Đau đầu vì có 10 tỷ

Nội dung liên kết
08:27 PM 10/07/2025

10 tỷ làm người ta khó nghĩ thật đấy!

Khi có trong tay vài trăm triệu hoặc thậm chí là 1-2 tỷ đồng, hẳn không ít người sẽ ước có 10 tỷ mua nhà cho đỡ phải vay mượn, đỡ áp lực nợ nần, đỡ phải đi ở thuê. Nhưng đấy là tưởng tượng thôi, chưa chắc khi có trong tay 10 tỷ, người ta có thể dễ dàng đưa ra quyết định sẽ làm gì với số tiền đó. Vì rõ ràng, 10 tỷ đương không phải một khoản tiền nhỏ.

Tâm sự của cô vợ trong câu chuyện dưới đây chính là một trường hợp như vậy. Lúc có 10 tỷ rồi mới thấy đau đầu, khó nghĩ vô cùng.

Mục tiêu thì có nhưng không biết làm gì cho chắc ăn

Thế khó của cô vợ ấy có thể tóm tắt như sau: Dùng 10 tỷ mua đất thì lại sợ không đủ tiền để xây nhà, mà mang đi mua chung cư thì lại lo dễ mất giá, nhưng mua nhà mặt đất thì lại chỉ đủ để mua căn trong ngõ khó cho ô tô vào. Đấy, thế nên thành ra đau đầu…

Đau đầu vì có 10 tỷ- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

“Mình đang có 10 tỷ nhưng mà mãi vẫn không dám mua nhà. 

Mua chung cư thì cứ thấy cấn cấn, cảm giác không yên tâm vì chung cư mình định mua cũng xây được 10 năm rồi, mà sợ đến đời con mình thì cũng không còn nhiều giá trị nữa. 

Mua đất thì nếu mảnh ở vị trí đẹp thì không đủ tiền xây nhà. 

Mua nhà mặt đất thì cũng chỉ mua được căn trong ngõ, ô tô không vào được, bất tiện cho cả nhà trước, rồi nếu theo xu thế thì mình nghĩ nhà trong ngõ nhỏ cũng không được giá lắm vì giờ ai cũng đi ô tô cả.

Mình nghĩ là hay cứ đi thuê chung cư ở cho rồi, còn 10 tỷ đó về quê mua 1-2 mảnh đất, như thế không biết có hợp lý hơn không ạ? Bác nào có kinh nghiệm cho em xin ý kiến với” - Cô viết.

Trong phần bình luận của bài đăng, có khá nhiều ý kiến trái chiều. Người rất đồng cảm vì rõ ràng 10 tỷ là số tiền lớn, không thể đầu tư mà không suy nghĩ. Cũng có người cho rằng có được 10 tỷ mà còn phân vân những chuyện “nhỏ nhặt” thế này thì… cứ sai sai.

“Chắc vợ chồng bác được thừa kế nên mới có 10 tỷ chăng? Chứ người tự làm ra 10 tỷ thì em nghĩ là phải hiểu 1 vấn đề rất cơ bản là đầu tư gì cũng có rủi ro cả thôi. Không có thị trường nào là 100% chắc chắn, 0% rủi ro. Cũng không biết khuyên gì vì khẩu vị rủi ro mỗi người mỗi khác, giờ bác tính mua đất ở quê chứ đến lúc thực sự đi xem đất, khả năng em đoán là bác cũng không chốt được đâu vì chưa biết khẩu vị rủi ro của mình thế nào thì đụng đâu cũng thấy sợ cả” - Một người nhận định.

“Nếu không giỏi đầu tư thì tốt nhất đi thuê nhà ở, 10 tỷ gửi ngân hàng thì tiền lãi chắc cũng đủ tiền thuê nhà hàng tháng, khỏi phải nghĩ. Nhưng an toàn thì phải chấp nhận là tỷ lệ sinh lời không cao. Có thế thôi, chứ vừa muốn sinh lời tốt vừa muốn rủi ro thấp thì làm gì có” - Một người khác chung quan điểm.

“Em mà có 10 tỷ em đi mua nhà mặt đất, trong ngõ cũng được chứ chẳng sao. Nhà mặt đất thì chẳng lo mất giá, bác cứ quan trọng cái chuyện ô tô vào tận cửa làm gì. Vào được tận cửa chắc gì đã được đỗ tận cửa?” - Một người bày tỏ.

