Dám nghĩ dám làm - đón đầu xu thế phát triển kinh tế trên đất Hà Tĩnh
Với những ý tưởng táo bạo, người dân Hà Tĩnh thể hiện quyết tâm dám nghĩ dám làm để phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương. Đó là những mô hình kinh tế nông nghiệp áp dụng công nghệ, phương pháp chăm nuôi độc lạ mang tính tiên phong nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mạnh dạn đầu tư hơn 700 triệu đồng để nuôi cua biển trong hộp nhựa, gia đình anh Phạm Thanh Sơn ở thôn Song Long, xã Cương Gián được ghi nhận là người tiên phong cho mô hình này tại Hà Tĩnh. Đồng thời đã tạo hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản ở địa phương, khuyến khích tinh thần dám nghĩ dám làm, phát huy các nguồn lợi tại chỗ để phát triển kinh tế.
Trước khi triển khai mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa, anh Sơn đã có kinh nghiệm nuôi cua quảng canh trong 3 năm nay. Vì vậy anh có đủ tự tin và quyết tâm trong thay đổi phương thức chăm nuôi cua biển, khi bản thân đã nắm vững về những đặc tính của loài cua nước lợ. Hiện tại, trên diện tích hơn 600m2, anh đang thả nuôi 1.200 con cua với nhiều kích cỡ khác nhau trong 6.000 hộp nhựa.
Anh Sơn cho biết: "Theo nhiều nghiên cứu khoa học, cấu trúc thịt cua không phải là cấu trúc cơ, do đó dù vận động nhiều hay ít thì độ săn chắc của thịt không bị ảnh hưởng. Chất lượng của thịt cua không phụ thuộc vào không gian vận động của chúng, mà dựa vào thành phần dinh dưỡng trong thức ăn, chất lượng môi trường sống. Vì vậy nuôi cua trong hộp nhựa, chất lượng của thịt cua không hề thua kém cua nuôi theo phương pháp truyền thống".
Trại nuôi cua công nghệ cao được anh Sơn đầu tư rất bài bản bằng hệ thống chuồng nuôi hộp nhựa. Mỗi hộp nhựa hình chữ nhật dài 40 cm, rộng 22 cm và cao 30 cm, được chia thành 2 ngăn, mỗi ngăn nuôi 1 con.
Đặc biệt, hệ thống chuồng nuôi hộp nhựa có ưu điểm nổi bật là không cần nhiều lượng nước đầu vào nhờ nguyên lý tuần hoàn, sục khí tạo oxy. Khi đưa nước vào hộp nuôi cua, thức ăn thừa và chất cặn bẩn thải ra và đi qua hệ thống lọc thô, sau đó ra bể vi sinh và hệ thống khử khuẩn bằng tia UV. Để nuôi cua tiết kiệm nước và không gian, anh Sơn dùng các hộp nhựa xếp thành giàn; sử dụng hạt nhựa kaldnes trong hệ thống tuần hoàn. Các hạt nhựa có vai trò như san hô để lọc thức ăn thừa và chất thải giúp môi trường sống của cua được sạch hơn.
Giống cua được anh mua lại từ những người dân khai thác tại các vùng nước lợ trên địa bàn tỉnh. Cua giống tự nhiên có ưu thế là khỏe mạnh, ít dịch bệnh, sinh trưởng nhanh. Từ đầu tháng 2/2023, trại đã thả 1.200 con giống vào hộp nhựa với kích cỡ khác nhau. Đến nay bắt đầu cho thu hoạch.
Anh Sơn phấn khởi cho biết: Hiện tại, nhiều nhà hàng trên địa bàn trong huyện, tỉnh đã liên hệ đặt số lượng lớn, chỉ sợ "cung không đủ cầu". Mỗi kg cua thịt được bán với giá dao động từ 600 - 700 nghìn đồng, cua lột có giá 800 - 850 nghìn đồng vì nó có chất dinh dưỡng cao gấp 20% so với cua thịt. Trung bình thu hoạch 500 con cua, 3-4 con/kg, tính ra thu về được khoảng hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 70 triệu đồng.
So với phương pháp nuôi cua truyền thống thì hình thức trong hộp nhựa tốn nhiều thời gian cho ăn hơn vì phải thả thức ăn vào từng hộp. Nuôi cua nước lợ trong hộp nhựa quan trọng nhất là nguồn nước phải đảm bảo đủ độ pH, độ mặn và nhiệt độ môi trường nước phù hợp, dao động từ 25 - 30 độ C. Bởi vậy, cần thường xuyên kiểm tra, đo các chỉ số để điều chỉnh kịp thời, đảm bảo điều kiện sống cho cua.
