Dân Mỹ khổ sở vì Halloween, nhận ra 'bóng ma' đáng sợ nhất của dịp lễ này chính là chuỗi cung ứng đứt gãy
Người tiêu dùng Mỹ đang mòn mỏi tìm kiếm những bộ đồ hoá trang, vật dụng trang trí hình phù thuỷ hay bóng ma cho dịp lễ Halloween. Tuy nhiên, họ lại chứng kiến tình trạng đáng sợ: Kệ hàng ở các siêu thị đều trống trơn.
Những vấn đề của chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của đại dịch là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt đồ trang trí và hóa trang Halloween. Do đó, người tiêu dùng và nhà cung cấp đều đang cố gắng tìm kiếm một giải pháp và lên kế hoạch mới.
Ben Wieber - nhà tư vấn dịch vụ ở Kalamazoo (Michigan), đã cố gắng mua một mô hình ngôi nhà ma ám. Nhưng cuối cùng, anh lại chán nản khi nhìn thấy số sản phẩm trang trí Halloween ít ỏi ở các cửa hàng gần nhà.
Wieber chia sẻ: "Tôi đã đến Lowe’s, Home Depot, T.J. Maxx, HomeGoods nhưng chỉ thấy đồ trang trí Giáng sinh thay vì Halloween. Thật khó hiểu. Tôi đang đặt ra câu hỏi rằng liệu các nhà bán lẻ đang bỏ qua dịp lễ Halloween hay không."
Phát ngôn viên của Home Depot cho biết, lượng hàng tồn kho đối với các mặt hàng cho dịp Halloween đã sụt giảm nhanh chóng khi người tiêu dùng lại hứng thú với việc trang trí nhà. Trong khi đó, Lowe’s cho biết các cửa hàng của công ty đã dự trữ hàng hóa cho dịp Halloween và Giáng sinh sớm hơn bình thường trong năm nay.
Liên đoàn bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) dự báo chi tiêu cho dịp Halloween sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay là 10,1 tỷ USD, từ mức kỷ lục 9,1 tỷ USD vào năm 2017. 2/3 người Mỹ dự định sẽ chào đón dịp lễ này bằng cách cho kẹo, trang trí nhà cửa và hóa trang. Xu hướng này gần như đã trở lại mức trước đại dịch.
Đối với những người chưa kịp mua đồ hóa trang và trang trí nhà cửa, đây có thể là tin buồn. Trong số hơn 8.000 người tiêu dùng được khảo sát vào tuần đầu tiên của tháng 9, 45% cho biết họ dự định sẽ mua sắm cho dịp lễ Halloween vào tháng 9 hoặc sớm hơn, 39% cho biết sẽ mua sắm trong 2 tuần đầu tháng 10.
Kam Featherston - nhân viên Spirit Halloween ở Utah, cho hay: "Khách hàng của chúng tôi có nhiều lựa chọn trong khoảng thời gian từ giữa đến cuối tháng 9." Trong khi đó, đại diện chuỗi cửa hàng thừa nhận công ty đã có trải nghiệm "đáng sợ" trong mùa Halloween này khi hoạt động giao hàng chậm trễ và phí vận chuyển tăng chóng mặt.
Trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh vào giữa tháng 8, HomeDepot cho biết họ đã bán gần hết các sản phẩm Halloween trong năm nay.
Ngày 1/10, trên tài khoản Instagram của hãng sản xuất đồ thủ công Michaels, nhiều người mua đã để lại bình luận và bày tỏ sự chán nản. Một người viết: "Tôi đã đến các cửa hàng gần nhà và hầu như không có đồ để trang trí Halloween." Michaels cho biết hàng hóa của hãng đang bị giao chậm và chờ đợi thêm hàng tồn kho.
Trick or Treat Studios ở Santa Cruz là nhà thiết kế và cung cấp các mặt hàng mặt nạ, trang phục Halloween cho Target, Walmart và Spirit Halloween. Trưởng bộ phận quản lý chuỗi cung ứng của hãng - Mark Lippert, cho biết họ đã bắt đầu đặt hàng vào tháng 2, sớm hơn bình thường vài tháng nhưng việc giao hàng vẫn chậm trễ.
Franco Pacini - đồng sở hữu công ty sản xuất mặt nạ hóa trang Zagone Studios, cho biết giá vận chuyển hàng hoá, cũng như nhiều mặt hàng đã tăng vọt, điều này đang làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính của công ty. Họ đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu bằng cách đặt hàng sớm và làm việc không nghỉ.
Amy Cobaugh (49 tuổi) - một người có niềm đam mê trang trí Halloween sống tại North Canton, cho biết bà không thể tìm thấy bất kỳ sản phẩm mạng nhện giả, thay vào đó bà phải mua gần 5 kg lưới cao su thường dùng để quấn thịt. Trước đó, hồi tháng 7, Amy đã tìm mua món đồ trang trí đầu tiên và thấy đây là quyết định đúng đắn.
Ở Michigan, Wieber tiếp tục hoàn thiện từng bộ phận cho trang phục Halloween "quỷ dữ" của mình. Anh chia sẻ: "Tôi đã lên một trang web để tìm mua mặt nạ, vào một trang khác để tìm kiếm những bàn tay kinh dị. Cuối cùng, tôi sẽ phải tìm một chiếc áo choàng đen lớn."
Tham khảo WSJ
Vu LamTheo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng (GTGT) sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng 4.270% (tương đương tăng gấp 42 lần) so với cùng kỳ năm 2023.