Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Bản hùng ca bất diệt!

Sự kiện
12:20 PM 25/04/2022

Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, âm hưởng của bản hùng ca đại thắng mùa xuân 1975 luôn vọng về âm vang náo nức lòng người. Trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thắng lợi to lớn nhất, toàn diện nhất, triệt để và trọn vẹn nhất.

Năm 1954, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết. Đây là văn bản pháp lí quốc tế ghi nhận: Từ vĩ tuyến 17 trở ra phía Bắc dưới quyền kiểm soát của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam, dưới sự kiểm soát của ngụy quyền Sài Gòn. Cũng theo bản hiệp định này, sau 2 năm tức là vào năm 1956, nước Việt Nam sẽ tổng tuyển cử, hai miền Nam Bắc được thống nhất…

Tuy nhiên đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở miền Nam đã lật lọng không chấp nhận các điều khoản của hiệp định, dựng nên chính quyền tay sai, biến miền Nam thành thuộc địa, thực hiện chế độ thực dân kiểu mới. Được các khoản viện trợ khổng lồ của Mỹ, ngụy quyền Sài Gòn đứng đầu là Ngô Đình Diệm đã thẳng tay đàn áp những người kháng chiến cũ, các gia đình có người tập kết ra miền Bắc, đàn áp đẫm máu nhân dân miền Nam. Đến năm 1959, ngụy quyền Sài Gòn đã ra Luật 10-59 lê máy chém đi khắp miền Nam khiến cha phải mất con, vợ phải lìa chồng.

Vào những năm sau đó, Mỹ vừa viện trợ kinh tế, các loại vũ khí tối tân nhất lúc bấy giờ (chỉ trừ bom nguyên tử), vừa ồ ạt đổ quân vào miền Nam, nhưng nhân dân hai miền Nam Bắc quyết không sợ: "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "… miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lí ấy không bao giờ thay đổi…".  Để ngăn chặn sự viện trợ của hậu phương miền Bắc đối với miền Nam ruột thịt, tháng 8 năm 1964 lấy cớ "sự kiện Vịnh Bắc Bộ" Mỹ đã dùng không quân leo thang đánh phá miền Bắc… Từ đó nhân dân miền Bắc vừa thi đua lao động sản xuất vừa "xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ". 

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Bản hùng ca bất diệt! - Ảnh 1.

Sở Chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên (Ảnh từ nguồn Internet)

Ngày 18/8/1965 tại thôn Vạn Tường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, quân giải phóng miền Nam đã đập tan một đơn vị chủ lực của Mỹ, tiêu diệt hơn 900 tên lính Mỹ, phá hủy hàng chục xe tăng và các loại vũ khí hiện đại khác, trận Vạn Tường đã đánh dấu sự trưởng thành nhanh chóng, đường lối chiến tranh nhân dân và ý chí chiến đấu của quân đội ta trên chiến trường miền Nam. Chiến thắng Vạn Tường là bước đệm vững chắc của quân đội ta cho những trận đánh Mỹ sau này. 

Trong những tháng năm gian khổ ác liệt đó, nhân dân hai miền Nam Bắc đã đoàn kết một lòng: "miền Nam gọi, miền Bắc trả lời", hàng triệu thanh niên viết đơn tình nguyện lên đường đánh Mỹ. Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 của quân đội nhân dân Việt Nam, quân giải phóng miền Nam và nhân dân miền Nam đã làm rung chuyển cả miền Nam, đập tan ý đồ dùng sức mạnh vũ khí của Mỹ và bè lũ tay sai, làm cho ưu thế của quân đội ta trên chiến trường ngày càng lớn mạnh. Cho đến bây giờ con đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn huyền thoại đã để lại những dấu ấn đậm nét của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, chính con đường đó là một trong những biểu tượng vĩ đại của ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Cũng trên con đường đó có biết bao những người con ưu tú đã ngã xuống góp phần to lớn cho chiến thắng sau này.

Là một cường quốc giàu về kinh tế, hiện đại về vũ khí, nhưng Mỹ đã sai lầm khi đánh giá về trí tuệ của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh và sức mạnh đoàn kết không có gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam. Chính vì sự sai lầm đó mà những cuộc ném bom bằng pháo đài bay B52 của Mỹ ở các chiến trường như mùa hè rực lửa năm 1972 ở thành cổ Quảng Trị đã không làm chủ được chiến trường mà còn tăng thêm lòng dũng cảm và trí tuệ thao lược quân sự của quân đội ta để giành chiến thắng. Thành cổ Quảng Trị được giải phóng, hàng rào điện tử McNamara bị hủy diệt, trên chiến trường miền Nam vùng giải phóng được mở rộng. Các đô thị ở miền Nam nhiều nơi bị lực lượng biệt động và binh chủng đặc công của ta với những trận đánh "xuất quỷ, nhập thần" làm cho các sĩ quan Mỹ ngụy nằm trong tình trạng luôn luôn lo sợ.