Nên làm gì để hiểu được khẩu vị rủi ro của bản thân?

Khẩu vị rủi ro nghe thì có vẻ là một khái niệm dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhưng thực ra, đây chỉ đơn giản là mức độ bạn có thể chịu được sự mất mát về tiền bạc, mà không quá lo lắng hay hoảng loạn. Có người sẵn sàng bỏ 200 triệu vào một mã cổ phiếu mới niêm yết chỉ vì thấy tiềm năng tăng giá, nhưng cũng có người chỉ cần nhìn số dư tài khoản giảm 5 triệu là đã mất ngủ cả tuần. Sự khác biệt đó không nằm ở kiến thức hay kinh nghiệm đầu tư, mà nằm ở mức độ bạn chịu được rủi ro đến đâu, chính là khẩu vị rủi ro.

Đau đầu vì có 10 tỷ- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Để biết được khẩu vị rủi ro của bản thân, cách đơn giản nhất là nhìn lại quá khứ của chính mình. Trước đây, bạn đã từng đầu tư hoặc ra quyết định tài chính mạo hiểm chưa? Nếu có, cảm giác của bạn lúc đó như thế nào? Liệu bạn đã từng trải qua cảm giác lỗ vài triệu, vài chục triệu và vẫn bình tĩnh chờ thị trường hồi phục, hay bạn đã rút vội tiền ra vì không thể chịu nổi cảnh thua lỗ? Cách bạn đã phản ứng trong quá khứ là cơ sở vững chắc cho thấy bạn có khẩu vị rủi ro thấp, trung bình hay cao.

Và kể cả khi bạn chưa từng đầu tư bao giờ, cách bạn chi tiêu, ví dụ như có sẵn sàng bỏ tiền mua một món đồ đắt tiền mà chưa chắc dùng thường xuyên,... cũng phần nào phản ánh xu hướng tài chính của bạn.

Một cách khác để xác định khẩu vị rủi ro là đặt mình vào một tình huống giả định: Giả sử bạn đầu tư 100 triệu vào một danh mục tài chính, và chỉ sau một tháng, số tiền ấy giảm còn 90 triệu. Bạn sẽ cảm thấy thế nào?

Nếu bạn thấy bình thường và tin rằng đây chỉ là biến động ngắn hạn, bạn có khả năng là người chịu được rủi ro cao. Nếu bạn thấy lo lắng nhưng vẫn giữ nguyên khoản đầu tư, bạn có xu hướng cân bằng - khẩu vị rủi ro trung bình. Còn nếu bạn chỉ muốn rút hết tiền ra ngay để giữ an toàn, có thể bạn thuộc nhóm ưa sự ổn định và không chịu được cảm giác mất tiền, dù chỉ là tạm thời, nghĩa là bạn có khẩu vị rủi ro thấp.

Đau đầu vì có 10 tỷ- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Khẩu vị rủi ro không có đúng hay sai, nó chỉ phản ánh điều gì khiến bạn cảm thấy yên tâm hơn: Sự ổn định hay khả năng sinh lời.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất để xác định khẩu vị rủi ro là tự hỏi bản thân một câu rất đơn giản: Giữa lợi nhuận và sự an tâm, mình cần cái nào hơn? Có người đặt lợi nhuận lên hàng đầu và sẵn sàng đi theo chiến lược dài hạn, bất chấp những giai đoạn thị trường biến động mạnh. Nhưng cũng có người chỉ mong giữ được tiền, không cần lời nhiều, miễn sao ngủ ngon mỗi tối.

Với đầu tư, một trong những yếu tố quan trọng nhất là phải hiểu rõ mình kỳ vọng gì, ưu tiên gì, để từ đó chọn đúng kênh đầu tư, đúng cách giữ tiền, và không phải sống trong trạng thái lo lắng vì lựa chọn không phù hợp với bản thân. Khẩu vị rủi ro không phải để chứng minh bạn giỏi đến đâu, mà là để bạn đầu tư một cách bền vững và bình thản, dù thị trường có lên hay xuống.

NGỌC LINH
Ý kiến của bạn