‘Dao kéo’: Ngành công nghiệp tỷ USD biến Hàn Quốc thành ‘kinh đô thẩm mỹ’ thế giới, Covid-19 càng hốt bạc vì nhu cầu tăng vọt
Nền tảng phẫu thuật thẩm mỹ trực tuyến lớn nhất Hàn Quốc cho biết người dùng của họ đã yêu cầu 1 triệu buổi tư vấn trong năm 2021.
"Kinh đô" dao kéo của thế giới
Theo một thống kê năm 2019, Hàn Quốc là quốc gia có số lượt thực hiện các ca phẫu thuật thẩm mỹ bình quân đầu người cao nhất thế giới. Làm đẹp thông qua biện pháp này đã trở nên phổ biến đến nỗi mọi người coi đó là chuyện hết sức bình thường.
G – một cô gái 20 tuổi làm việc trong ngành truyền hình ở Seoul chia sẻ rằng vì tính chất công việc và một số lý do cá nhân, cô đã quyết định thay đổi gương mặt, cụ thể là nâng mũi và bấm mí mắt. Ca phẫu thuật diễn ra tốt đẹp và G rất hài lòng. Từ đó trở đi, cô tự tin hơn về ngoại hình của mình. Thậm chí, cô còn trở nên hướng ngoại hơn sau khi "dao kéo".
Nhờ nhu cầu cao của nhiều đối tượng khác nhau, từ thanh thiếu niên cho đến người cao tuổi, ngành phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc đã bùng nổ hơn ở bất cứ đâu trên thế giới.
Phẫu thuật thẩm mỹ đã ăn sâu vào văn hóa và tiềm thức của người dân Hàn Quốc. Không có gì là lạ khi những học sinh trung học ở đây được tặng một ca phẫu thuật thẩm mỹ như món quà tốt nghiệp.
Theo một khảo sát năm 2015, có 14% phụ nữ Hàn Quốc đã trải qua ít nhất một ca phẫu thuật thẩm mỹ. Tỷ lệ này là 30% đối với phụ nữ ở độ tuổi 20 nói riêng. Không chỉ nữ giới, ngày càng nhiều nam giới đã tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi ngoại hình. Nhờ đó, ngành này tại Hàn Quốc lại càng phát triển mạnh.
Năm 2019, chỉ riêng thủ đô Seoul đã có tới 600 cơ sở thẩm mỹ. Một báo cáo khác vào năm 2011 ước tính năm đó đã có gần 650.000 ca phẫu thuật thẩm mỹ được thực hiện. Giờ đây, sau hơn 10 năm, con số đó chắc chắn đã tăng gấp nhiều lần.
Thị trường phẫu thuật thẩm mỹ quốc tế ở Hàn Quốc cũng rất phát triển. Năm 2018, có khoảng 50.000 người nước ngoài đến đây để phẫu thuật thẩm mỹ, đem về khoản tiền 189 triệu USD cho ngành làm đẹp của nước này.
Bùng nổ nhờ Covid-19
Bất chấp việc nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch, ngành phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc vẫn "hốt bạc" do nhu cầu tăng trong bối cảnh mọi người có nhiều thời gian rảnh hơn và luôn có khẩu trang che chắn.
Nhiều người tiến hành "sửa sang" khuôn mặt vì không bị ai chú ý nhờ việc phải đeo khẩu trang khi ra ngoài. Hơn nữa, việc học tập, làm việc tại nhà cũng giúp họ phục hồi tốt hơn sau thẩm mỹ.
Theo Reuters, ngành phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc trị giá khoảng 10,7 tỷ USD vào năm 2020, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt khoảng 11,8 tỷ USD trong năm 2021.
Ảnh: Internet.
Các bác sĩ phẫu thuật cho biết phần lớn khách hàng muốn chỉnh sửa bộ phận như mũi, môi, trán. Một bác sĩ cho biết nhiều người thậm chí còn dùng tiền hỗ trợ do ảnh hưởng của Covid-19 từ chính phủ để sửa sang lại nhan sắc. Điều đó đã khiến doanh thu trong quý III và IV năm 2020 của ngành này tại Hàn Quốc tăng mạnh.
"Tôi cảm thấy việc này giống chi tiêu trả thù. Họ thể hiện cảm xúc dồn nén do Covid-19 bằng cách chi tiền không tiếc tay để thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ", bác sĩ Shin nói.
Dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc cho thấy trong 12,95 tỷ USD tiền hỗ trợ Covid-19, 10,6% được sử dụng trong các bệnh viện và nhà thuốc, đứng thứ 3 trong danh sách chi tiêu, sau siêu thị và nhà hàng. Nền tảng phẫu thuật thẩm mỹ trực tuyến lớn nhất Hàn Quốc - Gangnam Unni, nói rằng người dùng của họ đã tăng 63% so với năm 2020, lên khoảng 2,6 triệu. Người dùng của họ đã yêu cầu 1 triệu buổi tư vấn, gấp đôi so với năm 2020.
Do đại dịch, việc quảng bá dịch vụ thẩm mỹ cho khách hàng nước ngoài đã gặp không ít khó khăn. Để khắc phục, các bệnh viên thẩm mỹ ở Hàn Quốc đã tăng cường thu hút khách hàng nội địa, khiến nhu cầu trong nước tăng mạnh.
Nguồn: NYT, Reuters
Mộc TiênCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.