cổ Quảng Trị đã thất bại, và còn tăng thêm lòng dũng cảm và trí tuệ thao lược quân sự của quân đội ta để giành chiến thắng. Thành cổ Quảng Trị được giải phóng, hàng rào điện tử McNamara bị hủy diệt, trên chiến trường miền Nam vùng giải phóng được mở rộng. Các đô thị ở miền Nam nhiều nơi bị lực lượng biệt động và binh chủng đặc công của ta với những trận đánh "xuất quỷ, nhập thần" làm cho các sĩ quan Mỹ ngụy trong tình trạng luôn luôn lo sợ.
Bị thua đau trên chiến trường miền Nam cũng như tại Hội nghị Paris, phái đoàn của Việt Nam dân chủ cộng hòa đã bác bỏ các điều khoản vô lí mà Mỹ đưa ra tại hội nghị để ép ta phải thỏa hiệp trên chiến trường. Không thực hiện được ý đồ, Mỹ tuyên bố ném bom Hà Nội. Ngày 18/12/1972, Mỹ đã dùng sức mạnh không quân máy bay tối tân như B52 và các loại máy bay chiến đấu khác tấn công, ném bom Hà Nội, Hải Phòng hòng "đưa Việt Nam trở về thời kì đồ đá". Nhưng với sức mạnh dũng cảm vô song và nghệ thuật chiến tranh nhân dân của quân và dân ta, cuộc chiến bằng sức mạnh không quân trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng của Mỹ đã thất bại thảm hại; 38 pháo đài bay B52, 45 máy bay chiến đấu khác của Mỹ đã tan xác. Đây là một cuộc chiến không cân sức giữa một siêu cường quốc nhiều tiền của, nhiều vũ khí và khí tài hiện đại với một dân tộc anh hùng không chịu cúi đầu làm nô lệ, và dân tộc đó đã chiến thắng!
Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris được kí kết buộc quân đội Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam và nhân dân Việt Nam tự giải quyết công việc nội bộ của mình bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do. Ngày 4/3/1975, ta mở Chiến dịch Tây Nguyên. Ngày 10/03/1975 với sức mạnh như vũ bão, quân giải phóng miền Nam đã tấn công vào Buôn Ma Thuột làm cho lực lượng của địch nhanh chóng tan rã. Quân giải phóng chiếm Buôn Ma Thuột làm bàn đạp tấn công các địa bàn quan trọng khác ở miền Nam. Chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Buôn Ma Thuột là chiến dịch mở đầu cho Chiến dịch đại thắng mùa Xuân năm 1975. Cùng với Tây Nguyên trên các chiến trường ở miền Nam quân và dân ta đã đồng loạt nổi dậy tấn công các hướng giải phóng Huế, Đà Nẵng và các thành phố khác. Với sức mạnh ý chí quyết chiến, quyết thắng và lòng căm thù giặc đã ấp ủ bao nhiêu năm, chiến dịch lại được đặt tên "Chiến dịch Hồ Chí Minh". Với tài thao lược quân sự và nghệ thuật chiến tranh nhân dân kể từ 4/03/1975 đến 30/04/1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Lá cờ của quân giải phóng miền Nam tung bay trên Dinh Độc Lập, toàn bộ nội các của ngụy quyền Sài Gòn đã đầu hàng, chấm dứt 21 năm trường kỳ kháng chiến để giành tự do và độc lập.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là minh chứng hùng hồn đầy thuyết phục, là kết tinh trí tuệ thiên tài của Đảng ta, là chân lí yêu nước, yêu tự do và độc lập của nhân dân ta, là sức mạnh, nghệ thuật chiến tranh và sự trưởng thành nhanh chóng của quân đội ta, một đội quân từ nhân dân, vì nhân dân chiến đấu. Bốn mươi sáu năm đã trôi qua, nhưng đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn là khúc ca chiến thắng sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam và bầu bạn yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đại thắng mùa Xuân năm 1975, bản hùng ca bất diệt. Chắc chắn, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, các thế hệ con cháu thời đại Hồ Chí Minh vẫn sẽ tiếp tục sự nghiệp vẻ vang ấy./.
Dương Chí SỹNgày 28/11, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) sẽ diễn ra Lễ tôn vinh “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2024.