Đánh giá sản phẩm OCOP 5 sao cấp Trung ương lần đầu năm 2023

Tiếp thị
08:16 AM 06/04/2023

Ngày 5/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chủ trì phiên họp đầu tiên năm 2023 của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương. Đây là phiên họp đánh giá và xếp hạng nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, bao gồm 8 nhóm sản phẩm đến từ Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An và tỉnh Thừa Thiên Huế

Tổng hợp đến nay cả nước có 9.160 sản phẩm OCOP của 4.704 chủ thể sản xuất OCOP, trong đó 1.818 HTX (chiếm 38,6%), 1.194 doanh nghiệp (25,4%), còn lại 1.563 cơ sở sản xuất (chiếm 33,2%) và các tổ hợp tác…Đặc biệt có trên 30% chủ thể OCOP là nữ giới, được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao. Chương trình OCOP góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ kinh tế nông nghiệp, nông dân và nông thôn, kể cả du lịch nông thôn, bản sắc văn hóa địa phương cũng đang có bước khởi sắc.

Đánh giá sản phẩm OCOP 5 sao cấp Trung ương lần đầu năm 2023 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chủ trì phiên họp đầu tiên năm 2023 của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương

Phân cấp mạnh mẽ đánh giá sản phẩm OCOP

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nêu rõ: Thực hiện Quyết định 919/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiện toàn lại các hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP quốc gia theo hướng giảm bớt các hội đồng chuyên ngành, tăng cường vai trò các tổ tư vấn.

Về một số nét đổi mới năm nay, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Chính phủ thành lập 6 tổ tư vấn cho 6 nhóm ngành nghề sản phẩm OCOP. Các tổ tư vấn bao gồm các thành viên có chuyên môn sâu ở các ngành nghề có liên quan, nhằm bảo đảm chất lượng đánh giá xếp hạng các sản phẩm OCOP.

Đáng kể năm nay ở cấp Trung ương có đánh giá xếp hạng nhóm sản phẩm OCOP du lịch 5 sao dựa vào nguồn các sản phẩm 4 sao ở địa phương. Và khi đánh giá tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ mời Tổng cục Du lịch và đại diện của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch tham gia ở vai trò Tổ trưởng Tổ tư vấn. Ngoài ra, Tổ tư vấn nhóm này còn có thêm các chuyên gia giỏi từng trải nghiệm ngành du lịch, đủ khả năng đánh giá các sản phẩm OCOP về du lịch rất đa dạng về bản sắc địa phương.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói "Để phân cấp mạnh mẽ hơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tham mưu ở cấp Trung ương chấm 5 sao, cấp tỉnh chấm 4 sao và cấp huyện chấm 3 sao. Tuy chủ trương giao cấp huyện chấm 3 sao, nhưng cấp tỉnh vẫn hỗ trợ chuyên gia 3 ngành "cứng" tham gia hội đồng, đó là nông nghiệp, KHCN và Tài nguyên Môi trường. Bên cạnh đó, các tổ tư vấn có mời các trung tâm kiểm định chất lượng nông lâm sản tham gia, với đầy đủ chuyên gia, máy móc thiết bị để bảo đảm chất lượng đánh giá xếp hàng các sản phẩm OCOP."

Chủ thể OCOP tự tin với thương hiệu "Made in Việt Nam"

Tham gia cuộc đánh giá xếp hạng OCOP 5 sao đầu năm nay có 8 nhóm sản phẩm đủ điều kiện, bao gồm: 3 sản phẩm của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức – Hà Nội (Khăn lụa tơ tằm, Khăn lụa tơ sen, Chăn bông Tơ tằm tự dệt), sản phẩm Ống hút rau củ quả ECOS của HTX Nông nghiệp Sông Hồng – Hà Nội, bộ sản phẩm Gốm men Suối Ngọc của HTX Sản xuất kinh doanh gốm Tân Thịnh – Hà Nội, sản phẩm Tranh lá Bồ Đề của HTX Sinh Dược – Ninh Bình, sản phẩm Đèn lồng mây tre đan của Công ty TNHH Đức Phong – Nghệ An và Bộ sản phẩm đèn trang trí, rổ rá của HTX Sản xuất dịch vụ mây tre đan Bao La – Thừa Thiên Huế.

