Đất nền "hạ nhiệt", biệt thự, nhà liền kề chiếm sóng thị trường bất động sản
Khảo sát cho thấy, tháng 4/2022, trong khi nhu cầu tìm mua hầu hết các loại hình bất động sản có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái như nhà riêng giảm 9%, đất nền giảm 8% thì biệt thự, nhà liền kề lại ghi nhận lượng quan tâm tăng trung bình 7% trên cả nước.
Cụ thể, phân khúc biệt thự, nhà liền kề chiếm sóng thị trường ở các tỉnh: Quảng Ninh tăng đến 167%, Hưng Yên tăng 43%, Khánh Hoà tăng 18%... Nguồn cung biệt thự, nhà liền kề toàn quốc cũng tăng 17%.
Lý giải về sức nóng của phân khúc biệt thự, nhà liền kề đang trở lại, các chuyên gia bất động sản cho rằng, trước những thông tin về lạm phát, người mua bất động sản hiện nay ưu tiên những sản phẩm bất động sản có nhu cầu mua bán, cho thuê cao, có lịch sử thanh khoản và sinh lời tốt. Biệt thự, liền kề là một trong những loại hình bất động sản tăng giá tốt và có tỷ lệ giao dịch thành công cao nhất trong năm 2021, nên tiếp tục thu hút lượng quan tâm lớn.
Theo đó, giá bán biệt thự, liền kề cũng tăng đáng kể, đặc biệt là tại các quận, huyện ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Giá rao bán biệt thự, liền kề tại Gia Lâm, Hoàng Mai, Hoài Đức (Hà Nội) tăng lần lượt là 82%, 46%, 39%.
Chỉ số này ở Tân Bình, quận 7, quận 9 (TP. Hồ Chí Minh) cũng ghi nhận mức tăng 60%, 35% và 25%.
Trái ngược với sự gia tăng của thị trường biệt thự, nhà liền kề, theo nhận định của các chuyên gia, do chịu nhiều yếu tố tác động, nên thị trường đất nền đang có dấu hiệu chững lại. Những thông tin tiêu cực về vi phạm của các doanh nghiệp bất động sản lớn, cơ quan quản lý nhà nước siết chặt hơn quy định về thuế, kiểm soát phân lô bán nền và ngân hàng nhà nước yêu cầu siết nguồn tín dụng vào bất động sản,... là những lý do khiến người mua và nhà đầu tư bất động sản có tâm lý thận trọng hơn.
Cụ thể, nếu quý I/2022, thị trường đất nền vẫn khá sôi động với mức độ quan tâm cả nước tăng 4% so với trước dịch COVID-19 (quý I/2019). Nhiều địa phương tăng đáng kể cả về lượt tìm mua lẫn giá rao bán như Khánh Hòa, Bình Thuận, Thanh Hóa, theo thống kê của Batdongsan.com.vn.
Tuy nhiên, bước sang tháng 4, phân khúc nay đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể, mức độ quan tâm đến đất nền trên cả nước đã giảm 18% so với tháng liền trước và giảm 8% so với cùng kỳ 2021. Riêng tại Hà Nội, dù lượng tin đăng tăng tới 35% nhưng lượng quan tâm đến phân khúc này ghi nhận giảm 14%. Còn tại TP HCM, lượng tin đăng bán đất tăng 11% nhưng mức độ quan tâm cũng giảm tới 11%.
Khu vực phía Bắc, đất nền chào bán tại Quảng Ninh và Hưng Yên lần lượt ghi nhận sự sụt giảm lượt tìm kiếm là 24% và 26% so với tháng 3 trước đó.
Các thị trường nóng về đất nền là Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Nam, Khánh Hòa đều rơi vào tình trạng giảm nhiệt cả về lượng tin rao và nhu cầu giao dịch.
Với các thị trường phía Nam, tình hình cũng diễn ra tương tự. Mức độ quan tâm tìm kiếm đất nền tại Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận giảm 19%, lượng tin rao bán giảm 10% so với tháng trước.
Bình Dương cũng có nhu cầu mua và rao bán đất nền giảm lần lượt 9% và 4%. Lượt tìm mua đất nền Đồng Nai và Long An cùng giảm 12% so với tháng trước.
Tình trạng nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm cơ hội đầu tư đất đai đã không còn, thay vào đó là tâm lý thăm dò, phòng thủ ngày càng dâng cao. Dù chưa diễn ra tình trạng bán tháo, nhưng lệch pha cung - cầu xuất hiện khi người bán nhiều, người mua dần vắng bóng.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam nhận định động thái siết tín dụng vào bất động sản, cùng với việc siết chặt quy hoạch, phân lô bán nền… khiến thanh khoản đất nền giảm rõ rệt trên diện rộng. So với cách đây vài tháng, thị trường bất động sản không còn cảnh tấp nập, sôi động.
“Thời gian tới, các sản phẩm bất động sản có mục đích sử dụng cao để phục vụ nhu cầu ở thực của người dân và làm mặt bằng kinh doanh, phù hợp với định hướng đẩy mạnh kinh doanh, sản xuất của Nhà nước, như nhà riêng, nhà phố, chung cư cho thuê, chung cư tầm giá dưới 45 triệu/m2 sẽ được quan tâm nhiều hơn”, ông Đinh Minh Tuấn cho biết.
HM (t/h)Giá xăng đồng loạt giảm từ 15h hôm nay (26/12), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.