Đánh thức tiềm năng du lịch Bắc Kạn
Bắc Kạn là tỉnh có nhiều danh thắng thơ mộng, nơi đây được thiên nhiên ban tặng những hang động, hồ nước ngọt, những khu rừng nguyên sinh kỳ thú và nhiều di tích lịch sử… Nhằm phát huy thế mạnh về tiềm năng du lịch, Bắc Kạn đang hướng đến trở thành một trong những điểm đến lý tưởng dành cho du khách đến trải nghiệm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học, tìm hiểu văn hóa bản sắc các dân tộc, du lịch mạo hiểm để ngành du lịch trở thành ngành công nghiệp không khói.
Trải nghiệm một chuyến thưởng ngoạn ngập tràn thú vị
Hồ Ba Bể là khu du lịch sinh thái nổi tiếng của vùng Đông Bắc với nhiều phong cảnh kỳ thú và đa dạng về sinh học. Đến với Hồ Ba Bể, du khách sẽ được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, được thưởng thức những món ăn truyền thống, được khám phá bản sắc văn hóa đặc sắc qua những làn điệu đàn Tính của Người Tày …
Vượt qua quãng đường từ thành phố Bắc Kạn đến hồ Ba Bể 70km về phía Tây Bắc, nằm ở trung tâm Vườn Quốc gia Ba Bể, thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể; phía Đông Bắc giáp xã Cao Trĩ và Khang Ninh; phía Đông Nam giáp xã Nam Cường và xã Đà Vị, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi không khỏi trầm trồ, thích thú với một vùng non nước bát ngát mở ra trước mắt. Ba Bể được ví như một viên ngọc bích giữa núi đồi Đông Bắc, thật trong lành, tinh khiết và thanh tao. Ngắm tận mắt mới thấy thật chẳng phải ngẫu nhiên mà hồ Ba Bể được mệnh danh "biển hồ trên núi".. Theo một số tài liệu, mặt hồ trải dài 8km, rộng từ 200m đến 1.000m, độ sâu trung bình 17 - 23m, nơi sâu nhất đạt 29m. Theo các cư dân xung quanh hồ thì lòng hồ có vô vàn loài cá, trong đó không ít loài quý hiếm như cá Lăng, Anh Vũ, cá Chép Kình, cá Rầm Xanh, cá Chiên.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, vùng đá vôi nơi đây có niên đại tới 450 triệu năm và điểm đặc biệt của vùng đá này chính là quá trình biến đổi địa chất. Đá vôi qua quá trình đó đã biến thành những mảng đá hoa cương độc đáo và hiếm thấy. Lớp đất sét dày tới 200m nơi đáy đã giúp hồ Ba Bể giữ nước, và đó cũng chính là điều kiện hình thành nên kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ này. Năm 1995, Hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới, tổ chức tại Mỹ và công nhận là 1 trong 20 hồ nước ngọt, tự nhiên, trên núi đá đẹp đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ.
Tại vùng hồ Ba Bể, hàng năm vào ngày mùng 9 tháng Giêng, cộng đồng thường tổ chức hội xuân với nhiều sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh khá độc đáo, như lễ rước kiệu tại đền An Mã. Bên cạnh đó, trong hội còn có hội trại và nhiều trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ đặc sắc…
Khu du lịch hồ Ba Bể còn lưu giữ vẻ đẹp của những trầm tích văn hóa được gửi gắm qua những câu sli, câu lượn, những câu chuyện dân gian như sự tích Pò Giả Mải, truyền thuyết động Hua Mạ, sự tích về chàng Xiên Cân - người làm nên cây đàn tính 12 dây... Bắc Kạn được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, hang, động, thác nước, nổi bật là Khu du lịch Ba Bể, với các địa danh: Vườn quốc gia Ba Bể, hồ Ba Bể, Ao Tiên, đảo Bà Góa, đền An Mã, động Puông, thác Đầu Đẳng, thác Tát Mạ, sông Năng; động Hua Mạ, động Nà Phoòng (căn cứ đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam), hang Thẳm Kít, hang Thẳm Phầy; Động Nàng tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (huyện Na Rỳ); Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn); hồ Bản Chang, thác Nà Khoang (huyện Ngân Sơn); thác Bạc, thác Rọom, hồ Nặm Cắt (thành phố Bắc Kạn)...
Vườn quốc gia Ba Bể là một khu rừng đặc dụng, khu sinh thái của Việt Nam sở hữu nhiều loại động vật quý hiếm. Được công nhận là Vườn di sản Asean, Vườn quốc gia Hồ Ba Bể có 106 loài cá ở hồ, 322 loài chim trong rừng. Ngoài ra còn có 533 loài côn trùng, 81 loài thú… và 1281 loài thực vật phong phú và đa dạng. Đặc biệt 66 loài quý hiếm đã được đưa vào Sách đỏ Thế giới.