Bị thua đau trên chiến trường miền Nam cũng như tại hội nghị Paris, phái đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bác bỏ các điều khoản vô lí mà Mỹ đưa ra tại hội nghị để ép ta tại hội nghị Paris và trên chiến trường, Mỹ đã tuyên bố ném bom Hà Nội. 

Ngày 18/12/1972, Mỹ đã dùng sức mạnh không quân máy bay tối tân như B52 và các loại máy bay chiến đấu khác tấn công ném bom Hà Nội, Hải Phòng hòng "đưa Việt Nam trở về thời kì đồ đá". Nhưng với sức mạnh dũng cảm vô song và nghệ thuật chiến tranh nhân dân của quân và dân ta cuộc chiến bằng sức mạnh không quân trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng của Mỹ đã bị thất bại thảm hại; 38 pháo đài bay B52, 45 máy bay chiến đấu khác của Mỹ đã tan xác. Đây là một cuộc chiến không cân sức giữa một siêu cường quốc nhiều tiền của, nhiều vũ khí và khí tài hiện đại với một dân tộc anh hùng không chịu cúi đầu làm nô lệ và dân tộc đó đã chiến thắng!

Ngày 27/01/1973, hiệp định Paris được kí kết buộc quân đội Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam và nhân dân Việt Nam tự giải quyết công việc nội bộ của mình bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do. Tuy thế với bản chất hiếu chiến, ngụy quyền Sài Gòn vẫn mở những cuộc tấn công vũ trang lấn chiếm vùng giải phóng của ta, mặt khác, chúng vẫn cố tình ôm chân Mỹ muốn Mỹ trở lại miền Nam kéo dài chiến tranh gây thêm tội ác đối với dân tộc. 

Về lực lượng ngụy quyền Sài Gòn được Mỹ trang bị hết sức hiện đại với số lượng một triệu ngụy quân chủ lực, chưa kể các lực lượng tham gia chiến tranh khác, đầy đủ các binh chủng có kinh nghiệm tham gia chiến trường từ năm 1954 để đối phó với lực lượng của quân giải phóng miền Nam, ngụy quyền Sài Gòn đã điều các quân đoàn thiện chiến bảo vệ các cửa ngõ ra vào Sài Gòn và các điểm quan trọng, trong đó có điểm cao Buôn Ma Thuột.

Hiệp định đã được kí kết nhưng đất nước vẫn bị chia cắt bởi tham vọng của ngụy quyền Sài Gòn muốn tái chiếm và chia cắt lâu dài Tổ quốc ta. Ngày 04/03/1975, ta đã mở chiến dịch Tây Nguyên, ngày 10/03/1975 với sức mạnh như vũ bão quân giải phóng miền Nam đã tấn công vào Buôn Ma Thuột làm cho lực lượng của địch nhanh chóng bị tan rã, quân giải phóng đã chiếm Buôn Ma Thuột làm bàn đạp tấn công các địa bàn quan trọng khác ở miền Nam. 

Chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Buôn Ma Thuột là chiến dịch mở đầu cho chiến dịch đại thắng mùa xuân năm 1975. Cùng với Tây Nguyên trên các chiến trường ở miền Nam quân và dân ta đã đồng loạt nổi dậy tấn công các hướng giải phóng Huế, Đà Nẵng và các thành phố khác. 

Với sức mạnh ý chí quyết chiến, quyết thắng và lòng căm thù giặc đã ấp ủ bao nhiêu năm, chiến dịch lại được đặt tên "chiến dịch Hồ Chí Minh". Với tài thao lược quân sự và nghệ thuật chiến tranh nhân dân kể từ 04/03/1975 đến 30/04/1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Lá cờ của quân giải phóng miền Nam tung bay trên Dinh Độc Lập, toàn bộ nội các của ngụy quyền Sài Gòn đã đầu hàng, chấm dứt hai mươi mốt năm trường kì kháng chiến để dành tự do và độc lập.

Đại thắng mùa xuân năm 1975 là kết tinh trí tuệ thiên tài của Đảng ta, là chân lí yêu nước, yêu tự do và độc lập của nhân dân ta, là sức mạnh, nghệ thuật chiến tranh và sự trưởng thành nhanh chóng của quân đội ta, một đội quân từ nhân dân mà ra vì nhân dân mà chiến đấu. Bốn mươi bảy năm đã trôi qua nhưng đại thắng mùa xuân năm 1975 vẫn là khúc ca bách chiến, bách thắng sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam và bầu bạn yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đại thắng mùa xuân năm 1975, bản hùng ca bất diệt./.

Dương Chí Sỹ
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.