Đằng sau việc Bến Tre trở thành tỉnh phòng, chống dịch tốt nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long: Xét nghiệm mẫu gộp!

Đầu tư và Tiếp thị
09:31 AM 23/09/2021

Ngày 22/9, tại buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bến Tre về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo, hiệu quả của tỉnh Bến Tre trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch rất hiệu quả.

Tính đến chiều 21/9, Bến Tre đạt trạng thái bình thường mới trên địa bàn toàn tỉnh, chỉ còn 2/157 xã ở mức độ nguy cơ. Tỉnh bắt đầu cử cán bộ y tế hỗ trợ cho một số địa phương.

Tại đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo, hiệu quả của tỉnh Bến Tre trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch rất hiệu quả, đúng theo tinh thần "khoanh nhỏ nhất có thể, trong trường hợp chưa đủ cơ sở thì tạm thời khoanh rộng sau đó khẩn trương điều tra dịch tễ để thu gọn lại".

Bến Tre đến nay là một trong những tỉnh phòng, chống dịch tốt nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. "Toàn tỉnh đã ở trạng thái bình thường mới. Các đồng chí phải củng cố, giữ vững vùng xanh, thậm chí quyết liệt hơn vùng đỏ", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Đáng chú ý, một trong những công cụ giúp Bến Tre đạt được kết quả này phải kể đến chính là công nghệ.

Cụ thể, tỉnh đã áp dụng công nghệ QR code xét nghiệm âm tính mẫu gộp và mẫu đại diện nhóm cư dân, hộ gia đình. Trong đó, QR code này sử dụng như "giấy thông hành" để di chuyển, vận tải hàng hóa, tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ thiết yếu theo quy định.

Tính năng xét nghiệm mẫu đại diện (hay còn gọi là mẫu gộp) là một người có thể đăng ký cho một nhóm, hoặc một gia đình. Sau khi người trong nhóm lấy mẫu xét nghiệm, kết quả sẽ được đồng bộ trên nền tảng của tất cả mọi người trong cùng một nhóm. Cứ sau mỗi 72h, các thành viên trong nhóm có thể thay phiên làm đại diện xét nghiệm.

Vì sao đây lại là một công nghệ đặc biệt?

Đầu tiên, xét về chi phí, với việc xét nghiệm "đại diện" như trên, chi phí xét nghiệm giảm rất nhiều. Khi xét nghiệm trên diện rộng, hoặc ở các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, khoản chi phí tiết kiệm này sẽ càng lớn.

Lấy ví dụ, chi phí xét nghiệm cho mỗi công nhân, nhân viên với tần suất 3 ngày/lần, khoảng 200-250.000 nghìn đồng/ tháng. Như vậy nếu tính trong 1 nhóm 10 người, chi phí đã giảm đi hơn 2 triệu đồng.

Việc xét nghiệm gộp này có thể giảm phần nào gánh nặng chi phí, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện tại, nhưng đảm bảo tính chính xác trong việc kiểm soát dịch mà vẫn có đủ "giấy thông hành".

Thứ hai là xét về độ phủ trong chiến dịch xét nghiệm, xét nghiệm gộp sẽ làm giảm thời gian, cũng như phát hiện nhanh nguy cơ lây nhiễm, từ đó nhanh "xanh hóa" địa bàn. Như vậy, không chỉ là vấn đề về chi phí, mà đây còn là công cụ quan trọng để khống chế dịch hiệu quả.

Cũng tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Giám đốc Sở Y tế Bến Tre Ngô Văn Tán thông tin, kết quả xét nghiệm nhanh sẽ được cập nhật ngay lên ứng dụng cài đặt trên điện thoại của người dân, còn kết quả xét nghiệm RT-PCR được cập nhật sau 6 đến 12 giờ; 90% người tiêm vaccine phòng COVID-19 được cập nhật thông tin.

Với biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm nhanh chóng, nếu để xét nghiệm nhanh theo mẫu đơn từng người, địa phương sẽ phải mất rất lâu để tìm ra ổ dịch, và khi ấy dịch có thể đã lây lan rộng khắp. Nhờ công nghệ QR code xét nghiệm âm tính mẫu gộp, cộng với phần mềm quản lý xét nghiệm kết hợp phân tích báo cáo của Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế), Bến Tre đã có "chìa khóa" giúp địa phương trở thành "pháo đài xanh".

Thu Hà
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.