"Đảm bảo an ninh, an toàn cho thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số"
Đó là chủ đề buổi toạ đàm online diễn ra mới đây do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ tổ chức.
Các chuyên gia trong Hội thảo đến từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Ngân Hàng Việt Nam, các Ngân hàng trong nước và quốc tế đã đồng quan điểm cho rằng, chuyển đổi số, thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số là xu thế toàn cầu.
Với quan điểm tiếp cận lấy người dân làm trung tâm và sự thuận tiện, trải nghiệm của người sử dụng dịch vụ là thước đo, thông qua việc triển khai thành công Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) giai đoạn 2016-2020 và hiện nay là Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025, ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả rất đáng khích lệ, từ kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ, đảm bảo an ninh an toàn và được đánh giá là một trong những lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia. Ngành Ngân hàng cũng đã tiệm cận với các quốc gia phát triển trong khu vực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân hưởng lợi, góp phần đưa nền kinh tế đất nước đi lên.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình an toàn thanh toán, đặc biệt là trong thanh toán điện tử có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo với nhiều mối đe doạ đang xuất hiện và có những tác động tiêu cực đối với các tổ chức tài chính, cũng như khách hàng. Khi người tiêu dùng và doanh nghiệp ngày càng phụ thuộc vào các giao dịch điện tử, nhu cầu về các biện pháp bảo mật mạnh mẽ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, ngành Ngân hàng là một trong những ngành tiên phong, đi đầu trong quá trình chuyển đổi số (CĐS) với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm. Vì vậy, công tác CĐS của ngành Ngân hàng trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2020 là thời điểm hết sức khó khăn do đại dịch COVID-19, giao tiếp xã hội bị hạn chế nhưng mọi hoạt động giao dịch thanh toán đều diễn ra một cách an toàn.
Nếu như trước đây, ngân hàng phải chuẩn bị một lượng tiền mặt rất lớn để phục vụ người dân, thì nay không còn phải lo lắng về chuyện đó, bởi ngân hàng đã trở thành "ví" của người dân.
Giai đoạn 2020 - 2025 càng minh chứng cho sự chuyển động lớn về giao dịch thanh toán. Nếu như trước năm 2016, khoảng 500 - 1.000.000 giao dịch/ngày là một con số mơ ước của các TCTD, nhưng đến nay, lượng giao dịch bình quân 1 ngày lên tới 8 triệu giao dịch, với số lượng giao dịch bằng tiền mặt khoảng 900.000 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD). Với lượng thanh toán lớn hàng ngày như vậy, CĐS là hết sức quan trọng và thiết thực. Đối với ngành Ngân hàng, đây là sự chuyển đổi vượt bậc, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 xảy ra.
Tính đến tháng 6/2023, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản bình quân tăng 52,35% so với năm 2022. Lượng thanh toán thông qua POS, mã QR, internet và Mobile Banking tăng cả về giá trị lẫn số lượng. Trong khi đó, lượng rút tiền mặt qua ATM giảm khoảng 6,3%. Có thể thấy, CĐS có thể giúp hạn chế sử dụng tiền mặt và thúc đẩy về thanh toán một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất.
Ngoài ra, khoảng 40 ngân hàng đã mở tài khoản thanh toán cho khách hàng với khoảng 11 triệu tài khoản thông qua phương thức eKYC; khoảng 20 ngân hàng mở tài khoản thanh toán thẻ đối với khách hàng thông qua eKYC với số lượng 10,8 triệu. Đây là một trong những kết quả tích cực trong lĩnh vực thanh toán thẻ.
Đáng chú ý, Chính phủ cũng đã yêu cầu thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư và nếu không có CĐS thì sẽ không thể tích hợp nhanh đến vậy. Cho đến nay, có khoảng 25 triệu tài khoản của khách hàng đã tích hợp dữ liệu dân cư sau khi Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thỏa thuận thống nhất về triển khai về tích hợp dữ liệu dân cư với tài khoản ngân hàng.
"Có thể nói, để đạt được những kết quả tích cực như vậy, ngành Ngân hàng đã rất nỗ lực trong công cuộc CĐS. NHNN đã xây dựng chiến lược 2021- 2025 nhằm triển khai kế hoạch Chính phủ số và ngành Ngân hàng cũng là một trong những ngành đi đầu với sự tham gia đầu tư của các NHTM với mức đầu tư 15.000 tỷ đồng cho công cuộc CĐS. Tôi cho rằng, đây là kết quả mà người dân lẫn ngân hàng đều được hưởng lợi, đồng thời thúc đẩy quá trình CĐS và thực hiện Chương trình tài chính toàn diện quốc gia", ông Hùng khẳng định.
Cùng với hoạt động CĐS diễn ra mạnh mẽ trong toàn hệ thống, công tác đảm bảo an ninh, an toàn luôn được NHNN và ngành Ngân hàng chú trọng. Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: "Quan điểm của NHNN là CĐS thì phải đi đôi với an toàn, an ninh và bảo mật thông tin của người dân. Có như vậy mới giúp phát triển bền vững công tác CĐS, tạo niềm tin của người dân vào các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng số do ngân hàng cung cấp".
Tại Toạ đàm, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, NHNN đã có 3 nội dung chỉ đạo cụ thể tới các tổ chức tín dụng về vấn đề này.
