Đàn ông có thích phụ nữ kiếm tiền nhiều hơn mình không?
Quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” có còn được áp dụng trong thời đại mới?
Một người vợ ngoan, hiền, đảm đang, lo liệu mọi việc cơm nước trong nhà dường như là hình mẫu lý tưởng và quen thuộc của nhiều ‘cánh mày râu’ khi chọn vợ, họ thường là những người phụ nữ có thu nhập chỉ chiếm một phần rất nhỏ (thứ yếu) trong tổng thu nhập gia đình. Nhưng trong thời đại bình đẳng giới ‘lên ngôi’ và được bàn tán rất nhiều ở xã hội cả trong và ngoài nước, phải chăng nam giới lại cần một người có thể san sẻ ít nhiều nỗi lo ‘cơm áo gạo tiền’? Đây có phải lý do để lựa chọn một người vợ tự chủ, độc lập, cá tính với mức lương mỗi tháng vài nghìn đô?
Xu hướng chọn vợ theo quan niệm xưa “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”
Người đàn ông luôn được coi là ‘trụ cột’ trong gia đình, và điều này càng thể hiện rõ hơn qua các quan niệm, cụ thể là “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Câu nói đã ‘khắc hoạ’ rõ nét vai trò của mỗi giới trong cuộc sống hôn nhân: trọng trách của người chồng là kiếm tiền, còn nhiệm vụ chính của người phụ nữ là nội trợ. Tư duy này đã ăn sâu, thấm nhuần hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm đối với với tất cả mọi người, đặc biệt là các nước đậm chất văn hoá Á Đông như Việt Nam. Người chồng luôn mong muốn đằng sau những bề bộn của cuộc sống là người vợ tảo tần cơm nước, không cần phải thu nhập cao, bởi lẽ kiếm tiền là trọng trách của nam giới.
Dù thế giới hiện đại có nhiều thay đổi và sự bình đẳng cũng được đề cao hơn trong xã hội, tuy nhiên dù đàn ông hay phụ nữ, họ vẫn ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những quan niệm xưa cũ. Tuy nhiên, giai đoạn này cũng được coi là một ‘cuộc cách mạng’ về vị thế của người phụ nữ trong gia đình vì (dù không phải tất cả) rất nhiều nam và nữ giới đã hướng tới sự bình đẳng trong công việc và gia đình, người phụ nữ ngày càng có học thức cao, họ kỳ vọng ở một người đàn ông biết ‘nội trợ’, tương tự như vậy, người đàn ông cũng muốn san sẻ gánh nặng kiếm tiền với người phụ nữ.
Và câu hỏi được đặt ra là:
Đàn ông có thích phụ nữ kiếm tiền nhiều hơn mình không?
Theo một nghiên cứu từ đại học Bath (University of Bath) vào năm 2019: Đàn ông cảm thấy lo lắng và áp lực khi là người kiếm tiền duy nhất trong gia đình, và cảm thấy “thoả mãn” nhất khi người phụ nữ kiếm được 40% tổng thu nhập. Nhưng nếu con số đó vượt ngưỡng 40%, người đàn ông sẽ trở nên ‘rất’ không thoải mái. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi lẽ người đàn ông luôn tự ý thức và nhận thức được rằng việc ‘kiếm tiền’ là trách nhiệm chính của mình.
Hơn thế nữa, quan niệm “trọng nam khinh nữ” đã tồn tại từ rất lâu, tức là trong một gia đình thì người chồng luôn có “quyền” cao hơn. Nhưng “đặc quyền” ấy sẽ ít nhiều bị lung lay nếu người phụ nữ kiếm tiền bằng nam giới bởi khi đó vị thế của họ sẽ cao hơn rất nhiều và mọi quyết định lớn nhỏ trong gia đình sẽ được ‘thông qua’ cả người phụ nữ. Người đời cho rằng “Có tiền là có quyền”, như vậy, khi người phụ nữ có tiền, cái “quyền” sẽ tự động theo họ mà ‘đi lên’.
Lời kết
Thực tế rằng, xu hướng ‘chọn vợ’ của đàn ông hiện nay rất ‘đa dạng’ và tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của từng người. Có những người rất giàu có và họ chỉ cần một người vợ đảm đang chăm lo, giáo dục con cái và chuẩn bị những bữa cơm ngon mỗi tối trước khi họ về nhà sau ngày dài căng thẳng. Có những người không cần người phụ nữ phải quá giỏi việc ‘nữ công gia chánh’ nhưng cần tự chủ và có thu nhập riêng.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng dù xu hướng ‘chọn vợ’ của mỗi người có khác nhau như thế nào thì vẫn ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những tư duy “thâm căn cố đế”. Và sẽ còn rất lâu nữa xã hội mới đạt được sự bình đẳng thật sự khi phụ nữ đóng góp 50% thu nhập mỗi tháng và đàn ông ‘đảm nhận’ 50% công việc nội trợ (một nghiên cứu từ Đại học Bentley 2015 cho rằng phụ nữ càng có “chỗ đứng” trong sự nghiệp, đàn ông càng dấn thân vào ‘việc nội trợ’ thì cuộc sống gia đình sẽ bớt căng thẳng hơn, ít xảy ra xung đột và cả 2 cùng có quyền đưa ra các quyết định quan trọng, điều này không chỉ tăng sự tự tin mà còn cả “giá trị” đối với mỗi người phụ nữ).
Nhưng có lẽ, đã đến lúc hai giới cùng chọn cho mình một người bạn đời lý tưởng thực sự, và dừng lại ở chuyện “đàn ông chọn vợ”. Một cuộc sống hôn nhân có sự bình đẳng là một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc thật sự.
Liên AnTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.