Đắk Lắk: Vì sao gần 50 hộ dân tố cáo UBND TP. Buôn Ma Thuột?

Địa phương
10:51 AM 27/07/2021

Đơn tố cáo của người dân gửi đến UBND tỉnh Đắk Lắk có nội dung UBND TP. Buôn Ma Thuột thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ theo “Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư thôn 1, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột” có dấu hiệu trái pháp luật, gây hiệt hại nghiêm trọng về quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

12 năm mới họp dân để thông báo đất bị thu hồi?

 Vào những năm 1979 - 1980, theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, người dân từ các vùng, miền vào Đắk Lắk làm kinh tế mới và được Nông trường Cà phê Việt Đức (Sau đổi thành Nông trường EA Cư Cap và nay là Công ty Cà phê Việt Thắng) nhận làm công nhân, được Nông trường giao khoán vườn cà phê. Đồng thời, cho xây nhà ở, tạo vườn tược trên đất hình thành nên khu dân cư thuộc thôn 1, xã Hoà Thắng, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) như ngày nay.

Đắk Lắk: Vì sao gần 50 hộ dân tố cáo UBND TP. Buôn Ma Thuột? - Ảnh 1.

 Năm 1988 trở về sau, phía Nông trường để người dân tự đầu tư, canh tác và nộp sản lượng đến năm 1999 (một số hộ nộp đến năm 2008 mới chấm dứt). Quá trình này, công ty cũng không có thông báo nào thể hiện việc chấm dứt hay thanh lý hợp đồng với các hộ nhận khoán và chu kỳ khai thác cây trồng cũng đã hết. Từ đó, người dân nghĩ nếu công ty không còn sản xuất, kinh doanh thì người dân vẫn được tiếp tục sử dụng đất (SDĐ) để nuôi sống gia đình.

 Đến đầu năm 2020, người dân mới được chính quyền địa phương mời họp để thông báo… Từ năm 2008 UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định 530/QĐ-UBND ngày 6/3/2008 về việc "Thu hồi 27,809 ha đất của Công ty Cà phê Việt Thắng tại xã Hòa Thắng giao cho TP. Buôn Ma Thuột quản lý". Trong phần diện tích hơn 9,7ha nhận khoán mà người dân đang quản lý, sử dụng, và cư trú trên đất từ những năm 1979, có một số hộ đã được đăng ký, kê khai việc SDĐ, xác nhận nguồn gốc đất, tài sản tạo lập trên đất…

 Tại buổi họp, các hộ dân lại bất ngờ nhận được thông báo của UBND TP. Buôn Ma Thuột về việc Nhà nước thu hồi đất để thực hiện "Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu tái định cư thôn 1, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột" trên chính diện tích đất người dân đang ở và canh tác. Thế nhưng, thông tin về dự án đã được lập, phê duyệt hay chưa, bằng quyết định nào, do cơ quan nào ký, thu hồi đất với mục đích gì, phân bổ cho những ai… người dân không được biết. Sau đó, địa phương ra thông báo đo đạc, kiểm đếm tài sản trên đất, và đưa bản dự thảo bồi thường, hỗ trợ. Theo dự thảo, người dân chỉ được hỗ trợ 60% thiệt hại về công trình xây dựng trên đất từ năm 2008 trở về trước; cây trồng chỉ được bồi thường từ năm 2008 trở về trước; giá trị đất không được bồi thường, hỗ trợ và không có chế độ tái định cư với lý do theo quy định tại khoản 2 điều 82, Luật Đất đai năm 2013: "Đất do Nhà nước giao để quản lý".

Chưa thực hiện đúng Nghị quyết của Đảng và quy định của Chính phủ. 

 Đến ngày 21/6/2021, người dân nhận được quyết định 4050/QĐ-UBND ngày 18/6/2021 của UBND TP. Buôn Ma Thuột, có nội dung: "Về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ... khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng công trình: Xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư thôn 1, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột" kèm theo bảng chiết tính bồi thường, hỗ trợ và thông báo chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên, phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ kèm theo quyết định nêu trên người dân không được nhận, không được biết. Theo nội dung quyết định 4050, người bị thu hồi đất không được bồi thường giá trị quyền sử dụng đất, không được tái định cư, chỉ được bồi thường, hỗ trợ một phần tài sản trên đất khiến người dân nghi ngờ và bức xúc. Vì vậy, toàn bộ các hộ dân đã gửi đơn tố cáo UBND TP. Buôn Ma Thuột đến UBND tỉnh Đắk Lắk. 

Đắk Lắk: Vì sao gần 50 hộ dân tố cáo UBND TP. Buôn Ma Thuột? - Ảnh 2.