Tuy nhiên, nuôi cua hình thức này có thể kiểm soát được số lượng con nuôi, ít dịch bệnh, tiện chăm sóc, thu hoạch nhanh và không tốn chi phí thức ăn cho cua. Tiết kiệm được diện tích nhưng cho năng suất cao, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt, mô hình nuôi cua trong hộp nhựa sử dụng máy nâng nhiệt, kiểm soát được nhiệt độ của nước nên cua vẫn nuôi được vào mùa đông. Mô hình độc đáo này đang thu hút sự quan tâm của nhiều nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Với vợ chồng anh Thái Vinh Quang (ở xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn) thì việc tiên phong đầu tư lắp đặt trạm giám sát nông nghiệp thông minh đã giúp tiết kiệm được chi phí, công sức trong chăm sóc cây cam, tăng năng suất và đem đến chất lượng vượt trội.
Bắt đầu canh tác từ rất sớm với khoảng 1ha cam bù, đến nay gia đình anh đã phủ kín toàn bộ 3ha đất của gia đình bằng cây cam bù và cam chanh. Quá trình sản xuất, do địa hình đồi núi nên công đoạn bón phân, tưới nước rất khó khăn. Hơn nữa, đặc thù thời tiết ở Hà Tĩnh thường gặp hạn hán vào mùa hè, trong khi cây ăn quả có múi cần nhất là nước nên việc tưới thủ công gần như chỉ để cứu cây không bị chết, còn việc gia tăng năng suất, chất lượng là rất khó khăn.
Vì vậy, vào tháng 6/2021, khi tiếp cận được chính sách của tỉnh trong việc hỗ trợ lắp đặt trạm giám sát nông nghiệp thông minh, gia đình anh Quang đã mạnh dạn đăng kí. Theo đó, mô hình được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới châm phân dinh dưỡng, đo độ pH, đo dinh dưỡng trong đất; dự báo thời tiết vùng; đo lượng gió, mưa; hệ thống cập nhật tự động tưới; hệ thống giám sát an ninh (gồm 2 camera, đèn cảnh báo, còi) và 1 trang website bán hàng, với tổng trị giá hơn 380 triệu đồng.
Để cam phát triển tốt nhất, gia đình anh Quang đã mạnh dạn đầu tư thêm gần 100 triệu đồng để lắp đặt, mua sắm thêm hệ thống bồn chứa, máy bơm, đường ống dẫn nước; hệ thống điện; internet; nhà trạm. Sau khi hoàn thiện hạ tầng, kỹ thuật thì được đơn vị cung ứng công nghệ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật vận hành. Bên cạnh tiết kiệm chi phí sản xuất, việc áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất đã giúp các diện tích cam của gia đình anh Quang luôn xanh mướt, năng suất quả đạt cao, chất lượng vượt trội.
Anh Quang cho biết: Hệ thống thiết bị tưới tự động không chỉ giúp gia đình tôi đỡ tốn công lao động mà còn tiết kiệm được rất lớn chi phí sản xuất. Trước đây, tưới thủ công phải mua sắm máy nổ, đường ống cỡ lớn, những ngày nắng hạn phải thuê thêm 5 - 6 lao động tưới trong vòng 3 đêm. Tính ra mỗi đợt tưới như vậy riêng tiền thuê nhân công đã hơn 10 triệu đồng, cộng với tiền điện 3 đêm hết khoảng 1,5 triệu đồng, rất tốn kém mà năng suất lại thấp. Còn hiện tại, chỉ cần một thao tác trên điện thoại thông minh, tôi đã tưới được toàn bộ cho hơn 3 ha cam chỉ trong vòng 4 giờ đồng hồ, với chi phí khoảng 100 ngàn đồng tiền điện. Công nghệ mới rất hữu ích, tiện lợi, phù hợp với chuyển đổi số trong nông nghiệp như hiện nay".
Bước đầu, mô hình thí điểm trạm giám sát nông nghiệp thông minh tại hộ anh Quang thu kết quả rất khả quan. Việc lắp đặt trạm không chỉ định hướng được sản xuất, dự báo thời tiết, dinh dưỡng, độ ẩm cho đất mà còn thay con người làm việc, giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích. Đây là cơ sở thực tiễn, trực quan sinh động để người dân làm nông nghiệp ở Hà Tĩnh mạnh dạn áp dụng để tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả cao về kinh tế.
Lê DungCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.