Đập dâng đầu tiên xuất hiện trên sông Tô Lịch: Bước tiến lớn hồi sinh "huyết mạch Thủ đô"
Theo kế hoạch, công trình này sẽ hoàn thành trước tháng 8/2025.
Hà Nội, thủ đô nghìn năm văn hiến, từ lâu đã gắn liền với hình ảnh dòng sông Tô Lịch – một biểu tượng văn hóa và lịch sử của thành phố. Tuy nhiên, qua thời gian, sông Tô Lịch đã chịu cảnh ô nhiễm nặng nề, trở thành nỗi trăn trở của người dân và chính quyền địa phương.
Thành phố Hà Nội đang triển khai dự án cải tạo môi trường sông Tô Lịch, trong đó trọng tâm là việc xây dựng hệ thống đập dâng đầu tiên trên sông Tô Lịch nhằm duy trì mực nước ổn định và điều tiết dòng chảy hiệu quả.

Hệ thống đập dâng đầu tiên trên sông Tô Lịch được xây tại khu vực cầu Quang (Thanh Liệt, Thanh Trì). Ảnh: Người Lao động

Dự kiến công trình sẽ hoành thành trước tháng 8/2025. Ảnh: Nhân Dân
Giải pháp này không chỉ góp phần khôi phục vẻ đẹp nguyên sơ, xanh mát của con sông huyết mạch của Thủ đô mà còn giúp cải thiện chất lượng nước, chống ô nhiễm và giảm thiểu nguy cơ úng ngập trong mùa mưa.
Tính đến tháng 7/2025, đập dâng đầu tiên trên sông Tô Lịch - thực hiện tại khu vực cầu Quang (Thanh Liệt, Thanh Trì) - đã thành hình sau hơn 4 tháng thi công, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình “hồi sinh” con sông lịch sử này.
Theo kế hoạch, công trình dự kiến hoàn thành trước tháng 8/2025, sẵn sàng cho việc bổ cập nước từ sông Hồng hoặc Hồ Tây.
Tầm quan trọng của đập dâng trong việc cải tạo không gian xanh sông Tô Lịch
Các công trình đập này được thiết kế với công nghệ hiện đại, đảm bảo khả năng giữ nước ổn định và hỗ trợ quá trình xử lý ô nhiễm. Đây là một phần trong kế hoạch tổng thể nhằm cải tạo môi trường sông Tô Lịch, với mục tiêu biến dòng sông thành một không gian xanh, sạch, đẹp, phục vụ đời sống người dân và phát triển du lịch.
Đập dâng giữ nước không chỉ là một công trình kỹ thuật mà còn mang ý nghĩa lớn về mặt môi trường và xã hội.
Theo báo cáo, đập được xây dựng bằng bê-tông cốt thép kiên cố, đảm bảo khả năng chịu lực và chống thấm tốt. Hệ thống đập được thiết kế để điều tiết mực nước, ngăn chặn dòng chảy quá mạnh trong mùa mưa lũ, đồng thời giữ lại lượng nước cần thiết để duy trì hệ sinh thái sông.

Đài quan sát "sơn son thiếp vàng" ngay giữa đập. Ảnh: Người Lao động
Ngoài ra, đập còn được trang bị hệ thống quan trắc tự động, giúp theo dõi chất lượng nước theo thời gian thực. Những tính năng này không chỉ nâng cao hiệu quả vận hành mà còn hỗ trợ các nhà khoa học và kỹ sư trong việc đánh giá mức độ ô nhiễm, từ đó đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp.
Điểm nổi bật của đập dâng đầu tiên này là đài quan sát hình bát giác ngay giữa đập. Từ đài quan sát, người dân có thể chiêm ngưỡng cảnh quan hai bên bờ sông Tô Lịch.

Hình ảnh minh họa về sông Tô Lịch khi được cải tạo. Ảnh: Công ty Cổ phần tập đoàn môi trường Nhật Việt (JVE)
Sông Tô Lịch không chỉ là một dòng sông mà còn là biểu tượng văn hóa, gắn bó với đời sống tinh thần của người dân Hà Nội. Việc cải tạo dòng sông sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống, tạo ra không gian công cộng sạch đẹp, đồng thời thúc đẩy du lịch sinh thái và các hoạt động văn hóa bên bờ sông.
Theo kế hoạch, ngoài đập dâng đầu tiên tại cầu Quang, Hà Nội dự kiến xây dựng thêm các đập đáng tại cầu Cót (khu vực Yên Hòa, Cầu Giấy) và cầu Dậu (khu vực Linh Đàm, Hoàng Mai). Các công trình này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mực nước ổn định, ngăn chặn tình trạng cạn kiệt như những năm trước.
Trang Ly
Ngày 2/7, Diễn đàn Tiêu dùng bền vững 2025 với chủ đề "Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh" đã diễn ra tại Hà Nội.