Bên cạnh nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên hấp dẫn, tỉnh Bắc Kạn còn có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa phong phú như: Các phong tục tập quán, nghi lễ dân gian, trang phục, lễ hội truyền thống, các món ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao...; đi cùng với đó là hệ thống di sản văn hóa phi vật thể với 291 di sản đã được kiểm kê, nhận diện, trong đó có 20 di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, Di sản Then là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đây là nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, đa dạng tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách, nhất là khách du lịch quốc tế.
Bắc Kạn còn là nơi thích hợp để tổ chức các hoạt động về nguồn với các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu như: Khu di tích quốc gia đặc biệt an toàn khu (ATK) Chợ Đồn, Chợ Chu, Di tích lịch sử Nà Tu, Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông, Di tích lịch sử chiến thắng Đèo Giàng... mang dấu ấn một thời về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, của Quân đội và Nhân dân ta.
Ngoài ra, Bắc Kạn có một số đền, chùa tiêu biểu như đền Thắm, chùa Thạch Long thuộc huyện Chợ Mới; đền Mẫu, đền Cô, đền Thác Giềng thuộc TP.Bắc Kạn; đền An Mã, chùa Phố Cũ thuộc huyện Ba Bể...với kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên đẹp, là những điểm du lịch văn hóa tâm linh thu hút khách du lịch.
Bởi thích thú với cảnh quan thiên nhiên nên đôi chân dường như không biết mỏi, lãng đãng với mây nước vùng cao bên những người bạn dân tộc thưỡng thức những món quay. Món nướng mà thấy hồn dân tộc thấm đậm trong mỗi món ăn khiến khi đã thưỡng ngoạn thì ai cũng sẽ đọng lại trọng ký ức và tâm khảm về cảnh sác thơ mộng trên hồ. Quả thật, hương vị ẩm thực và cảnh sắc của núi rừng nơi đây đã làm say lòng lữ khách.
Bắc Kạn còn có rất nhiều sản vật hấp dẫn. Trong năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn quyết định công nhận 39 sản phẩm OCOP mới, chủ yếu thuộc lĩnh vực hàng thực phẩm, xếp hạng từ 3 sao trở lên, như: trà bí đao, mật ong rừng, gạo Nhật Japonica, trà hoa vàng, trà giảo cổ lam... Đặc biệt, Bắc Kạn còn công nhận, xếp hạng 3 sao cho 2 sản phẩm du lịch, gồm: Quỳnh Mai homestay và Du lịch cộng đồng Ba Bể-Ba Bể Green Homestay của 2 hộ kinh doanh du lịch ở xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Như vậy, cộng với số lượng 131 sản phẩm OCOP đã được công nhận giai đoạn 2018-2020, đến nay Bắc Kạn đã có 170 sản phẩm, đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP.
Chú trọng phát triển du lịch như đánh thức "nàng công chúa ngủ trong rừng"
Trong câu chuyện trao đổi về hành trình phát triển du lịch của địa phương, ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn trăn trở: "Rất nhiều tiềm năng nhưng du lịch Bắc Kạn được nhiều người ví dường như vẫn như "nàng công chúa ngủ trong rừng", tiềm năng chưa được đánh thức. Sở dĩ như vậy vì Bắc Kạn còn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch. Nhiều tài nguyên du lịch chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng nhất là giao thông đi lại còn khó khăn, dẫn tới hiệu quả đầu tư thấp, chi phí đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn lâu nên khó thu hút đầu tư cho du lịch. Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch có số lượng phát triển khá nhanh nhưng đa số quy mô nhỏ, thiếu các cơ sở phục vụ du lịch chất lượng cao... Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, các tuyến, điểm du lịch chưa hoàn chỉnh và chưa mang tính độc đáo, đặc thù riêng của tỉnh".
Cũng theo ông Hưng thì Tỉnh cũng đã nhìn thẳng vào những khó khăn, hạn chế, bất cập trong phát triển du lịch của địa phương, nên BCH Đảng bộ Tỉnh lần thứ IV (Khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 12/8/2021 về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 và đưa ra các định hướng phát triển du lịch Bắc Kạn.
