Đảo Cồn Cỏ - “Viên ngọc xanh’’ của Quảng Trị

Tiếp thị
09:26 AM 02/08/2022

Đảo Cồn Cỏ trên vùng biển Quảng Trị có vị trí chiến lược quan trọng ở cửa ngõ phía Nam Vịnh Bắc Bộ. Nơi đây được ví như “Viên ngọc xanh” bởi phong cảnh, môi trường thiên nhiên nguyên sơ ẩn chứa nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái biển đảo.

Những năm qua, để phát huy thế mạnh sẵn có, huyện đảo Cồn Cỏ đã xác định cơ cấu kinh tế trọng tâm là du lịch, dịch vụ và nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản. Và đặc biệt, nơi đây đang được Tỉnh và Huyện chú trọng đầu tư về du lịch bởi phong cảnh và môi trường sinh thái tự nhiên trên đảo đã tạo thành điểm du lịch hấp.

Được thành lập tháng 10/2004 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, huyện đảo Cồn Cỏ có diện tích đất tự nhiên 230 ha, trên 60% diện tích trên đảo là rừng tự nhiên và có nhiều tài nguyên sinh vật biển phong phú. Những năm qua, Cồn Cỏ đã nỗ lực phát triển kinh tế theo cơ cấu du lịch, dịch vụ, thủy sản và diện mạo hòn đảo xinh đẹp này đang từng ngày khởi sắc. 

Đảo Cồn Cỏ - “Viên ngọc xanh’’ của Quảng Trị - Ảnh 1.

"Viên ngọc xanh" của Quảng Trị

Dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Quảng Trị, trao đổi với báo chí ông Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Ngoài mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế về công, nông nghiệp, năng lượng thì Tỉnh rất chú trọng đầu tư và kêu gọi đầu tư về du lịch bởi Quảng Trị là vùng đất có nhiều điểm đến gắn với di tích lịch sử và là tỉnh có biển đảo khá hấp dẫn du khách. Ông Võ Viết Cường - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ cho biết: "Mặc dù tình hình chung trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng với "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội, tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi, UBND huyện đã tập trung các giải pháp chỉ đạo, điều hành một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực công tác và đã đạt được những kết quả tích cực. Đáng phấn khởi là lĩnh vực kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, một số công trình hoàn thành đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả thiết thực, các mô hình phát triển sản xuất đang triển khai tạo việc làm ổn định cho người dân trên đảo".

Đảo Cồn Cỏ - “Viên ngọc xanh’’ của Quảng Trị - Ảnh 2.

Đảo Cồn Cỏ, một “thiên đường”du lịch

Điều này thể hiện qua các con số: tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ tính 10 tháng đầu năm  2021 đã đạt khoảng 77 tỷ đồng, đạt 154,2% kế hoạch cả năm 2021; thu ngân sách trên địa bàn 10 tháng đầu năm là trên 1 tỷ đồng, đạt 160% kế hoạch cả năm; tổng sản lượng thủy hải sản năm đạt 10 tấn, đạt 100% kế hoạch. Trong bối cảnh ảnh hưởng đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, hoạt động du lịch bị ngưng trệ vẫn đón trên 3000 khách đến thăm đảo. Các chỉ tiêu như tỷ lệ che phủ rừng, trồng cây xanh, các chỉ tiêu về văn hóa- xã hội đều đạt mục tiêu đề ra.

Khởi động năm 2022 với nhiều tín hiệu lạc quan

Từ kết quả đạt được, Cồn Cỏ dự kiến các mục tiêu chủ yếu năm 2022 với các chỉ tiêu kinh tế: Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 50 tỷ đồng, thu hút khách du lịch đạt trên 8.000 khách, thu ngân sách trên địa bàn đạt 550 triệu đồng, sản lượng thuỷ hải sản đạt 11 tấn, thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng, sản lượng thịt quy đổi 20.000 kg/năm, rau, củ, quả 25.000 kg/năm.

Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, kêu gọi đầu tư, Chủ tịch UBND huyện Võ Viết Cường cho biết: Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt, huyện tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng các công trình trung hạn đã được phê duyệt, phối hợp với các Sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị của tỉnh tích cực quảng bá, kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tâm huyết, có tiềm lực được tiếp cận và nghiên cứu, khảo sát đến huyện đảo đầu tư đồng bộ hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là du lịch đi đôi với đảm bảo quốc phòng an ninh. Tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp liên doanh, liên kết đầu tư hạ tầng du lịch, dịch vụ, hậu cần nghề cá...

Về du lịch, dịch vụ và thương mại trong đầu năm 2022, huyện tập trung khai thác hiệu quả tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ. Tiếp tục đầu tư, kêu gọi đầu tư hạ tầng du lịch, dịch vụ, tôn tạo hình thành mới một số điểm đến, tạo dựng khu danh thắng lịch sử, điểm tham quan, ngắm cảnh, dịch vụ lặn ngắm biển… Thực hiện hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng hoạt động khu dịch vụ hậu cần nghề cá, làm tốt công tác bảo vệ, bảo tồn, làm giàu nguồn lợi thủy sản trên biển, đáy biển quanh đảo. 

Đảo Cồn Cỏ - “Viên ngọc xanh’’ của Quảng Trị - Ảnh 3.