Thứ nhất, Kế hoạch 810 của NHNN ban hành Kế hoạch CĐS của toàn ngành Ngân hàng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, công tác bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật được hết sức chú trọng. Không chỉ yêu cầu NHNN mà cả các TCTD phải hết sức quan tâm về đầu tư và có con số định lượng, quy định cụ thể cho tăng cường công tác an ninh, an toàn và bảo mật.
Điểm sơ qua có một số yếu tố NHNN hết sức quan tâm trong thời gian vừa qua: (1) NHNN thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung cũng như phối hợp với các bộ, ngành liên quan để ban hành các văn bản liên quan đến tăng cường công tác bảo mật, đặc biệt là bảo vệ thông tin khách hàng; (2) Ngoài các văn bản quy phạm pháp luật, NHNN thường xuyên ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (bao gồm TCTD, tổ chức trung gian thanh toán) phải tăng cường công tác bảo mật, liên tục chấn chỉnh các hiện tượng lừa đảo, gian lận thông qua sử dụng các dịch vụ thanh toán; (3) Trong suốt thời gian qua, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời rà soát, phát hiện nắm bắt các hình thức lừa đảo, gian lận trong thanh toán, trao đổi với A05 để nắm bắt danh sách khách hàng, tài khoản liên quan đến hành vi gian lận, lừa đảo để kịp thời cung cấp cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Thứ hai, ngày 24/4/2023, NHNN đã ký kết với Bộ Công an để phối hợp triển khai Đề án 06 về khai thác ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, qua đó làm sạch dữ liệu, khai thác cơ sở dữ liệu trong căn cước công dân gắn chip để có thể góp phần định danh chính chủ, mở và sử dụng tài khoản, góp phần làm sạch toàn bộ dữ liệu cho các TCTD.
Thứ ba, NHNN thường xuyên thực hiện các công tác kiểm tra liên quan đến mở và sử dụng tài khoản, sử dụng thẻ, sử dụng ví điện tử ở các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để kịp thời chấn chỉnh cũng như đôn đốc, nhắc nhở để tăng cường an ninh, an toàn và bảo mật thông tin.
Thứ tư, tăng cường công tác truyền thông là không thể thiếu. Thời gian qua, NHNN đã phối hợp với nhiều cơ quan thông tấn báo chí, các cơ quan truyền thông đại chúng để có thể triển khai quảng bá, giới thiệu các kỹ năng sử dụng các sản phẩm ứng dụng công nghệ số của các TCTD, ví dụ như thông qua các chương trình "tiền khéo - tiền khôn". Nhờ đó, các sản phẩm, dịch vụ số đã được truyền thông rộng rãi, nâng cao các kỹ năng sử dụng ứng dụng kỹ thuật số mà các TCTD cung cấp cho khách hàng. Qua đó giúp phần nào hạn chế các gian lận, lừa đảo hiện nay đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Ông Phạm Anh Tuấn cho hay, các ứng dụng số cũng như CĐS và ứng dụng trực tuyến đã được áp dụng cho hầu hết các khách hàng của ngân hàng, bao gồm khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Bắt đầu từ trải nghiệm lúc mở tài khoản thông qua cơ chế eKYC, khách hàng có thể mở tài khoản điện tử trực tuyến, giúp thúc đẩy người dân sử dụng tài khoản nhiều hơn.
Trước đây, thay vì người dân phải đến ngân hàng với nhiều thủ tục, giấy tờ khiến mất nhiều thời gian, thì nay chỉ cần ngồi ở nhà đã có thể mở tài khoản trong vòng 15 - 20 phút. Từ việc khách hàng có thể mở tài khoản online cho đến việc tiêu dùng, người dân gần như đã thành thạo các nghiệp vụ cơ bản như chuyển khoản, thanh toán… đều được sử dụng qua nền tảng trực tuyến.
Ngân hàng cũng đã kết hợp với công ty Fintech mở các ví điện tử để người dân có thể thanh toán trực tuyến các dịch vụ cơ bản như điện, nước, tiền nhà, tiền điện thoại…
Với ứng dụng thẻ (Mastercard, Visa), ngân hàng đã tăng cường sử dụng thanh toán thẻ nhiều hơn, làm giảm đáng kể tỷ lệ sử dụng tiền mặt. Ví dụ, ngày 8/8 vừa qua, Apple Pay đã chính thức xuất hiện tại Việt Nam, cộng với Androi đã hoàn thiện tích hợp thẻ trên điện thoại. Cùng với việc tích hợp ứng dụng mã QR trên điện thoại, giờ đây, người dân chỉ cần mang điện thoại để thanh toán mọi giao dịch từ nhỏ đến lớn một cách nhanh chóng, dễ dàng và thuận tiện. "Tốc độ nhanh, không cần quản lý tiền mặt" - rõ ràng ứng dụng CĐS đã thực sự đi vào đời sống của người dân từ người bán hàng nhỏ lẻ đến những doanh nghiệp lớn. Thậm chí đến cả ATM cũng đang bị "ế". Từ đó, ngân hàng sẽ giảm bớt đầu tư vào ATM để đầu tư vào CĐS nhiều hơn, cũng như số lượng chi nhánh và nhân viên sẽ giảm đi.
"Với những lợi ích to lớn như vậy, tôi tin rằng trong tương lai, tốc độ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ còn tăng nhiều hơn nữa", ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Mai PhươngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.