 Về vụ việc nêu trên, luật sư Nguyễn Duy Bình - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh nhận định, có dấu hiệu chính quyền địa phương chưa thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định của pháp luật sau khi thu hồi đất. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 33 Luật Đất đai 2003 quy định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp được giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định tại điều 70 của Luật này. Tại khoản 6 Điều 6, Nghị định 170/2004/NĐ-CP về "Sắp xếp đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh", quy định: "Những diện tích đất khoán trắng cho người nhận khoán, thì phải làm thủ tục thu hồi đất và chuyển sang hình thức giao đất, cho thuê đất…". Tại điểm d, khoản 2, mục C, Nghị quyết 30/2014 của Bộ Chính trị, quyết nghị: "Các địa phương sau khi tiếp nhận đất phải tiến hành rà soát lại đối tượng SDĐ, diện tích của từng đối tượng đang sử dụng để thực hiện giao lại hoặc cho thuê theo hướng: Ưu tiên giải quyết cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương…, người đang nhận giao khoán đất trực tiếp sản xuất được giao đất hoặc thuê đất. Hộ, gia đình, cá nhân được tiếp tục SDĐ theo hình thức giao đất không thu tiền SDĐ hoặc thuê đất". Đồng thời, tại điểm c, khoản 2, mục C của Nghị quyết còn hướng dẫn: "Giao đất không thu tiền sử dụng đối với: "… Đất giao cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng thuộc diện được miễn nộp tiền SDĐ theo quy định của pháp luật về đất đai". Tiếp đó, tại điều 15 Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về việc "Sắp xếp đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp", quy định: "1 - Đất phải thu hồi của các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương quản lý; 2 - Đất thu hồi quy định tại khoản 1 điều này được ưu tiên giải quyết và xử lý như sau: a) Đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, người đang nhận giao khoán trực tiếp sản xuất được giao đất hoặc thuê đất; b) Hộ gia đình, cá nhân đang SDĐ được tiếp tục sử dụng theo hình thức giao đất không thu tiền SDĐ hoặc thuê đất; c) Diện tích đất giao không thu tiền SDĐ cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại điểm a, điểm b, khoản 2 điều này không được cao hơn mức bình quân tại địa phương…". 

UBND tỉnh Đắk Lắk giao Thanh tra tỉnh tham mưu, xử lý đơn

  Theo Luật sư Nguyễn Duy Bình, lẽ ra sau khi thu hồi đất từ năm 2008 UBND tỉnh Đắk Lắk và TP. Buôn Ma Thuột phải áp dụng những quy định nêu trên để giao đất cho các hộ dân vì họ là những hộ nhận khoán, đang tiếp tục SDĐ, chưa được Nhà nước giao đất lần nào. Trường hợp này không giao đất cho nhân dân sử dụng là chưa thực hiện đúng chủ trương, chính sách và pháp luật, gây thiệt thòi cho những người công nhân đã gắn bó bao nhiêu năm với nông trường. 

 Mặt khác, thực tế cho thấy tuy không được chính quyền giao đất nhưng kể từ năm 2008 đến nay các hộ dân vẫn tiếp tục sử dụng ổn định thì phải được xem tương tự trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền SDĐ và khi tổ chức thu hồi phải bồi thường, hỗ trợ theo quy định mới đảm bảo sự công bằng, bình đẳng, quyền lợi cho nhân dân. Đồng thời, căn cứ vào nội dung, diễn biến vụ việc nhận thấy có dấu hiệu phía chính quyền tổ chức thu hồi đất, nhưng dự án chưa được lập và phê duyệt theo quy định; việc thu hồi đất và áp giá bồi thường, hỗ trợ chưa tổ chức lấy ý kiến của người bị thu hồi. Theo cơ cấu SDĐ có dấu hiệu một phần lớn diện tích đất bị thu hồi được phân lô, bán nền. Trong khi người dân không có đất sử dụng là cũng chưa phù hợp.

 Ngoài ra, theo quy định khi Nhà nước thu hồi đất phải ban hành quyết định thu hồi và quyết định áp giá bồi thường, nhưng trường hợp này không ban hành là chưa đúng quy định của pháp luật. 

 Sau khi người dân tố cáo, ngày 07/7, UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản giao cho Thanh tra tỉnh tham mưu để giải quyết theo quy định. Đồng thời, UBND TP. Buôn Ma Thuột cũng đã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tổ chức họp dân để giải thích, đối thoại vào chiều ngày 23/7. Mặt khác, thời gian gần đây Công an TP. Buôn Ma Thuột cũng đã tới các hộ dân để gặp gỡ tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng. Hy vọng sắp tới quyền lợi của Nhà nước và Nhân dân sẽ được giải quyết ổn thoả, đúng pháp luật và tình hình trật tự tại địa phương được bảo đảm. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi có kết quả.

Yến Thanh
Ý kiến của bạn
Thu nhập bình quân của người lao động năm 2024 đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng Thu nhập bình quân của người lao động năm 2024 đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng

Năm 2024, tiền lương, thu nhập của người lao động tăng, thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020, đời sống của người lao động có sự cải thiện.