Quan điểm xuyên suốt của Bắc Kạn là phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với dịch vụ đa dạng, chất lượng đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước. Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy, bảo tồn các giá trị di sản. Du lịch Bắc Kạn phải và chỉ có thể cạnh tranh bằng yếu tố bản sắc nhưng phải được khai thác bằng những cách làm mới và sáng tạo.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 Khu du lịch Ba Bể trở thành Khu du lịch quốc gia, du lịch Hồ Nặm Cắt trở thành Khu du lịch cấp tỉnh. Mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 điểm, khu du lịch được công nhận. Đón ít nhất 32.000 lượt khách quốc tế và 1.000.000 lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của khách du lịch đạt 13%. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 1.000 tỷ đồng, tương đương với 5% GRDP toàn tỉnh. Định hướng đến năm 2030, du lịch Bắc Kạn cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 2.500 tỷ đồng, tương đương với 10% GRDP toàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng cho biết: "Để đạt những mục tiêu nêu trên, một loạt các giải pháp được tỉnh đề ra như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền đối với phát triển du lịch. Quan tâm công tác quy hoạch, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Cơ cấu lại ngành du lịch tỉnh đảm bảo tính chuyên nghiệp và phát triển bền vững; trong đó đặc biệt lưu ý việc cơ cấu lại dịch vụ du lịch theo hướng phát huy sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng; tăng cường sảnphẩm du lịch lịch sử - tâm linh, bổ sung sản phẩm du lịch văn hóa - trải nghiệm, tạo mới sản phẩm du lịch vui chơi - giải trí, mạo hiểm. Chẳng hạn như có cơ chế bảo tồn những nếp nhà sàn, bảo tồn những trò diễn dân gian của người Tày, người Dao…; thành lập các đội văn nghệ, các CLB văn hóa dân gian của người Tày như hát Then, đàn Tính, múa bát, múa chầu, múa quạt…"
Vấn đề quan trọng để thu hút các nhà đầu tư cũng như thu hút khách du lịch mà trọng tâm là du lịch Hồ Ba Bể, quan trọng là phải cải thiện các tuyến giao thông. Với nhiều lợi thế về du lịch nhưng giao thông đi lại khó khăn là dào cản cho du khách đến với Bắc Kan. Bắc Kan đã và đang triển khai đầu tư nhiều tuyến đường nhằm phát triển thế mạnh về du lịch, điều kiện phát triển kinh tế địa phương.
Trong những năm qua, từ nguồn ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, UBND tỉnh đã đề xuất và triển khai các dự án hạ tầng, nhất là các dự án về giao thông đường bộ như cải tạo sửa chữa đường tỉnh ĐT 258; cải tạo, nâng cấp đường 258 đoạn qua Vườn quốc gia Ba Bể; xây dựng hạ tầng giao thông khu vực xung quanh hồ Ba Bể. Đặc biệt là việc xây dựng tuyến đường Quảng Khê - Khang Ninh, huyện Ba Bể; xây dựng tuyến đường QL3 mới đoạn Chợ Mới - Thành phố Bắc Kạn; xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể. Tuyến đường này được UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt tại Quyết định số 1854/QĐ- UBND ngày 14/10/2020 với chiều dài 39 km đi qua phường Sông Cầu, xã Dương Quang (TP Bắc Kạn); xã Đôn Phong (huyện Bạch Thông); xã Bằng Phúc (huyện Chợ Đồn); xã Đồng Phúc, Quảng Khê (huyện Ba Bể), tuyến đường này hoàn thành sẽ cải thiện mạng lưới giao thông, rút ngắn thời gian đến hồ Ba Bể (từ 70 km xuống còn 39 km). Rút ngắn khoảng cách và thời gian từ Hà Nội đến hồ Ba Bể chỉ còn khoảng 2g40 chạy xe ô tô, rất thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là giao thông đường bộ tốt đã thu hút du khách và kết nối các tour tuyến du lịch giữa tỉnh Bắc Kạn với các tỉnh, thành phố trong cả nước, điều này đã là động lực và cơ hội để thu hút các nhà đầu tư chiến lược về du lịch.
Tuần lễ du lịch Ba Bể
"Tuần lễ du lịch - Di sản văn hóa Ba Bể năm 2022" gắn với Lễ Công bố Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia tỉnh Bắc Kạn, đã diễn ra từ ngày mồng 3 đến ngày mồng 6/6/2022 tại Khu du lịch hồ Ba Bể.
Trong khuôn khổ Tuần lễ với các hoạt động chính như: Lễ khai mạc "Tuần lễ du lịch - Di sản Văn hóa Ba Bể năm 2022" gắn với Lễ công bố Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia "Múa Bát" của người Tày Bắc Kạn và "Lễ cấp sắc" của người Dao Tiền xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông; Liên hoan hát Then - đàn Tính các dân tộc Tày - Nùng tỉnh Bắc Kạn lần thứ I năm 2022; Trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn, trình diễn Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia tỉnh Bắc Kạn năm 2022; Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ba Bể; Liên hoan ẩm thực các dân tộc Bắc Kạn gắn với trưng bày giới thiệu các mặt hàng nông sản OCOP Bắc Kạn, Ba Bể...
Tuần lễ du lịch - Di sản Văn hóa Ba Bể là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức với mục đích khôi phục tổng thể hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh như đánh thức " Nàng công chuacs ngủ trong rừng" đối với du lịch Bắc Kạn. Đồng thời hướng tới xây dựng, tổ chức Tuần lễ du lịch Bắc Kạn trở thành sự kiện truyền thống thường niên nhằm tạo điểm nhấn hấp dẫn, thu hút du khách đến với Bắc Kạn ngày càng đông hơn.
Trung KiênBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.