Đánh thức tiềm năng du lịch đường sông tại Việt Nam

Địa phương
03:56 PM 18/09/2024

Sáng 18/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch quốc gia) tổ chức Hội thảo “Phát triển du lịch đường sông ở Việt Nam - Định hướng và giải pháp” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo về du lịch…

Hội thảo là diễn đàn để các cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về du lịch, giao thông, môi trường; các cơ sở đào tạo, chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan, doanh nghiệp... trao đổi và thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch đường sông ở Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào hai nội dung chính: "Đánh giá hiện trạng, nhận diện các yếu tố, các rào cản ảnh hưởng đến phát triển du lịch đường sông tại Việt Nam hiện nay" và "Những vấn đề chủ yếu cần giải quyết và gợi mở những chính sách, giải pháp để phát triển du lịch đường sông tại Việt Nam".

Đánh thức tiềm năng du lịch đường sông tại Việt Nam- Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo.

Xuyên suốt hội thảo, các đại biểu đã tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến, tập trung vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến du lịch đường sông ở Việt Nam, hướng tới trong tương lai các dòng sông của Việt Nam sẽ là những điểm đến du lịch hấp dẫn, với các sản phẩm du lịch đa dạng nhưng không kém phần độc đáo.

Báo cáo tại hội thảo, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho hay: Các dòng sông đóng vai trò rất quan trọng đối với con người. Các nền văn minh lâu đời và những vùng văn hóa lớn đều khởi nguồn từ những dòng sông, như: Văn minh Ai Cập đi cùng sông Nile; văn minh Lưỡng Hà từ sông Tigris và Euphrates; văn minh lục địa Ấn Độ từ sông Hằng và sông Ấn, tương tự là Hoàng Hà và Dương Tử làm nên văn minh Trung Hoa.

Ở Việt Nam chúng ta có nền văn minh sông Hồng. Bên cạnh việc cung cấp nước và các đồng bằng phù sa màu mỡ, các dòng sông còn là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, bởi giá trị cảnh quan, văn hóa và hạ tầng phục vụ các hoạt động tham quan, giải trí. Hiện nay, du lịch đường sông đã nổi lên như một trong các loại hình du lịch quan trọng của ngành du lịch toàn cầu.

Du lịch đường sông góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, làm phong phú thêm các loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm đến du lịch lịch sử và văn hóa thông qua trải nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên, hệ sinh thái và hệ thống di sản văn hóa ven sông.

Đánh thức tiềm năng du lịch đường sông tại Việt Nam- Ảnh 2.

Hội thảo nhằm mục đích góp thêm cơ sở khoa học và thực tiễn về phát triển du lịch đường sông nói chung, đồng thời đề xuất các giải pháp chủ yếu để phát triển sản phẩm du lịch đường sông trong những năm tới.

Việc phát triển du lịch đường sông cũng có thể thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, như cảng du lịch, bến tàu, các khu vực xung quanh các dòng sông cùng cảnh quan hai bên bờ sông và đời sống dân cư ven sông là nguồn tài nguyên quý phát triển du lịch. Ngoài ra, khai thác du lịch đường sông có thể góp phần giảm áp lực lên các điểm du lịch và hệ thống giao thông đường bộ, đặc biệt tại các thành phố lớn. Bên cạnh những đóng góp về kinh tế và văn hóa, bằng cách thúc đẩy các hoạt động du lịch có trách nhiệm, du lịch đường sông có thể góp phần bảo tồn các hệ sinh thái quan trọng dưới nước và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trên thế giới có rất nhiều quốc gia đã xây dựng các sản phẩm và khai thác thành công loại hình du lịch đường sông. Tại Pháp, kênh đào Canal du Midi đã được UNESCO công nhận là một trong những tuyến đường sông lâu đời nhất và đẹp nhất tại Pháp, khách du lịch có thể thuê thuyền tự lái để khám phá, tận hưởng phong cảnh nông thôn thanh bình, và dừng chân tại các ngôi làng nhỏ dọc đường; hay sông Seine với sản phẩm du thuyền cao cấp, khách du lịch có chiêm ngưỡng những cảnh đẹp nổi tiếng như Tháp Eiffel, Nhà thờ Đức Bà và Bảo tàng Louvre.

Sông Hoàng Hà ở Trung Quốc đã chứng minh sự gia tăng liên tục của khách du lịch đến tham quan bởi các sản phẩm du lịch độc đáo gắn với nhiều điểm di tích lịch sử dọc bờ sông như Binh Mã Dũng ở Tây An, Bạch Mã Tự ở Lạc Dương và di tích từ thời kỳ nhà Tống ở Khải Phong. Thái Lan cũng đã khai thác thành công sản phẩm du thuyền ban đêm gắn với ngắm cảnh và thưởng thức ẩm thực trên sông Chao Phraya tại Bangkok.

