Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ

Tư liệu
01:00 PM 21/08/2021

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam, trở thành biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, biểu tượng của ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam quyết đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Gắn liền với chiến thắng lịch sử này đó chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông không chỉ trở thành huyền thoại mà còn trở thành một thiên tài quân sự của thế kỷ XX.

Sau những thất bại liên tiếp trên các chiến trường, tháng 5/1953, thực dân Pháp cử Tướng Hăngri Nava sang Đông Dương làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp với hi vọng có thể tìm ra con đường cứu vớt danh dự cho nước Pháp thoát khỏi thảm hại nhằm chuyển bại thành thắng và sẽ kết thúc chiến tranh trong vòng 18 tháng

Phát hiện một bộ phận chủ lực của ta kéo lên Tây Bắc và Trung Lào, Tướng Nava đã cho quân nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Dưới con mắt của Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, Điện Biên Phủ có thể trở thành một căn cứ lục quân, không quân lợi hại. 

Vì vậy mà Điện Biên Phủ từ chỗ không nằm trong nội dung ban đầu của kế hoạch Nava đã trở thành trung tâm điểm của kế hoạch quân sự Nava. Trước âm mưu của địch, Bộ Chính trị đã thông qua kế hoạch tác chiến Đông – Xuân 1953-1954 và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với địch.

photo-1629525267741

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Bộ tư lệnh chiến dịch bàn bạc kế hoạch tác chiến

Ngày 1/1/1954, Bộ Chính trị đã thành lập cơ quan lãnh đạo và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh quân đội được cử làm Chỉ huy trưởng chiến dịch kiêm Bí thư Đảng uỷ Mặt trận Điện Biên Phủ. Ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận, Chủ Tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Tổng tư lệnh ra mặt trận, Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh". 

Chiều 12/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới Sở chỉ huy ở hang Thẩm Púa, ngày 14/1/1954, Đại tướng triệu tập Hội nghị Đảng ủy Mặt trận. Tại Hội nghị, các đảng ủy viên đều nhất trí chọn phương án "đánh nhanh, thắng nhanh" với lý do quân ta đang sung sức, quyết tâm cao, có trọng pháo, cao xạ tham gia chiến đấu, còn đánh dài ngày sẽ gặp nhiều khó khăn về cung cấp lương thực, thực phẩm, đạn, thuốc chữa bệnh…

photo-1629525270506

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát tình hình mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954.

Là tướng quân tại ngoại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đinh ninh lời dặn của Chủ Tịch Hồ Chí Minh phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Sau khi nghiên cứu, phân tích tình hình giữa ta và địch, Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận quyết tâm thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh"sang "đánh chắc, thắng chắc".

Sáng ngày 26/1/1954, trước giờ nổ súng, Đại tướng quyết định chọn phương án đánh chắc, thắng chắc, đây là một chủ trương kịp thời, chính xác thể hiện sự quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, một quyết định lịch sử, tránh được sự tổn hại lực lượng, góp phần làm nên sức mạnh áp đảo quân Pháp trong trận tiến công mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Thực hiện phương châm tác chiến "đánh chắc, thắng chắc" trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm chỉ đạo các ngành, các địa phương hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến dịch. Các đơn vị bộ binh, pháo binh, công binh, cao xạ, thông tin, dân công đã kiên trì mở đường kéo pháo, xây dựng trận địa cho pháo binh và bộ binh, chuẩn bị về cung cấp, tiếp tế, chuẩn bị lực lượng bộ đội về chính trị, tư tưởng, chiến thuật, kỹ thuật, sức khỏe… đủ để chiến đấu lâu dài. 

Sau một thời gian rất khẩn trương, công tác chuẩn bị mọi mặt của các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam trên mặt trận Điện Biên Phủ đã hoàn thành và được kiểm tra kỹ lưỡng. Cùng với phương châm "đánh chắc, thắng chắc" Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tấn công địch từng bước, tiêu diệt địch từng bộ phận rồi mới tổng công kích.

photo-1629525271432

Quân ta toàn thắng ở Điện Biên phủ.

17h30 phút ngày 13/3/1954, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ, đây là đợt tiến công thứ nhất đánh các cứ điểm vòng ngoài của địch ở phía Bắc và đông Bắc. Từ khi chiến dịch nổ tiếng súng đầu tiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn theo dõi sát diễn biến của tình hình và có những chỉ đạo kịp thời. Trong chiến dịch Đại tướng phát hiện được những vấn đề về tư tưởng trong cán bộ, chiến sĩ xuất hiện tư tưởng hữu khuynh tiêu cực. Để khắc phục những vấn đề về tư tưởng, Đại tướng chỉ thị: "Ở tất cả các cấp, Đảng phải hoạt động khắc phục tư tưởng hữu khuynh, củng cố và đề cao trách nhiệm trước nhân dân, quân đội và Đảng, hoàn thành nhiệm vụ giành thắng lợi cho chiến dịch"

17h ngày 30/3/1954, đợt tiến công thứ 2 của ta vào các ngọn đồi diễn ra rất quyết liệt, sau 4 ngày đêm chiến đấu ta chiếm một nửa đồi, địch chiếm một nửa đồi. Thực hiện quyết tâm "phải đánh chắc thắng", Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ đạo tiếp tục củng cố và xây dựng trận địa, xiết chặt vòng vây, bao vây đánh lấn, bắn tỉa làm cho phạm vi phòng ngự của địch bị thu hẹp, đánh chiếm sân bay, triệt nguồn tiếp tế và tiếp viện của địch, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng địch.

Ngày 1/5/1954, đợt tiến công thứ ba của ta bắt đầu trong tình hình quân địch hết sức nguy khốn và đến ngày 7/5/1954 chỉ còn lại một Điện Biên Phủ hấp hối trên một diện tích bé nhỏ, quân địch chống cự yếu ớt rồi toàn bộ binh lính địch kéo cờ trắng ra hàng. Đến 15 giờ ngày 7/5/1954, quân ta được lệnh mở cuộc tổng công kích đánh thẳng vào Sở chỉ huy của địch, mặc dù lúc này quân Pháp còn khoảng 1 vạn tên nhưng tinh thần của chúng đã hoàn toàn rệu rã, quân ta đánh đến đâu, địch giương cờ trắng ra hàng đến đó. Trong suốt thời gian tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở căn lán nhỏ nằm trên sườn một quả đồi thuộc Mường Phăng, cách cánh đồng Mường Thanh vài cây số về phía Đông. Đồ đạc chẳng có gì ngoài chiếc bàn trên đó trải những tấm bản đồ tham mưu. Ở địa điểm đó, Đại tướng chỉ cần đi một quãng ngắn là đến bên kia sườn đồi, tới một đài quan sát đặc biệt có thể nhìn thấy toàn bộ chiến trường.

Như vậy, tại mặt trận Điện Biên Phủ, sau 56 ngày đêm liên tục chiến đấu, ngày 7/5/1954, "quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm", lá cờ quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm Tướng Đờ Catxtori. Đây là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện là một con người có sức lực kỳ lạ và trí tuệ mạnh mẽ. Ông bình tĩnh phân tích tình hình và hạ quyết tâm không do dự cho các trận đánh.

Với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đồng thời để lại cho cán bộ và chiến sĩ nhiều thế hệ mai sau những bài học sâu sắc về tư duy quân sự, ý chí tiến công và phong cách của người làm tướng.

Thạc sĩ: Lê Mai Phương - Giảng viên khoa: Xây dựng Đảng
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.