Tàu du lịch cao tốc đưa du khách ra đảo Cồn Cỏ

Hướng đến trở thành "thiên đường"du lịch

Do được được hình thành bởi hoạt động kiến tạo từ phun trào của núi lửa nên đảo có giá trị về địa chất và sinh thái, cảnh quan như một bảo tàng thiên nhiên với các thềm đá bazan độc đáo dọc bờ biển, các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò, điệp, cát... Cồn Cỏ có lợi thế với nhiều loại hình du lịch sinh thái và văn hóa, như: Nghỉ dưỡng, câu cá giải trí và bắt hải sản, ẩm thực, tắm biến, lặn biển, du thuyền, du ngoạn xuyên rừng, thăm các di sản núi lửa bazan, các di tích lịch sử…

Cách đây 5 năm, từ năm 2017, huyện đã triển khai đề án mở tuyến du lịch ra đảo. Lượng du khách đến đảo (giai đoạn 2017-2021) trung bình hàng năm chiếm 103,95%, tăng cao so với giai đoạn trước, doanh thu từ du lịch, dịch vụ ước đạt khoảng 21,6 tỷ đồng. Dù năm qua dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến du lịch của cả nước nhưng lượng khách du lịch đến với Cồn Cỏ vẫn đạt trên 80% kế hoạch cả năm của huyện. Điều này càng khẳng định sức hút ngày càng lớn của hòn đảo này.

Cồn Cỏ cách Cửa Việt, huyện Gio Linh khoảng 17 hải lý. Chỉ mất 50 phút ngồi tàu cao tốc, du khách đã đặt chân lên đảo. Được kiến tạo từ ngọn núi lửa cổ giữa biển khơi triệu năm về trước, Cồn Cỏ như là một bảo tàng tự nhiên hiếm có. Hòn đảo này hiện được phủ xanh phần lớn diện tích bởi rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú. Đáy biển Cồn Cỏ có đến 109 loài san hô, nhiều loại quý hiếm, nhất là san hô đỏ và san hô đen; ngoài ra còn có hơn 50 loài rong biển có giá trị cao. 

Đảo Cồn Cỏ - “Viên ngọc xanh’’ của Quảng Trị - Ảnh 4.

Ngọn Hải đăng trên đảo

Với diện tích khoảng 2,3 km2, trong đó hơn 70% là diện tích rừng nguyên sinh, đảo Cồn Cỏ là một số ít nơi đây tại Việt Nam còn có hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Bởi vậy, một trong những trải nghiệm thú vị không thể bỏ qua khi đến thăm Cồn Cỏ là thăm quan rừng nguyên sinh giữa biển khơi, tận hưởng bầu không khí trong lành và khám phá hệ động, thực vật phong phú trên đảo.

Nổi tiếng là hòn đảo thép trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, Cồn Cỏ hấp dẫn với du khách là các điểm tham quan các di tích lịch sử nổi tiếng như: Nhà truyền thống đảo Cồn Cỏ, nơi lưu giữ kỷ vật tái hiện lịch sử hào hùng của quân và dân huyện đảo, dâng hương tại Đài tưởng niệm tôn vinh những người lính anh dũng đã hy sinh để bảo vệ biển đảo Tổ Quốc, hay ghé thăm nhiều điểm thăm quan hấp dẫn như: Cột cờ Tổ Quốc, Hải Đăng, hầm Quân y tự nhiên thời kháng chiến chống Mỹ, Đài quan sát Thái Văn A, bến đò tiếp tế, thăm quan dã ngoại rừng nguyên sinh, đường đi dạo và ngắm cảnh ở Bến Tranh, Bến Nghè, Công viên xanh và đặc biệt lag du khách có thể lặn đêm bắt cá cùng người dân trên đảo, bắt ốc vú nàng, tôm hùm...

Đảo Cồn Cỏ - “Viên ngọc xanh’’ của Quảng Trị - Ảnh 5.

Biển đảo Cồn Cỏ

Du khách đến Cồn Cỏ rất thích thú với các tour khám phá, tham quan dã ngoại rừng nguyên sinh, ngắm toàn cảnh biển đảo từ ngọn Hải Đăng trên đỉnh đồi 63 cao nhất đảo, tham quan Công viên cây xanh…cùng với nhiều loại hình du lịch biển kết hợp du lịch sinh thái trong Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Thời gian đến du lịch ở đảo Cồn Cỏ thích hợp nhất là mùa hè, từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm, trong đó tháng 5, 6 và 7 là thời điểm sóng lặng biển êm.

Trong câu chuyện trao đổi với chúng tôi, đồng chí Võ Viết Cường rất trăn trở với các giải pháp để thực hiện mục tiêu đưa hòn đảo xinh đẹp này thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình thăm quan, nghỉ dưỡng tại Quảng Trị của du khách. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn năm 2030, tỉnh Quảng Trị và huyện Cồn Cỏ thu hút các nhà đầu tư xây dựng các công trình trung hạn đã được phê duyệt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh; trong đó, tập trung vào hạ tầng du lịch, dịch vụ lưu trú đạt chuẩn.

Huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên doanh, liên kết phát triển du lịch, dịch vụ, hậu cần nghề cá... Đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến khảo sát đầu tư như Công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Mai; Công ty Du thuyền TP Hồ Chí Minh; Công ty xây lắp Công nghiệp Hà Nội; Nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhà tỷ phú Thái Lan, Tập đoàn FLC... 

Trung Kiên
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Tổ chức đợt cao điểm An toàn, vệ sinh lao động, chăm lo cho công nhân, lao động năm 2024 Hà Nội: Tổ chức đợt cao điểm An toàn, vệ sinh lao động, chăm lo cho công nhân, lao động năm 2024

Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.