Đánh giá sản phẩm OCOP 5 sao cấp Trung ương lần đầu năm 2023 - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Tám, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sông Hồng (người áo vàng) đang thuyết trình dây chuyền sản xuất ông hút rau củ quả ECOS

Trao đổi bên lề với PV Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị, ông Lê Văn Tám, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sông Hồng, cho biết: Sản phẩm OCOP ống hút rau củ quả ECOS của HTX lúc đầu đạt 3 sao chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Từ khi phấn đấu xây dựng sản phẩm đạt 4 sao và vươn tới ngưỡng "5 sao" thì đã có rất nhiều đối tác quan tâm, trong đó có nhiều đối tác đến từ Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... Gần đây, HTX mới ký hợp đồng với đối tác Đức cung cấp 500.000 – 1 triệu ống hút/tháng.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Tám trăn trở nói "Người tiêu dùng chưa quan tâm đến hậu quả môi trường nếu sử dụng ống hút nhựa sau 500 năm mới tiêu hủy. Ở đây, tôi chưa nói ống hút nhựa không tốt, mà muốn nói sáng kiến ống hút nhựa đã lỗi thời, đến lúc phải thay đổi chuyển sang ống hút rau củ quả thân thiện hơn với môi trường, nhất là chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường biển trước tác hại rác thải nhựa..."

Là chủ thể 3 sản phẩm OCOP tham dự đánh giá xếp hạng "5 sao", Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận – Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, phấn khởi nói: "Tôi rất mừng được trình bày với Hội đồng xếp hạng, Tổ tư vấn cấp Trung ương về quy trình sản xuất chăn bông do con tằm tự dệt và tác dụng sản phẩm. Mong muốn của tôi khi sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao cấp Trung ương, thì tôi tự tin hơn truyền nghề, dạy nghề và phát triển nghề mạnh hơn, để ngày càng cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt hơn."

Sau khi so sánh với Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP và xem xét ý kiến các chuyên gia, các chủ thể, Hội đồng đánh giá xếp hạng thống nhất chấm điểm 3 nhóm sản phẩm đạt "5 sao": (1) Nhóm sản phẩm Gốm men Suối Ngọc của HTX Sản xuất kinh doanh gốm Tân Thịnh – Hà Nội có 10 sản phẩm, (2) Nhóm đèn lông mây tre đan của Công ty TNHH Đức Phong – Nghệ An có 5 sản phẩm, (3) Riêng nhóm sản phẩm chăn bông tơ tằm tự dệt của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức – Hà Nội, Hội đồng đề nghị chủ thể bổ sung hồ sơ sẽ công nhận sản phẩm OCOP "5 sao". Còn lại 5 nhóm sản phẩm của các đơn vị khác cần sớm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, để ngay trong năm nay tiếp tục chấm công nhận sản phẩm OCOP "5 sao", không đề chờ đợi sang năm sau.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định: Càng ngày các sản phẩm OCOP "5 sao" càng chất lượng, đa dạng mẫu mã và càng gắn với nhu cầu thị trường, nhất là các sản phẩm khai thác thế mạnh địa phương phục vụ phát triển du lịch ở các vùng quê. Tuy nhiên có một thực tế tuy sản phẩm rất tốt nhưng việc lập hồ sơ đánh giá còn sơ sài. Các chủ thể OCOP cần chú ý hơn đến vùng nguyên liệu, bởi các sản phẩm đều là đặc sản địa phương, nên cần bảo đảm tiêu chí quốc gia, tiêu chí xuất khẩu. OCOP là chương trình có ý nghĩa lớn phát triển kinh tế nông thôn, thế nên các chủ thể hãy tự tin sản xuất ra các sản phẩm đúng nghĩa "Made in Việt Nam".

Lưu Đoàn
Ý kiến của bạn