Dân tiếp tục tố giác Vụ cưỡng chế thu hồi đất khu vực Ao Thùy Dương (Tây Hồ, Hà Nội)
Như đã phản ánh tại bài viết với nhan đề Nhịp cầu bạn đọc trên DN&TT số 29, ra ngày 15/10 vừa qua, ngày 26/8/2020, Quận ủy, UBND quận Tây Hồ, TP Hà Nội tiến hành cưỡng chế thu hồi hàng nghìn mét vuông đất dựa theo các quyết định đã hết thời hiệu pháp luật.
Như đã phản ánh tại bài viết với nhan đề Nhịp cầu bạn đọc trên DN&TT số 29, ra ngày 15/10 vừa qua, ngày 26/8/2020, Quận ủy, UBND quận Tây Hồ, TP Hà Nội tiến hành cưỡng chế thu hồi hàng nghìn mét vuông đất dựa theo các quyết định đã hết thời hiệu pháp luật. Dự án mà UBND TP Hà Nội ra quyết định triển khai trên khu đất thu hồi này thuộc loại dự án xây dựng "công trình công cộng có tính chất kinh doanh" nên căn cứ theo quy định tại Khoản 3, Điều 62, Luật Đất đai 2013, nó không thuộc đối tượng thu hồi đất mà thuộc loại dự án đấu thầu chủ đầu tư và việc thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất thuộc trách nhiệm chủ đầu tư theo Nghị định 30/2015/NĐ-CP, ngày 17/3/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 05/5/2015.
Từ việc cưỡng chế phá nhà, thu hồi đất sai luật như vậy, nhiều người dân ở khu vực ao Thùy Dương, phường Quảng An, quận Tây Hồ tiếp tục gửi đơn tố giác tội phạm đến không chỉ các cấp chính quyền mà còn nhiều cơ quan chức năng như: Công an TP.Hà Nội; Cơ quan CSĐT Bộ Công an… tố cáo Ban Lãnh đạo quận Tây Hồ mà cụ thể là các ông: Đỗ Anh Tuấn là Bí thư, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ và ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ thời bấy giờ đã chỉ đạo, tổ chức thức hiện vụ cưỡng chế bất hợp pháp này.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2019, nhiều người dân ở đây có đơn gửi đến nhiều nơi đề nghị hủy các quyết định thu hồi đất mà UBND quận Tây Hồ ban hành năm 2017 nhưng không được bất kỳ cấp nào giải quyết. Tháng 8/2020, người dân tiếp tục gửi đơn khiếu nại lần 2 tới UBND quận Tây Hồ và trong khi chưa giải quyết đơn khiếu nại của dân thì cấp chính quyền này đã ra quyết định cưỡng chế và thực hiện ngay sau đó. Cũng trong tháng 8/2020, UBND TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo giao Thanh tra Thành phố chủ trì cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Tư pháp thành phố và UBND quận Tây Hồ rà soát lại cơ sở pháp lý, hiệu lực thi hành các quyết định thu hồi đất do UBND TP Hà Nội ban hành trước đây. Và, nhiều người dân ở đây cho rằng, theo chỉ đạo như vậy của UBND TP Hà Nội thì lẽ ra, UBND quận Tây Hồ phải dừng cưỡng chế, đợi các cơ quan chức năng rà soát lại cơ sở pháp lý, hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, "phép màu nhiệm" đó đã không xảy ra.
Trong số gần 7.000 m2 đất giao cho Công ty Vạn Thiện năm 1996 theo Quyết định số 3985/QĐ-UB ngày 25/11/1996 của UBND TP Hà Nội, công ty này mới được tiếp nhận hơn 5.300 m2. Số còn lại hơn 1.600 m2 đất, Công ty Vạn Thiện chưa được UBND quận Tây Hồ bàn giao. Toàn bộ diện tích gần 7.000 m2 đất bị thu hồi theo các quyết định nói trên của UBND TP Hà Nội hiện tại chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc quy hoạch tổng thể mặt bằng với tỷ lệ 1/500, được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Liên quan đến vấn đề này, ngày 16/11/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 11138/STNMT-ĐKTKĐĐ trả lời Công ty Vạn Thiện về việc sử dụng đất. Nội dung văn bản như sau: Sở TN&MT TP Hà Nội đề nghị UBND quận Tây Hồ tiến hành khôi phục mốc giới với diện tích 6.978m2 đất (trong đó tách rõ diện tích 4.375,4m2 đất để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo Quyết định số 4358/QĐ-UBND ngày 25/8/2015 và diện tích 1.625m2 đất do các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng trên cơ sở kết luận thanh tra xem xét, công nhận quyền sử dụng đất, cấp sổ đỏ, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác liên quan đến việc thu hồi đất, đảm bảo đúng quy trình pháp luật và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất).
Trao đổi với phóng viên, các hộ dân cho rằng: Diện tích 1.625m2 đất họ ở đến nay đã nhiều năm nhưng vẫn chưa có kết luận của bất kỳ cơ quan nào về nguồn gốc đất có thuộc dự án nào hay không, để được cấp sổ đỏ an tâm sinh sống. Họ cho rằng việc UBND quận Tây Hồ cưỡng chế thu hồi đất như vậy vừa bất hợp pháp vừa không đúng với thực tế sử dụng đất, không đúng với nội dung, quy trình, thủ tục xử lý vi phạm hành chính, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân…
Trong đơn, các hộ dân cho rằng, có những mảnh đất hộ dân bị cưỡng chế đã được cấp sổ đỏ. Và như vậy, nếu những gì người dân phản ánh là sự thật thì việc quy kết hơn chục hộ là vi phạm thì đây có phải do có sự buông lỏng của chính quyền sở tại trong thời gian dài vừa qua? Bởi người dân sống, làm nhà trên đất được Nhà nước cho Công ty Vạn Thiện thuê để xây dựng khuôn viên ao cá cây cảnh, vậy mà không có ai bị nhắc nhở, không bị xử lý trong khi công ty này bị thu hồi đất cho đến nay đã 21 năm trôi qua. Người dân cho rằng: Nếu thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công cộng quốc gia thuần túy (dù là đất hợp pháp hay không) thì là lẽ đương nhiên không chỉ họ mà tất cả mọi người cũng đều phải chấp hành. Tuy nhiên, ở đây, việc thu hồi lại có mục đích phục vụ "dự án xây dựng công trình công cộng có tính chất kinh doanh" thì, như chúng tôi đã đề cập trong số tạp chí trước, việc thu hồi phải được giải quyết theo đúng quy định của luật pháp, có đền bù, có thỏa thuận vì những người dân "đã sinh sống ổn định", vì các cấp chính quyền đã nhiều năm buông lỏng quản lý…
Để làm rõ nội dung đơn thư bạn đọc, Tạp chí DN&TT đã cử phóng viên gặp gỡ, trao đổi với ông Đặng Văn Hồi, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An. Tuy nhiên, tại đây, ông Hồi đã "né" câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm của chính quyền sở tại trong công tác quản lý đất đai đối với khu vực Ao Thùy Dương trong thời gian qua. Tìm câu trả lời từ phía UBND quận Tây Hồ, phóng viên cũng chỉ nhận được sự "im lặng" của ông Nguyễn Đình Hà, Phó Chánh Văn phòng và bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chánh văn phòng UBND quận này.
Xin gửi bài viết tới UBND TP Hà Nội tiếp tục xem xét, giải quyết. Chúng tôi sẽ trở lại vụ việc này trong số tạp chí tới.
Trần Ngoc KhaKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.