Đan Phượng: Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay hơn 137 tỷ đồng

Địa phương
03:11 PM 05/06/2024

Ngay từ đầu năm, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đan Phượng, TP Hà Nội đã tích cực triển khai, đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với người dân trên địa bàn.

Trên cơ sở rà soát nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Đan Phượng đã tham mưu UBND huyện, phối hợp với chính quyền địa phương, hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện bình xét giải ngân cho vay, đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội theo các chương trình cho vay quy định; thường xuyên giám sát người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.

Đan Phượng: Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay hơn 137 tỷ đồng- Ảnh 1.

Ngân hàng chính sách xã hội huyện giải ngân nguồn vốn tín dụng tới người dân

PGD NHCSXH huyện Đan Phượng tích cực hướng dẫn hồ sơ vay, tổ chức họp bình xét cho vay công khai, dân chủ. Đồng thời có sự giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay; đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả, chấp hành nguyên tắc có vay có trả; phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội xử lý nợ quá hạn, lãi tồn, nợ bị rủi ro, hộ vay bỏ địa phương. Bên cạnh đó, tổ tiết kiệm và vay vốn còn giữ vai trò nòng cốt tích cực vận động hộ vay tiết kiệm chi tiêu, hình thành thói quen gửi tiết kiệm, tạo nguồn vốn tích lũy, trả nợ cho gia đình, giảm tỷ lệ nợ bị rủi ro, nợ quá hạn,…

Theo đó, 5 tháng đầu năm 2024 đã có 2.357 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vay vốn từ PGD NHCSXH huyện với doanh số cho vay hơn 137 tỷ đồng.

Nguồn vốn cho vay đã giúp 1.926 lao động tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, 420 hộ gia đình xây dựng và cải tạo 840 công trình nước sạch vệ sinh môi trường đạt chuẩn Quốc gia, 11 hộ cận nghèo được vay vốn để xây mới và cải tạo nhà trong chương trình xóa nhà dột nát.

Trong 5 tháng đầu năm các xã Phương Đình, Hồng Hà, Thượng Mỗ, Thọ Xuân… có nguồn vốn tín dụng tăng trưởng lớn. Đặc biệt, xã Phương Đình với doanh số cho vay là 10,2 tỷ đồng, dư nợ đạt 42,4 tỷ đồng, hiện nay là xã có dư nợ cao nhất toàn huyện.

Từ hiệu quả hoạt động ủy thác với NHCSXH đã đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhanh chóng đến tay hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác trở thành nguồn lực quan trọng trong công tác giảm nghèo, là "điểm tựa" cho nhiều gia đình ổn định kinh tế và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay, ưu tiên phát triển tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp; chú trọng đầu tư cho vay đối với các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả; củng cố, phát triển vốn vay thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Xuân Tâm
Ý kiến của bạn