Đất hiếm tại Việt Nam chiếm 20% tổng trữ lượng toàn cầu

Đầu tư và Tiếp thị
02:04 PM 27/07/2024

Trong tổng số 110 triệu tấn trữ lượng đất hiếm trên toàn thế giới tính đến năm 2023, Việt Nam sở hữu 22 triệu tấn đất hiếm, chiếm 20% tổng trữ lượng đất hiếm so với toàn cầu.

Theo tài liệu mới nhất công bố năm 2024 của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USSG), tính đến năm 2023, Việt Nam là quốc gia sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai trên thế giới.

Đất hiếm tại Việt Nam chiếm 20% tổng trữ lượng toàn cầu- Ảnh 1.

Hình minh họa. Ảnh: Vietnamnet

5 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới tính đến năm 2023 được USSG công bố  lần lượt là: Trung Quốc (44 triệu tấn), Việt Nam (22 triệu tấn), Brazil (21 triệu tấn), Nga (10 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn).

Đất hiếm ở Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Cụ thể, tập trung tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Cao Bằng. Bên cạnh đó còn có các mỏ đất hiếm tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận...

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu quặng và khoáng sản của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024 ghi nhận những kết quả tích cực. Xuất khẩu quặng và các khoáng sản khác của Việt Nam đạt hơn 740.908 tấn, tương đương hơn 61 triệu USD, tăng 5,4% về lượng và tăng 71% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân đạt gần 82,4 USD/tấn, tăng mạnh 61% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với bài toán khó về năng lực sản xuất đất hiếm. Hiện tại Việt Nam chưa có đủ công nghệ chế biến sâu đất hiếm.

Theo các chuyên gia, Việt Nam chưa có nhà máy chế biến từ tinh quặng đất hiếm thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nguyên nhân chính của việc này là do các doanh nghiệp được cấp mỏ chưa làm chủ được công nghệ chế biến ra sản phẩm đạt yêu cầu như đất hiếm tổng hợp có hàm lượng trên 95%; cũng như chưa có công nghệ tách chiết ra các sản phẩm riêng rẽ.

Đối với công nghệ phân chia riêng rẽ oxit đất hiếm và làm sạch đến độ sạch cao, mặc dù đã có nghiên cứu từ rất sớm nhưng phần lớn mới triển khai trong phòng thí nghiệm, chưa có công nghệ nào áp dụng vào thực tế.

Trong Quyết định số 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, Việt Nam dự tính mỗi năm đạt được mục tiêu khai thác hơn 2 triệu tấn quặng đất hiếm mỗi năm. Đến 2030, Việt Nam đặt mục tiêu khai thác 2,1 triệu tấn quặng đất hiếm nhằm phục vụ xuất khẩu.

Để đạt được các mục tiêu dài hạn đó, Việt Nam cần đẩy mạnh quá trình thăm dò, khai thác cũng như có được công nghệ chế biến sâu và tinh đất hiếm vừa để phục vụ nhu cầu trong nước, hướng đến xuất khẩu - vừa để tương xứng với tiềm năng sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng nhấn mạnh, Việt Nam phải có chính sách chế biến sâu và không xuất thô khoáng sản này. Để nâng cao sản lượng khai thác đất hiếm, Việt Nam phải phát triển được ngành bán dẫn của nội địa, tham gia vào chuỗi cung ứng, cũng như sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có. Khi đó, Việt Nam sẽ chủ động được công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và chế biến sâu đất hiếm phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước, hướng tới xuất khẩu một cách hợp lý, hiệu quả, bảo vệ môi trường bền vững.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Doanh nghiệp Việt cần chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại Doanh nghiệp Việt cần chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ứng phó thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thường xuyên cập nhật thông tin về các biện pháp phòng vệ thương mại...