Đâu là nút thắt trong hành trình “5 thập kỷ đòi đất” của công dân Đặng Thị Miến?
Mới đây, bà Đặng Thị Miến (SN 1942, thường trú tại thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội) gửi đơn đề nghị các cơ quan báo chí vào cuộc tìm hiểu và xác minh những vấn đề còn khúc mắc trong tiến trình thực hiện Quyết định số 943/QĐ-CT, ngày 28/3/2007 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) về việc "Giải quyết tranh chấp thửa đất ao giữa hộ gia đình ông Đặng Văn Phiệt và bà Đặng Thị Miến ở thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh".
Một quyết định 14 năm chưa được thực thi
Quyết định số 943/QĐ-CT là một trong số các quyết định hành chính mà các cấp có thẩm quyền từ xã Tiền Phong, đến huyện Mê Linh và tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) ban hành để giải quyết tranh chấp đất đai giữa bà Miến và hộ gia đình ông Đặng Văn Phiệt. Bên cạnh Quyết định này, còn có Quyết định số 265/QĐ-CT ngày 31/5/2004; Quyết định số 271/QĐ-CT ngày 26/1/2005; Báo cáo số 236/TTr-GQKNTC ngày 03/10/2006… cùng đề cập một nội dung liên quan. Tuy nhiên, Quyết định số 943/QĐ-CT có hiệu lực cao nhất và hiện vẫn còn nguyên giá trị pháp lý.
Quyết định số 943/QĐ-CT được ký bởi Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) là ông Nguyễn Văn Hòa. Điều 1 Quyết định này nêu rõ: "Đồng ý kết luận và kiến nghị của Thanh tra tỉnh tại Báo cáo số 236/TTr-GQKNTC ban hành ngày 03/10/2006 với các nội dung cụ thể sau: 1, Không có đủ căn cứ để công nhận quyền sử dụng hợp pháp thửa đất ao 366 m2 (đang tranh chấp) cho hộ gia đình ông Đặng Văn Phiệt, cũng như không có đủ căn cứ pháp luật để giao lại thửa ao này cho hộ bà Đặng Thị Miến sử dụng. 2, Xét điều kiện đất đai thực tế của hai hộ hiện nay; đồng ý giao thửa đất này cho mỗi hộ sử dụng ½ diện tích (183m2) theo phương án của Thanh tra tỉnh…".
Thực tế là 14 năm qua (2007-2021), kể từ thời điểm Quyết định số 943/QĐ-CT được chính thức ban hành và có hiệu lực pháp lý, những đơn thư liên quan đến việc thực thi Quyết định này đã được gia đình bà Miến gửi tới không chỉ các cơ quan hữu quan của tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) mà còn tới cả các cơ quan cấp Trung ương. Cụ thể, vào các năm 2011-2013, bà Miến đã ủy quyền cho ông Nguyễn Minh Thuyết (thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong) gửi đơn kêu cứu đến Thủ tướng Chính phủ thông qua Ban Tiếp công dân của Văn phòng Chính phủ. Sau quá trình chuyển đơn thư, vào ngày 9/11/2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 4181/BTNMT-TTr, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận nội dung giải quyết tại Quyết định số 943/QĐ-CT. Ngày 6/12/2011, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 8667/VPCP-KNTC thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 4181/BTNMT-TTr nêu trên, giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo tổ chức thực hiện Quyết định số 943/QĐ-CT.
Một quyết định của cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh (cũ), từng được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định nội dung, được Ban Tiếp công dân của Văn phòng Chính phủ xem xét, đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo giải quyết. Vậy mà khi về tới địa phương, chính quyền cơ sở và cả hệ thống cơ quan hành pháp tại huyện Mê Linh, đều chững lại, qua 14 năm không đưa vào thực thi. Điều kỳ lạ này thực sự gây khó hiểu, không thể không khiến người dân hồ nghi về năng lực lãnh đạo, năng lực thực thi quyền hành pháp của thiết chế quyền lực cơ sở. Càng khiến người dân hồ nghi hơn về cái gọi là "góc khuất" trong quản lý đất đai tại địa phương và "góc tối" của cơ quan công quyền!
Nguồn gốc tranh chấp và câu chuyện "5 thập kỷ đòi đất"
Trong quá trình xác minh đơn thư, PV được biết, tranh chấp giữa hai gia đình bà Miến và ông Phiệt liên quan đến thửa đất số 33, tờ bản đồ số 06, diện tích 363m2 ở thôn Yên Nhân. Đây là mảnh đất có nguồn gốc là của cụ Hoàng Hữu Tình cho ông Đặng Văn Bẩy (cha của bà Miến).