Việt Nam có mạng lưới sông ngòi phong phú, trải dài từ miền Bắc đến miền Nam, tạo nên những tuyến du lịch đường sông đa dạng và độc đáo. Với hơn 2.360 con sông lớn nhỏ, tổng chiều dài khoảng 41.900 km là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đường sông.

Ở miền Bắc, hệ thống sông Hồng không chỉ đóng vai trò là tuyến giao thông quan trọng mà còn là điểm đến hấp dẫn với nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, làng cổ ven sông như làng gốm Bát Tràng, Bút Tháp, Đền Đô.

Sông Hương ở Huế lại nổi tiếng với vẻ đẹp thơ mộng và sự gắn kết với di sản văn hóa thế giới Cố đô Huế. Ở miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long nổi bật với hệ thống kênh rạch dày đặc, là nơi lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái và khám phá văn hóa sông nước, chợ nổi như Cái Răng, Phong Điền.

Ngoài ra, nhiều khu vực sông nước tại Việt Nam có hệ sinh thái đa dạng, là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm như vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), U Minh Thượng (Kiên Giang), Cát Tiên (Đồng Nai) không chỉ là những điểm đến du lịch sinh thái nổi tiếng mà còn góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường tự nhiên.

Với tiềm năng như vậy, những năm qua, nhiều địa phương đã bước đầu chú trọng phát triển du lịch đường sông và đã đạt được những thành công nhất định, điển hình như du lịch trên dòng sông Nho Quế (Hà Giang), sông Hương (Huế), sông Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh)... Đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh hiện khai thác tới 17 tuyến du lịch đường thủy, trong đó 4 tuyến du lịch đường thủy tầm trung xuất phát từ TP.HCM đến Bình Dương, Đồng Nai có lộ trình qua sân golf với mục tiêu phục vụ du lịch golf.

Đánh thức tiềm năng du lịch đường sông tại Việt Nam- Ảnh 3.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến khẳng định các dòng sông cùng cảnh quan hai bên bờ sông và đời sống dân cư ven sông là nguồn tài nguyên quý phát triển du lịch.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng đến nay, du lịch đường sông ở Việt Nam được đánh giá là phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện chưa có nhiều tour du lịch đường sông được khai thác và nhiều tour hiện có rất ít khách du lịch, thậm chí có thể phải dừng khai thác. 

Trong những năm tới, du lịch Việt Nam được định hướng phát triển thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch đường sông gắn với các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái vẫn là một trong những hướng ưu tiên trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Để có thể khai thác tốt hơn du lịch đường sông, một số giải pháp cần tập trung: Đầu tư hạ tầng và quy hoạch đồng bộ, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, tăng cường liên kết giữa các địa phương, tăng cường quản lý môi trường,... 

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, giao thông, môi trường ở TW và địa phương; các nhà nghiên cứu từ các Viện nghiên cứu, trường đại học trên toàn quốc đã trình bày tham luận cho thấy có nhiều vấn đề đặt ra đối với việc phát triển du lịch đường sông ở Việt Nam hiện nay.

Từ các vấn đề về lý luận đến thực tiễn về phát triển du lịch đường sông; về các yếu tố tác động đến hoạt động du lịch đường sông như công tác quy hoạch, quản lý hoạt động vận tải khách du lịch bằng đường thủy, bảo vệ môi trường, xây dựng dựng sản phẩm... đến các giải pháp về cơ chế chính sách, đầu tư, xúc tiến quảng bá....

Đánh thức tiềm năng du lịch đường sông tại Việt Nam- Ảnh 4.

Nhiều nội dung tham luận chuyên sâu đã được trình bày tại hội thảo.

Hầu hết các tham luận cũng đều nhấn mạnh đến phát triển du lịch đường sông đòi hỏi sự cân bằng tinh tế giữa bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường và tính bền vững về kinh tế. Muốn khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch này cần thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, trong đó có sự nghiên cứu bài bản từ tổng thể đến chi tiết, cụ thể với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự chung tay của toàn xã hội.

Ban Tổ chức hy vọng các tham luận đã, đang và sẽ làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến du lịch đường sông ở Việt Nam, hướng tới trong tương lai các dòng sông của Việt Nam sẽ là những điểm đến du lịch hấp dẫn, với các sản phẩm du lịch đa dạng nhưng không kém phần độc đáo.

Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Tôn vinh giá trị làng nghề trồng hoa qua Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2 Hà Nội: Tôn vinh giá trị làng nghề trồng hoa qua Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2

Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2, năm 2024 tiếp tục được tổ chức với chủ để "Mê Linh rực rỡ sắc hoa" sẽ được tổ chức trong 4 ngày, dự kiến từ ngày 26/12/2024 đến hết ngày 29/12/2024, tại Quảng trường Trung tâm hành chính huyện Mê Linh.