Đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023
Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023 đang đến gần và một trong những vấn đề được các cơ quan chức năng đặt ra là làm sao bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhân dân trong dịp Tết và Lễ hội. Dưới đây là cuộc phỏng vấn Cục trưởng Cục An toàn thực (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa Cục trưởng! Xin Cục trưởng cho biết quan điểm của ông về công tác an toàn thực phẩm trong dịp Tết cổ truyền Quý mão và mùa Lễ hội Xuân 2023 đang đến?
Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong: Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 có thời gian nghỉ Tết dài ngày, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa Lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước, nhiều lễ hội với nhiều lượt khách tham dự.
Tết Nguyên đán cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu… Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Đây cũng là thời điểm thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng gay gắt; đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023 phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, đồng thời đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm; Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch số 1637/KH-BCĐTƯATTP ngày 05/12/2022.
PV: Cụ thể nội dung Kế hoạch này, thưa ông?
Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong: Mục tiêu của Kế hoạch nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023. Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn. Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Trong thời gian từ 15/12/2022 đến hết 12/3/2023, trên phạm vi cả nước, tích cực truyền thông phổ biến các quy định về ATTP, toàn xã hội trước, trong và sau Tết. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh về các văn bản pháp luật, các chỉ đạo của Chính phủ, các văn bản liên quan đến công tác quản lý ATTP như: Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới, Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Luật số 67/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2023…
Riêng đối với người tiêu dùng thực phẩm, hướng dẫn cách chọn mua, chế biến thực phẩm an toàn. Không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn. Không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. Không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng, hoặc mốc hỏng. Kịp thời công khai tên, địa chỉ các cơ sở, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm; thông tin danh sách, địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Không lạm dụng rượu, bia trong ngày Tết.
Song song với công tác truyền thông nói trên, cần được huy động tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất ATTP trong dịp trước và sau Tết cũng như mùa Lễ hội Xuân 2023. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023, đặc biệt là các sản phẩm/nhóm sản phẩm sử dụng nhiều trong dịp tết Nguyên đán và trong các Lễ hội như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, kiểm soát không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu do methanol.
Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và các Lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm v.v... và các cơ sở dịch vụ ăn uống.
Các đoàn của tuyến tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp quận/huyện, xã/phường thực hiện kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra, khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định.
PV: Xin cảm ơn ông!
Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.