Đâu là yếu tố hàng đầu để lôi kéo người lao động quay trở lại làm việc?
Theo các chuyên gia, chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu để lôi kéo người lao động quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, giải pháp để “giữ chân” người lao động gắn bó lâu dài chính là bảo đảm sự an toàn trong lao động, sản xuất trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
Nhu cầu tuyển dụng đang dần tăng trở lại
Những đơn vị tuyển dụng nhân sự hàng đầu như Navigos, Adecco… đã tiến hành khảo sát về nhu cầu và xu hướng tuyển dụng nổi bật trong quý IV/2021 của các doanh nghiệp (DN), để có nhận định tổng quan về thị trường lao động tại các tỉnh phía Nam trong giai đoạn mới.
Theo khảo sát của Adecco, trong quý IV/2021, Phó Giám đốc bộ phận tuyển dụng Adecco TP HCM Nguyễn Hoàng Thành Chương cho biết, các lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng sẽ cần nhiều nhân sự cho mùa kinh doanh cuối năm. Các công ty dịch vụ do đã mất đi một phần lực lượng lao động sau nhiều tháng đóng cửa, cũng sẽ tăng dần nhu cầu tuyển dụng.
Theo khảo sát trong quý III/2021 của Navigos đối với 400 DN và 1.200 người lao động (NLĐ), có 56,7% DN sẽ tuyển dụng ngay lập tức sau khi hoạt động bình thường trở lại, khoảng 17,5% chưa thể ra được quyết định. Các DN còn lại cho rằng, cần thêm một vài tháng để cơ cấu lại sản xuất mới có thể tiếp tục tuyển dụng trở lại.
Trong những tháng tiếp theo, khi vaccine phòng Covid-19 được bao phủ tại các thành phố lớn, các đơn vị sử dụng lao động sẽ chào đón NLĐ trở lại làm việc một cách thận trọng.
Ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương nhận định: “Thay vì để toàn bộ NLĐ làm việc tại chỗ, các DN sẽ đưa dần 30% hoặc 50% lực lượng lao động trở lại văn phòng, nhà máy trong vài tháng đầu tiên. Do đó, việc tuyển dụng sẽ trở lại bình thường với hình thức kết hợp, bao gồm cả các cuộc gặp mặt trực tiếp và trực tuyến”.
Đặc biệt, khảo sát của Navigos cho thấy có gần 50% DN không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương, phúc lợi của năm 2021 cao hơn so với năm 2020 là 43,2%. Đây chủ yếu là các DN ngành công nghệ thông tin, tài chính/ngân hàng/bảo hiểm và xuất nhập khẩu. Tại Hà Nội và TP HCM, các DN trong lĩnh vực công nghệ thông tin đều có sự tăng trưởng lớn nhất về tuyển dụng nhân sự.
Nhu cầu nhân lực là lao động qua đào tạo của quý IV/2021 chiếm 87,19% tổng nhu cầu nhân lực, trong đó, nhu cầu tuyển dụng ở trình độ đại học trở lên chiếm 21,07%, cao đẳng chiếm 19,81%, trung cấp chiếm 26,35%, sơ cấp chiếm 19,96%...
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM Phan Kỳ Quan Triết cho biết, dự kiến nhu cầu nhân lực tại TP HCM - nơi tập trung số lượng lớn các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhiều lao động từ các địa phương - trong quý IV/2021 cần khoảng 43.000 đến 56.000 chỗ làm việc.
Nhu cầu nhân lực có xu hướng tăng ở lao động bán thời gian, tuyển dụng tập trung ở các nhóm nghề như: kinh doanh - thương mại, dịch vụ phục vụ cá nhân, công nghệ thông tin, cơ khí - tự động hoá, vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng, dệt may - giày da…
Kết quả của cuộc khảo sát này cũng tương đồng với nhận định của Navigos. Đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự này cho rằng, thị trường việc làm trong thời gian tới được dự báo sẽ là cuộc cạnh tranh mạnh mẽ của các ứng viên trên “đường đua” tìm kiếm việc làm.
Sau đại dịch, nhà tuyển dụng có xu hướng tìm kiếm những ứng viên trình độ cao, chuyên môn tốt để có thể thích ứng linh hoạt với những thay đổi liên tục trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
DN cần kiểm soát dịch bệnh để NLĐ yên tâm làm việc
Theo các chuyên gia, chế độ đãi ngộ của DN là yếu tố hàng đầu để lôi kéo NLĐ quay trở lại làm việc, thì bảo đảm sự an toàn trong lao động, sản xuất trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 chính là giải pháp để “giữ chân” NLĐ gắn bó lâu dài. Các khảo sát cũng cho thấy, việc phát triển nguồn nhân lực theo định hướng mới là việc làm cấp thiết của DN.
Việc nhận ra vai trò của mình trong công tác phòng chống dịch bệnh là điều cấp thiết đối với DN. Dù ở trong giai đoạn chống dịch hay sau này, các DN cũng cần duy trì vai trò trong việc ngăn chặn và làm chậm sự lây lan của dịch bệnh tại nơi làm việc.
Ngoài ra, phúc lợi cho NLĐ là rất quan trọng. Phúc lợi nên linh hoạt và đặt trọng tâm vào các chính sách phúc lợi cho NLĐ. Hiện NLĐ rất quan tâm đến sức khoẻ nên DN cần đầu tư vào vấn đề này.
Khi nền kinh tế hồi phục, nhiều ngành sẽ bắt đầu tiến vào giai đoạn sản xuất mới, đây cũng là lúc DN săn đón lao động đã qua đào tạo, lao động trình độ cao với chính sách phúc lợi và mức lương khác nhau.
Tuy nhiên, NLĐ vừa trải qua giai đoạn khủng hoảng do dịch bệnh cho nên có thể họ không chỉ đơn thuần tìm kiếm công việc có mức lương hay chế độ đãi ngộ hấp dẫn mà sẽ cân nhắc về môi trường làm việc và mô hình vận hành của DN. Do đó, DN nên tận dụng điểm này để đưa ra những chiến lược mới thu hút NLĐ có trình độ, tay nghề khi thị trường lao động bắt đầu khôi phục.
Ánh NguyệtTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.