Dân số Việt Nam tăng hơn 800.000 người trong năm 2023
Theo Tổng cục Thống kê, đến hết năm 2023, dân số trung bình năm 2023 ước tính 100,3 triệu người, tăng 834.800 người, tương đương tăng 0,84% so với năm 2022.
Tháng 11/2013, Bộ Y tế công bố dân số Việt Nam đạt 90 triệu người. Đến đầu năm 2023, dân số nước ta tiệm cận mức 100 triệu, như vậy trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng khoảng 1 triệu người. Tuy nhiên, trong bản công bố mới nhất ngày 29/12, một năm qua dân số nước ta tăng thêm 834.800 người, trong khi tỷ lệ tử vong duy trì mức thấp, cho thấy mức sinh Việt Nam ngày càng giảm.
Cụ thể, dân số thành thị 38,2 triệu người, chiếm 38,1%; dân số nông thôn 62,1 triệu người, chiếm 61,9%; nam 50,0 triệu người, chiếm 49,9%; nữ 50,3 triệu người, chiếm 50,1%. Tỷ số giới tính của dân số năm 2023 là 99,5 nam/100 nữ.
Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2023 là 73,7 tuổi (năm 2022 là 73,6 tuổi), trong đó nam là 71,1 tuổi và nữ là 76,5 tuổi.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm mạnh và cơ bản duy trì mức sinh thay thế từ năm 2005 trở lại đây. Tỷ lệ tử vong vẫn duy trì ở mức thấp, tuổi thọ trung bình tăng do những thành tựu phát triển của y học và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện.
Kết quả Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình của Tổng cục Thống kê, đến ngày 1/4 năm 2023, tổng tỷ suất sinh (tức là số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) năm 2023 đạt 1,96 con/phụ nữ. Con số này gần tương đương ước tính của Cục Dân số (Bộ Y tế) công bố đầu tuần qua (1,95 con/phụ nữ). Như vậy, đây là năm có tổng tỷ suất sinh thấp nhất từ khi Việt Nam triển khai chương trình dân số (năm 1960).
Dự báo của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam sẽ tăng lên 107 triệu người vào năm 2044, đạt quy mô lớn nhất khoảng 117 triệu người vào năm 2066; sau đó giảm dần, đến năm 2079 mới xuống dưới 100 triệu, sau đó giảm xuống 72 triệu người vào năm 2100. Như vậy, quy mô dân số nước ta sẽ duy trì ở mức trên 100 triệu trong khoảng 55 năm. Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp, từ mô hình sinh sớm sang mô hình sinh muộn, từ cơ cấu dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số.
Về lâu dài, mức sinh thấp làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Mức sinh thấp hôm nay sẽ trở thành gánh nặng trách nhiệm cho thế hệ những đứa trẻ là "con một" trong tương lai, khi phải gánh vác an sinh cho một xã hội già, siêu già, đồng nghĩa thiếu hụt nguồn lao động.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.