Dấu ấn của các doanh nghiệp Ý tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

Phòng phóng viên
05:19 PM 20/12/2024

Từ ngày 19 - 22/12, tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) diễn ra Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 với thông điệp “Hòa bình - Hợp tác - Cùng phát triển”. Triển lãm có sự tham gia của 66 đoàn đại biểu quốc tế và hơn 240 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đến từ 49 quốc gia.

Triển lãm là sự khẳng định cho vai trò và đóng góp của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng quốc tế; là biểu tượng của niềm tin, sự tôn trọng và thiện chí hợp tác giữa các quốc gia vì một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng; là minh chứng sinh động cho sự ủng hộ và tình cảm đầy ý nghĩa của bạn bè quốc tế dành cho đất nước, con người và Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đây cũng là dịp để thắt chặt hơn mối quan hệ và cũng là cơ hội để Việt Nam được chào đón, tri ân bạn bè quốc tế, chia sẻ văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực; giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam - một dân tộc quật cường, anh dũng trong bảo vệ Tổ quốc, nhưng yêu chuộng hòa bình, cần cù, sáng tạo, thân thiện và mến khách.

Dấu ấn của các doanh nghiệp Ý tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và đại biểu quốc tế thực hiện nghi thức khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024. Ảnh: VJP.

Trong khuôn khổ Triển lãm, các doanh nghiệp Việt Nam và Quốc tế tham gia trưng bày, giới thiệu các phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí, trang bị sử dụng cho lực lượng hải quân, lục quân, không quân, tác chiến không gian mạng và các trang thiết bị hậu cần, kỹ thuật.

Nhiều sản phẩm của Việt Nam trưng bày, giới thiệu tại triển lãm do các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng, như: Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Học viện Kỹ thuật quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Binh chủng Tăng thiết giáp, Binh chủng Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và các công ty thương mại, dịch vụ của Bộ Quốc phòng nghiên cứu, chế tạo.

Đặc biệt, tại Triển lãm, du khách được trải nghiệm công nghệ 3D mapping, mô hình sa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh, công nghệ thực tế ảo (VR) mô phỏng diễn biến của các giai đoạn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ với các đợt tấn công của Quân đội ta ở cánh đồng Mường Thanh, máy bay ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, mô phỏng xe tăng số hiệu 843 và 390 tiến vào Dinh Độc lập trong Chiến dịch Hồ Chí Minh…

Tham gia Triển lãm trong dịp này, gian hàng của Thương vụ Ý tại Việt Nam thu hút đông đảo khách tham quan, với sự hiện diện của 10 doanh nghiệp hàng đầu, giới thiệu các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự và an ninh.

Tại triển lãm, khách tham quan có cơ hội gặp gỡ và kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp Ý để tìm hiểu hàng loạt công nghệ như: Giải pháp mô phỏng phần cứng lập trình trong vòng lặp cho đánh giá EW và Radar; hệ thống phòng thủ điện tử; thiết kế, sản xuất, kinh doanh và bảo dưỡng các phương tiện hải quân; công nghệ đóng tàu;

Dấu ấn của các doanh nghiệp Ý tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024- Ảnh 2.

Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Ý còn có thể ứng dụng trong các lĩnh vực dân sự. Ảnh: ITA.

Ngoài ra còn có các công nghệ như Radar 3D X-Band; bảng điều khiển chiến thuật; hệ thống quán tính; la bàn con quay, INS, IMU; giải pháp giám sát ven biển; hộp đựng đồ nghề với vỏ chống nước gần như không thể phá hủy; công nghệ Sợi Nhựa gia cường (FRP), sản xuất Tàu Tuần tra nhanh; công nghệ và giải pháp Tình báo Điện tử; kỹ thuật hệ thống và tích hợp; lĩnh vực điện tử và viễn thông vệ tinh.

Theo Ông Maurizio R. Mele - Giám đốc Xuất khẩu AIAD - Liên đoàn các Công ty Hàng không Vũ trụ, Quốc phòng và An ninh Italia: Cấu trúc công nghiệp của Ý đặc trưng bởi sự hiện diện của các tập đoàn công nghiệp lớn, dẫn đầu trong các lĩnh vực Quốc phòng và Hàng không Vũ trụ, cùng với sự góp mặt chặt chẽ của các Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ (PMI). Những công ty này không chỉ nằm trong chuỗi giá trị của các tập đoàn công nghiệp lớn trong nước và quốc tế, mà còn hoạt động độc lập trên các thị trường quốc tế.

Bên cạnh kiến thức chuyên sâu và năng lực sản xuất công nghiệp, ngành công nghiệp quốc phòng của Ý còn sở hữu khả năng phục hồi, đổi mới và linh hoạt, điều này giúp các công ty trong ngành ghi được nhiều dấu ấn về sự sáng tạo và tạo uy tín trên bình diện quốc tế.

Ông Fabio De Cillis - Giám đốc Thương vụ Ý tại Việt Nam (ITA) - cho biết; Trong dịp này, ITA đã tổ chức giới thiệu 10 công ty Ý trong ngành quốc phòng tham gia triển lãm Vietnam Defense Expo 2024. Các công ty Ý đang tìm kiếm sự hợp tác toàn diện, với mục tiêu thiết lập mối quan hệ thương mại không chỉ với các công ty Việt Nam mà còn với Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Dấu ấn của các doanh nghiệp Ý tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024- Ảnh 3.

Công nghệ quốc phòng của Ý thu hút khách tham quan tìm hiểu. Ảnh: ITA.

Sự hợp tác không chỉ giới hạn trong quân sự mà còn mở rộng sang các lĩnh vực dân sự, mang tính toàn diện và bền vững theo thời gian. Trong một thế giới đang hướng tới sự phát triển xanh, ngay cả trong ngành quốc phòng, vẫn có cơ hội sử dụng các công cụ và sản phẩm này để đạt được mục tiêu bền vững, cả về mặt sinh thái lẫn công nghiệp.

Cũng theo Ông Fabio De Cillis, ITA đã có mặt tại Việt Nam hơn 30 năm và là một văn phòng trực thuộc Tổng Lãnh sự quán tại TP. Hồ Chí Minh và Đại sứ quán Ý tại Hà Nội. ITA thực hiện các hoạt động nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại và quảng bá xuất khẩu hàng hóa của Ý ra thế giới.

Bên cạnh việc tổ chức gian hàng để giúp doanh nghiệp Ý tham gia vào nhiều hội chợ, triển lãm tại Việt Nam, ITA còn hỗ trợ phái đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm lớn tại Ý nhằm tăng cường kết nối, tạo cơ hội gặp gỡ B2B và phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp hai nước.

Việt Nam và Ý chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 23/3/1973. Trong hơn 50 năm qua, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Ý luôn được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - xã hội, thương mại - đầu tư, quốc phòng - an ninh, văn hóa - du lịch và giao lưu nhân dân.
Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn