Đào tạo năng lực số để đáp ứng nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp
Báo cáo về chuyển đổi số ở các nước ASEAN đã khẳng định rằng các chính phủ cần hành động để thích ứng với những tác động từ chuyển đổi số đến nền kinh tế, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến giáo dục, đào tạo năng lực số nhằm đáp ứng những thay đổi trong nhu cầu về nhân lực của các tổ chức, doanh nghiệp.
Báo cáo về chuyển đổi số ở các nước ASEAN đã khẳng định rằng, các chính phủ cần hành động để thích ứng với những tác động từ chuyển đổi số đến nền kinh tế, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến giáo dục, đào tạo năng lực số nhằm đáp ứng những thay đổi trong nhu cầu về nhân lực của các tổ chức, doanh nghiệp. Báo cáo khảo sát về năng lực của người trẻ trong kỷ nguyên số chỉ ra rằng nhu cầu của nhà tuyển dụng về các kỹ năng số đã tăng 200% trong những năm vừa qua và trong vòng năm năm tới, con số này còn được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên nhanh chóng.
Tuy nhiên, những người trẻ chưa sẵn sàng với những thay đổi đó. Với sự phổ biến của các phương tiện và dữ liệu số, việc phát triển kỹ năng và kiến thức của người học trong lĩnh vực này là điều tối quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tìm kiếm việc làm. Trong chương trình đánh giá học sinh quốc tế được xây dựng và điều phối bởi tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế gần đây, cứ 4 học sinh Úc ở độ tuổi 15 thì có hơn 1 học sinh (27%) cho thấy mức độ thông thạo thấp ở năng lực số.
Hiện nay, chưa có nhiều dữ liệu về năng lực số của sinh viên đại học cũng như nhận thức của chính họ về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Định nghĩa về năng lực số và ý nghĩa của khái niệm này đối với quá trình dạy học, thực hành vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Những thống kê kể trên cho thấy, cần có một lộ trình cho mỗi quốc gia nhằm định nghĩa, đánh giá thực trạng và nâng cao năng lực số cho công dân của mình, đặc biệt đối với nhóm người trẻ, học sinh, sinh viên của các trường đại học, mà bước đi đầu tiên chính là xây dựng một khung năng lực số phù hợp với bối cảnh và điều kiện của quốc gia đó.
Việt Nam đang từng bước có những chính sách cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi số một cách toàn diện. Thủ tưởng Chính phủ đã phê duyệt đề án chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030, trong đó có những mục tiêu quan trọng như: 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, 90% hồ sơ công việc tại cấp Bộ, Tỉnh; 100% chế độ báo cáo của Chính phủ đều trực tuyến và số hóa;
Vừa qua, Nhóm nghiên cứu thuộc Dự án Nâng cao năng lực số cho sinh viên của Trường ĐHKHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội, đã hoàn thành sản phẩm là Khung năng lực số cho sinh viên. Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị xin giới thiệu sản phẩm này tới Quý độc giả.
Khung năng lực số được xây dựng làm cơ sở nền tảng để phát triển các khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực số cho sinh viên trong thế kỷ 21. Mục tiêu là giúp sinh viên có được năng lực số cần thiết để sống, học tập, làm việc và tham gia giao tiếp xã hội một cách chủ động, tích cực và an toàn trong môi trường số. Khung năng số được cung cấp rộng rãi cho tất cả các tổ chức, các đơn vị đào tạo khác làm tài liệu tham khảo phát triển chương trình năng lực số cho từng đối tượng cụ thể.
Trên cơ sở so sánh các khung năng lực quốc tế, đồng thời tham khảo cách tiếp cận của Facebook trong các khóa học We Think Digital, vận dụng nội dung học phần Nhập môn Năng lực thông, nhóm nghiên cứu đề xuất một mô hình khung năng lực số cho sinh viên gồm 7 nhóm năng lực (Vận hành thiết bị và phần mềm, Khai thác thông tin & dữ liệu, Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số, An toàn và an sinh số, Sáng tạo nội dung số, Học tập và phát triển kỹ năng số, Sử dụng năng lực số cho nghề nghiệp) với 26 tiêu chuẩn.