Năm 1947, nhà bà Miến bị giặc Pháp bắn, duy nhất chỉ còn bà Miến sống sót. Lúc này, bà Miến 5 tuổi được bác ruột là ông Đặng Văn Vần đem về nuôi. Ông Vần cũng là người quản lý, trông nom tài sản là nhà và đất cho bà Miến. Riêng thửa đất ao nêu trên, vì nằm ở xa nhà, nên ông Vần đã cho ông Đặng Văn Vấn (bố đẻ ông Đặng Văn Phiệt) mượn để thả bèo - các ông Đặng Văn Bẩy, Đặng Văn Vần, Đặng Văn Vấn là ba anh em ruột.
Đến năm 1962, bà Miến trưởng thành và xây dựng gia đình với ông Đặng Văn Thuyết. Lúc này, ông Đặng Văn Vần bàn giao lại toàn bộ tài sản, nhà đất cho cháu gái, trong đó có thửa đất ao diện tích 363m2 nêu trên. Đối với thửa đất ao này, từ năm 1962 đến năm 1988, bà Miến đã nhiều lần gặp ông Vấn để đòi, nhưng ông Vấn không trả. Ông Vấn nói đã cho con trai là Đặng Văn Phiệt nên không trả.
Năm 1990, ông Vấn qua đời. Dòng họ Đặng đã họp bàn, giải quyết tranh chấp diện tích đất ao và công nhận diện tích đất ao 363m2 là của ông Bẩy bố bà Miến. Năm 1992, ông Đặng Văn Vần có đơn gửi UBND xã Tiền Phong đề nghị ông Phiệt trả lại cho bà Miến, nhưng không được. Và đến nay, qua hơn "5 thập kỷ đòi đất", bà Miến vẫn chưa nhận được mảnh đất được thừa hưởng từ cha mình từ năm 1947 và tiến hành đòi đất từ năm 1962.
Còn phía gia đình ông Đặng Văn Phiệt cho rằng, việc quản lý và sử dụng diện tích đất ao của gia đình ông là "ngay tình" và diễn ra liên tục từ năm 1947 đến năm 1994. Nên theo quy định của Bộ luật Dân sự thì gia đình ông được quyền quản lý hợp pháp tài sản này? Do đó, ông Phiệt không đồng ý việc chia đôi thửa đất theo tâm nguyện của bà Miến và theo phương án giải quyết được thể hiện trong Quyết định số 943/QĐ-CT.
Chính quyền ở đâu trong tranh chấp của bà Miến và ông Phiệt?
Ngày 18/3/2021, PV Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị liên lạc với ông Trần Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Tiền Phong để trao đổi về đơn thư độc giả Đặng Thị Miến và các vấn đề liên quan. Tại cuộc trao đổi này, ông Trung cho biết: UBND xã Tiền Phong đã có Báo cáo gửi lên UBND huyện Mê Linh xin ý kiến chỉ đạo của huyện. Trong một vài ngày tới, xã sẽ tiếp nhận sự chỉ đạo của huyện để xử lý vụ việc này.
Theo Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Trần Văn Trung, gần đây UBND xã này đã có một cuộc gặp gỡ đại diện gia đình bà Miến và gia đình ông Đặng Văn Phiệt để trao đổi với mục đích giải quyết tranh chấp, yêu cầu hai bên tuân thủ các điều khoản của Quyết định số 943/QĐ-CT, chia đôi thửa đất ao 366 m2, để mỗi hộ sử dụng ½ diện tích này (mỗi hộ được sử dụng 183m2) theo phương án của UBND tỉnh Vĩnh Phúc (cũ). Tuy nhiên, gia đình ông Phiệt kịch liệt phản đối.
Cũng theo ông Trần Văn Trung, UBND xã Tiền Phong đã có một lần tiến hành cắm chỉ mốc, phân định ranh giới, làm cơ sở để lập bản đồ địa chính theo nội dung của Quyết định số 943/QĐ-CT. Tuy nhiên, tại buổi phân định này, cả hai gia đình đã có xô xát, nên việc đo đạc phân định không thành công. "Xã sẽ đợi chỉ đạo của huyện, chờ lực lượng tăng cường từ phía huyện, để tiến hành phân định mốc giới", ông Trung cho biết.
Rõ ràng đây là việc triển khai tuân thủ một quyết định có hiệu lực của UBND cấp tỉnh (cũ) tuy nhiên chính quyền cấp xã, cấp huyện lại không thể thực thi với lý do "người dân phản đối kịch liệt"(!?)
Và đến nay, trong vụ tranh chấp này chỉ có gia đình ông Đặng Văn Phiệt không đồng ý với nội dung Quyết định số 943/QĐ-CT, nhưng ông Phiệt chỉ phản đối bằng việc xô xát và lớn tiếng,. Như vậy, mặc nhiên phải thực thi Quyết định số 943/QĐ-CT để giải quyết tranh chấp. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin và trước mắt cần làm rõ câu hỏi: Vai trò của chính quyền địa phương ở đâu trong tranh chấp nhiều thập kỷ qua giữa hộ gia đình bà Miến và ông Đặng Văn Phiệt?
Nguyễn HạnhTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.