Đánh thức “NGÀY XƯA”…

Doanh nghiệp - Doanh nhân
09:57 PM 27/03/2020

Tôi nhớ ngày ấy bố đi làm bằng xe đạp Thống Nhất, nhóm bếp bằng diêm Thống Nhất, đau đầu sổ mũi thì xoa cao Sao Vàng và giấc mơ nhuốm màu xa xỉ của trẻ em tỉnh lẻ là được ăn kem Tràng Tiền...

    Nhiều người tiêu dùng vẫn còn bị ám ảnh mùi khói diêm sinh của Diêm Thống Nhất một thời...

    Nhưng rồi đất nước đổi mới, hội nhập, cho đến hôm nay nhiều thương hiệu Việt đã chỉ còn lại ký ức thời quá vãng.

    Có lẽ nhà văn Nguyễn Tuân cũng không bao giờ nghĩ rằng “Vang bóng một thời” - tên tác phẩm viết về những nếp sống cũ, nét nghệ thuật cổ thanh cao của một nền văn minh xưa cũ của mình lại trở thành biệt danh cho những thương hiệu Việt từng một thời đình đám.

    Thời bao cấp, chiếc xe Thống Nhất được coi như biểu tượng của sự giàu có, thành đạt, niềm mơ ước của hàng triệu người. Nhưng giờ xe đạp nhập ngoại được bày bán ở vị trí trang trọng với những chiếc xe của Pháp, Đức bóng loáng,...

    Hộp cao Sao Vàng “thần thánh” với người Việt Nam dường như trị được bách bệnh mà gia đình nào cũng cần có một thời. Hễ cứ nhức đầu, sổ mũi, chóng mặt, say tàu xe, đau bụng, bong gân... lại dùng đến cao Sao Vàng. Nhưng sau khi đất nước mở cửa, cao Sao Vàng gặp khó với các loại sản phẩm nhập ngoại, sản xuất cứ teo tóp dần.

    Diêm Thống Nhất gặp khó vì bật lửa lại xoay sang sản xuất bật lửa. Nhiều người tiêu dùng vẫn còn ám ảnh mùi khói diêm sinh, vậy nên vẫn gắng gượng “cháy” hòng thắp sáng lại thương hiệu 60 năm.

    Còn rất nhiều những sản phẩm mang thương hiệu của cả một thời kỳ lịch sử đang dần chìm vào sự “ngủ quên”… Có nhiều người cho rằng, diêm Thống Nhất, cao Sao Vàng, hay xe đạp Thống Nhất thì nó cũng đã hoàn thành được nhiệm vụ lịch sử trong một thời gian dài. Nhưng họ đã quên một điều, giá trị của thương hiệu, ngoài mặt kinh tế, còn là văn hóa, là biểu tượng.

    Lấy ví dụ với sản phẩm Diêm Thống Nhất. Sau năm 1954 vì mong ước Bắc-Nam sum họp một nhà nên ngày đó có rất nhiều đơn vị ở phía bắc lấy hai chữ “Thống Nhất” để đặt tên. Có thể kể đến như Xí nghiệp xe khách Thống Nhất, Nhà máy xe đạp Thống Nhất, Ủy ban Thống Nhất, Câu lạc bộ Thống Nhất… Hai chữ này thể hiện khát khao hòa bình của người dân. Nếu chỉ tính về giá trị kinh tế mà bỏ nó đi thì rất lãng phí.

    Trước khi Việt Nam được mở cửa kinh tế vào năm 1986, đồ Việt Nam chủ yếu là những doanh nghiệp nội địa được sản xuất hoàn toàn “Made in Vietnam”. Hiếm có thời kỳ nào mà xã hội lại nhớ hết tất cả những thương hiệu quen thuộc đến vậy.

    Bối cảnh thị trường Việt Nam hiện nay còn gì cho những thương hiệu Việt vang bóng một thời?

    Với việc Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các Hiệp định Thương mại tự do thì việc xây dựng được thương hiệu Việt rất có ý nghĩa.

    Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra thì “thị trường nội địa” “nội lực doanh nghiệp Việt” hơn bao giờ hết lại mang giá trị to lớn và là điểm tựa, là cái đích bền chắc cho sự phát triển của đất nước. Do đó mà cần một chiến lược bài bản hơn, thực chất và hiệu quả hơn cho phát triển thị trường trong nước ngay từ lúc này.

    Với lợi thế là “hào quang sẵn có” và đang “chơi trên sân nhà” thì chắc chắn mỗi bước đi sắp tới sẽ giúp các thương hiệu Việt đi tìm lại thị phần đã “lạc mất” trước đó…

    Ý kiến của bạn