Các năng lực cụ thể được mô tả trong từng nhóm năng lực lớn này cũng có sự phân loại, sắp xếp lại theo hướng bớt đề cao yếu tố kỹ thuật trong các thao tác, tập trung vào ứng dụng công nghệ vào thực tiễn thông qua thái độ, sự thấu cảm, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, đổi mới sáng tạo.
Ví dụ, năng lực học tập và phát triển kỹ năng số
Với năng lực này yêu cầu sinh viên cần có những kiến thức để nhận diện được các cơ hội và thách thức trong môi trường học tập trực tuyến. Hiểu được nhu cầu và sở thích cá nhân với tư cách là người học tập trong môi trường số. Học tập và nghiên cứu một cách hiệu quả trong môi trường giàu công nghệ, cả chính thức và không chính thức. Ý thức được tầm quan trọng của việc học tập suốt đời đối với sự phát triển cá nhân. Thúc đẩy truy cập mở và chia sẻ thông tin. Với năng lực này nhóm nghiên cứu đề xuất 03 tiêu chuẩn để đánh giá bao gồm: Nhận biết xu thế và cơ hội của đào tạo trực tuyến, học tập số và tru cập mở tới nguồn tài nguyên học tập. Trong đó học tập số, yêu cầu sinh viên biết sử dụng các thiết bị và áp dụng các phần mềm vào hoạt động học tập cá nhân nhằm nâng cao khả năng học thuật ở môi trường số, chủ động tham dự các hoạt động học thuật chuyên ngành, hoặc lĩnh vực nghiên cứu phụ thuộc và hệ thống và môi trường số.
Kiến thức, kỹ năng yêu cầu đối với năng lực học tập và phát triển kỹ năng số của sinh viên
Kiến thức: Liệt kê và mô tả được các thiết bị số có thể sử dụng cho hoạt động học tập; Liệt kê và mô tả được các tính năng của ứng dụng/phần mềm dùng cho hoạt động học tập; Nhận biết và thảo luận các nhu cầu về năng lực số của cá nhân sẽ được cải thiện hoặc cập nhật ở đâu; Xác định và tìm kiếm các cơ hội tự phát triển của cá nhân, và duy trì được việc cập nhật với sự tiến bộ của công nghệ số; Tích hợp kiến thức cá nhân với kinh nghiệm thực tế để xây dựng hướng dẫn những người khác xóa bỏ khoảng cách về năng lực số; Đề xuất các ý tưởng, quy trình và phương thức học tập hiệu quả trong môi trường số.
Kỹ năng: Sử dụng các ứng dụng học tập, các thiết bị và phần mềm để tham gia các hình thức học tập trực tuyến hoặc kết hợp; Sử dụng các phần mềm soạn thảo, trình chiếu, tính toán phục vụ cho hoạt động học tập; Thiết kế quản lý thời gian và công việc bằng phần mềm và thiết bị số; Quan sát các cơ hội để tự phát triển và duy trì được sự cập nhật kiến thức đối với sự tiến bộ của công nghệ số; Lập kế hoạch theo dõi tiến trình phát triển năng lực số cá nhân; Lựa chọn phương pháp thích hợp nhất để cải thiện hoặc cập nhật năng lực số của bản thân; Kiểm tra được năng lực số của những người khác; Biên soạn kinh nghiệm học tập công nghệ số của cá nhân để chia sẻ cho cộng đồng; Hướng dẫn người khác sử dụng thiết bị và phần mềm phục vụ học tập.
Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế, đặc biệt là trong khu vực công với sự cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ. Quá trình này đòi hỏi Việt Nam phải chuẩn bị một nguồn nhân lực có năng lực số tương xứng để thích ứng và làm chủ công nghệ trong các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Việc nghiên cứu khung năng lực số và xây dựng chương trình đào tạo năng lực số cho người trẻ, cụ thể là sinh viên là một bước đi cần thiết cho giáo dục đại học Việt Nam. Sản phầm nghiên cứu Nhóm nghiên cứu thuộc Dự án Nâng cao năng lực số cho sinh viên của Trường ĐHKHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội là bước đầu tiên của tiến trình đào tạo nhân lực số - đề xuất một khung năng lực số cơ bảna, từ đó đưa ra một khung năng lực số chi tiết để làm cơ sở đề xuất các chương trình đào tạo năng lực số tích hợp vào các bậc đào tạo tại Việt Nam, trong đó có bậc đại học.
Châu NguyênCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.