rong khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, giá xăng dầu lại bất ngờ tăng kỷ lục trong 7 năm trở lại đây, điều này đã tạo áp lực lớn đối với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực giao thông - vận tải. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, tâm lý người dân còn e ngại di chuyển khiến lượng khách đi xe rất vắng, dù được phép hoạt động nhưng lưu lượng phương tiện của doanh nghiệp đưa vào khai thác rất thấp…
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng ô tô thuộc nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Qua 4 đợt dịch, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều gần như kiệt quệ. Doanh nghiệp nào may mắn, hoạt động cầm chừng thì doanh thu cũng giảm đến 80%. Đối với doanh nghiệp vận tải hành khách thì giãn cách đồng nghĩa doanh thu bằng không.
Trong khoảng 2 tháng áp dụng Chỉ thị 16, hơn 20.000 xe taxi và hơn 10.000 phương tiện vận tải hành khách ở Hà Nội đều nằm đắp chiếu. Theo đó hàng chục nghìn lái xe không có việc làm, không thu nhập.
Bên cạnh đó, hàng loạt địa phương ban hành các “giấy phép con”, văn bản thiếu đồng bộ, bất nhất với các quy định của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải về quy định thời gian xét nghiệm COVID-19, phải thay đổi tài xế khi vào địa phương, chi phí xét nghiệm cao... khiến chuỗi cung ứng càng gian nan.
Từ đó, sản lượng dịch vụ của các doanh nghiệp logistics giảm đáng kể do tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khách hàng gần như bị tê liệt.
Doanh thu giảm nhưng chi phí tăng do dành nhiều nguồn lực cho phòng chống dịch, cước tàu biển cũng tăng hàng loạt, trở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp logistics.
Song, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Quyền, một số chính sách đã ban hành thời gian qua nhưng các doanh nghiệp rất khó tiếp cận.
Đơn cử, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 112/2020 về giảm phí sử dụng đường bộ nhưng các nhà đầu tư BOT không thực hiện, doanh niệp vận tải khó tiếp cận được Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Thời gian tới Chính phủ cũng cần có quy định giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe ôtô về 0%, cho phép tăng thời gian của chu kỳ kiểm định xe kinh doanh taxi..
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Tuy nhiên, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần thực hiện khẩn trương, nhanh chóng, nếu không phương án bán xe, trả nợ sẽ là sự lựa chọn “cực chẳng đã” của các doanh nghiệp vận tải.
Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp vận tải, logistics đều cho rằng thời gian tới cần tạo điều kiện tối đa cho hoạt động lưu thông hàng hoá, đảm bảo thông suốt và tuân thủ đúng quy định về kiểm soát dịch, không quy định thêm điều kiện, giấy phép làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, hộ kinh doanh. Đồng thời, không để xảy ra tình trạng đứt chuỗi cung ứng, các điều kiện cản trở lưu thông hàng hoá như thời gian trước.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam cũng khẳng định, không đứt gãy vận tải và không đứt gãy công tác hỗ trợ vận tải là điều kiện quan trọng để không đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, điều cần thiết là cần đồng bộ hoá quy định giữa bộ, ngành và địa phương.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đề xuất bỏ quy định về luồng xanh vận tải vì quan điểm an toàn tiếp xúc chứ không phải con đường. Đồng thời, đề xuất các địa phương bỏ chốt kiểm soát vận chuyển hàng hoá, không phong toả quốc lộ và hàng hoá trung chuyển đi qua địa phương gây đứt gãy chuỗi cung ứng.
Kể cả trường hợp cấp độ dịch cấp 4 (tương ứng màu đỏ), đề nghị Ban chỉ đạo Phòng Chống dịch quốc gia bỏ yêu cầu xét nghiệm với lái xe vận tải 4 bánh, 2 bánh, người hỗ trợ vận tải được tiêm hai mũi vaccine, nhằm giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp vận tải và logistics.
Điều quan trọng là nhanh chóng hoàn thành việc tiêm phủ vaccine cho người lao động trong ngành kinh doanh vận tải, logistics. Hỗ trợ thiết bị xét nghiệm với giá sản xuất cho doanh nghiệp vận tải và logistics để giảm gánh nặng chi phí. Trao quyền tự xét nghiệm cho doanh nghiệp và tự khai báo trên hệ thống thông tin y tế địa phương theo quy định. Trao quyền tự chủ về phòng chống dịch cho doanh nghiệp vận tải và logistics dựa trên tiêu chí quản lý rủi ro riêng của doanh nghiệp hoặc quy định của cơ quan quản lý địa phương.
Bên cạnh đó, hoãn thu phí hạ tầng cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh, giảm phí hạ tầng cảng biển tại Hải Phòng, giảm phí bảo trì hạ tầng cảng biển tại Hải Phòng, giảm phí bảo trì hạ tầng đường bộ nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất.
Ngoài ra, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics cũng cho rằng doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số, chấp nhận chứng từ điện tử, cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, áp dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 3 và 4 trong các hoạt động xuất nhập khẩu và hải quan.
Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp vận tải tại cuộc họp trực tuyến với các hiệp hội vận tải, logistics để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong vận tải, bảo đảm thông suốt, an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải, cảng biển, logistics và xuất nhập khẩu, tạo điều kiện phát triển, phục hồi nền kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết cả nước đang bước vào giai đoạn khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, phục hồi các hoạt động đi lại, du lịch thì vai trò của ngành giao thông vận tải ngày càng quan trọng. Bộ trưởng cũng đưa ra các chỉ đạo cụ thể về các vấn đề hạ tầng kết nối giao thông, duy tu, sửa chữa cảng biển, tổ chức vận tải an toàn và công tác phòng chống dịch cho các đơn vị.
Tư lệnh ngành giao thông vận tải cũng đề nghị các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào điều hành, quản lý vận tải, học hỏi, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, giảm tối đa chi phí, điều hành với hiệu quả cao nhất. Có sự phát triển đột phá về công nghệ sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Để vận tải thích ứng với tình hình mới, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam đề xuất mô hình vận tải xanh được tạo thành từ 4 mảnh ghép cốt lõi.
Thứ nhất, dữ liệu xanh - kiểm soát xanh. Cơ sở dữ liệu tích hợp thông tin được xây dựng, kết xuất ra mã QR tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra. Doanh nghiệp vận tải và người lao động phối hợp khai báo y tế qua ứng dụng trên điện thoại của tỉnh, thành phố đăng ký kiểm duyệt.
Thứ hai, người vận tải, người hỗ trợ vận tải xanh. Người lao động, chủ phương tiện cần chủ động khai báo y tế hàng ngày qua ứng dụng trên điện thoại của tỉnh, thành phố.
Thứ ba, doanh nghiệp vận tải xanh. Doanh nghiệp xây dựng quy trình vận hành vận tải và giải pháp phòng chống dịch an toàn. Đồng thời, đào tạo nhận thức phòng dịch cho nhân viên, phát huy tinh thần phòng chống dịch. Mỗi doanh nghiệp là một pháo đài phòng chống dịch, mỗi người lao động là một chiến sĩ phòng chống dịch.
Thứ tư, điểm giao nhận xanh, bao gồm cảng, sân bay, ICD, depot, trung tâm logistics, trung tâm phân phối, chợ đầu mối, nhà máy, cửa hàng, hợp tác xã vận tải… Cải tiến và số hoá quy trình để giảm giao tiếp thủ công, đặc biệt giao tiếp trong thời gian dài.
THỰC HIỆN: HOÀNG MAI