Đắk Nông hỗ trợ 120 người dân từ Bình Phước trở về quê Nghệ An

Địa phương
06:01 PM 26/09/2021

Sáng ngày 25/9, khoảng 120 người dân (là đồng bào dân tộc Mông ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) đã đi xe máy từ tỉnh Bình Phước để về quê Nghệ An theo Quốc lộ 14 qua địa bàn tỉnh Đắk Nông. Khi đến chốt kiểm soát dịch xã Đắk Ru (huyện Đắk R’lấp), để bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, những người này được lực lượng chức năng huyện Đắk R’lấp yêu cầu dừng xe, chờ xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

Trong thời gian chờ đợi tại chốt kiểm soát dịch xã Đắk Ru này, lực lượng chức năng huyện Đắk R’lấp đã hỗ trợ đồ ăn, thức uống cho người dân, đồng thời test nhanh kháng nguyên với SARS-CoV-2 để giúp người dân có thể về quê và sàng lọc, truy vết nguồn bệnh (nếu có).

Đắk Nông hỗ trợ 120 người dân từ Bình Phước về Nghệ An - Ảnh 1.

Đồng bào dân tộc Mông ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) dừng chân tại chốt kiểm soát dịch xã Đắk Ru (huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông)

Sau khi nắm được thông tin về hơn 120 người dân, lãnh đạo của hai huyện Bù Đăng (Bình Phước) và Đắk R’lấp (Đắk Nông) đã trực tiếp tới chốt kiểm soát dịch xã Đắk Ru, vận động người dân yên tâm tạm thời dừng nghỉ tại chốt kiểm soát dịch; đồng thời gấp rút có văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp hỗ trợ đưa họ trở về.

Sau khi tỉnh Nghệ An đồng ý tiếp nhận công dân, lãnh đạo của hai huyện Bù Đăng và Đắk R’lấp đã vận động mạnh thường quân cùng kết hợp với các chính quyền để hỗ trợ phương tiện là xe ô tô đưa hơn 120 người dân về tới quê hương Nghệ An.

Việc làm của chính quyền và nhân dân hai huyện Bù Đăng và Đắk R’lấp đã thể hiện nghĩa tình đồng bào, truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc ta. Trong khó khăn chung của cả nước trước đại dịch COVID-19 đầy hiểm nguy, hơn bao giờ hết, nghĩa đồng bào của người Việt ngày càng phát huy và lan toả những thông điệp nhân văn tới cộng đồng xã hội.

Được biết, những người dân đi trong đoàn đều là công dân của tỉnh Nghệ An vào tỉnh Bình Phước để cạo mủ cao su thuê từ năm ngoái đến nay. Thời điểm hiện tại, do giá mủ cao su thấp, thu nhập từ nghề cạo mủ không ổn định, nên họ quyết định mang theo đồ đạc trở về quê sinh sống

Phùng Sơn
Ý kiến của bạn