Đặt mục tiêu 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế vào năm 2025
Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu, đến năm 2025, có 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, ít nhất 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời.
Chương trình nhằm tăng cường sức khỏe về thể chất và tinh thần, phòng chống ngược đãi người cao tuổi; nâng cao chất lượng mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, khám, chữa bệnh và quản lý các bệnh mãn tính cho người cao tuổi; xây dựng môi trường thuận lợi để người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi, giải trí...
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022-2025, 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; ít nhất 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng.
Hàng năm, ít nhất 80% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau; 70% người cao tuổi khuyết tật được sàng lọc, phát hiện các dạng khuyết tật và được can thiệp, phục hồi chức năng. 10.000 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có người phụng dưỡng được chăm sóc, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và cơ sở trợ giúp xã hội...
Trong giai đoạn 2006 - 2030, phấn đấu 100% người cao tuổi có thẻ BHYT. 100% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe. 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được KCB và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng.
Hàng năm, khoảng 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau; 80% người cao tuổi khuyết tật được sàng lọc, phát hiện các dạng khuyết tật và được can thiệp, phục hồi chức năng, khoảng 20.000 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có người phụng dưỡng được chăm sóc, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và cơ sở trợ giúp xã hội.
Để đạt được các mục tiêu này, chương trình cũng đề ra 12 nhiệm vụ và giải pháp. Cụ thể là các nội dung chính như: Trợ giúp y tế, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng đối với người cao tuổi; Trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, nhà ở cho người cao tuổi; Trợ giúp người cao tuổi tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; Phát huy vai trò người cao tuổi; Trợ giúp người cao tuổi sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; Trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi; Phòng chống dịch bệnh, giảm nhẹ thiên tai đối với người cao tuổi; Nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên làm công tác trợ giúp người cao tuổi; Tăng cường truyền thông, hợp tác quốc tế về người cao tuổi và vấn đề già hóa dân số; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá; cơ sở dữ liệu về người cao tuổi; Hỗ trợ hoạt động đối với tổ chức của người cao tuổi.
Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn hằng năm của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, hội, đoàn thể liên quan và các địa phương; các chương trình, dự án, đề án liên quan khác để thực hiện các hoạt động của Chương trình theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách nhà nước.
Cùng với đó là đóng góp, hỗ trợ hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi các cấp.
HM (T/h)Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.