Đầu năm 2021 có thể thử nghiệm vắcxin COVID-19 "made in Vietnam" trên người
Tối thiểu 4-5 tháng, tối đa 9 tháng nữa VABIOTEC có thể thử nghiệm vắcxin COVID-19 trên động vật một lần nữa trước khi thử nghiệm chính thức trên người vào đầu năm 2021.
Nhiều quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng đang nỗ lực phát triển vắcxin ngừa COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Ông Đỗ Tuấn Đạt - Giám đốc VABIOTEC (Công ty TNHH MTV Vắcxin và sinh phẩm số 1, Bộ Y tế) cho biết như vậy khi nói về kế hoạch thử nghiệm vắcxin COVID-19 sắp tới.
VABIOTECH là đơn vị đầu tiên ở nước ta nghiên cứu thành công vắcxin dự tuyển COVID-19 và bắt đầu tiêm thử nghiệm trên chuột. Vắcxin phòng COVID-19 của đơn vị này tiếp tục được nghiên cứu để xây dựng quy trình sản xuất, định liều, thử nghiệm chính thức trên động vật nhằm đánh giá thêm về tính đáp ứng miễn dịch cũng như khả năng bảo vệ của dự tuyển vắc xin này. Cuối cùng là thử nghiệm trên người ở nhóm nhỏ và nhóm lớn.
Ngay từ khi Việt Nam ghi nhận các ca mắc COVID-19 đầu tiên, các nhà khoa học của VABIOTECH đã hợp tác cùng các nhà khoa học của Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu vắc xin phòng virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ vector virus.
Công nghệ vector virus là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các vắc xin đại dịch. Hiện tại có 4 trên 8 lô chuột được tiêm thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 do Công ty VABIOTEC sản xuất được Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đánh giá có đáp ứng kháng thể, tức là có hiệu quả ngừa COVID-19.
GS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, có 4 trong 8 lô chuột được tiêm ngừa vắcxin này hồi cuối tháng 4 vừa qua, đã được đánh giá là có đáp ứng kháng thể, có thể ngừa được COVID-19.
Được biết, thế giới hiện đang sử dụng 3 công nghệ sản xuất vắcxin ngừa COVID-19. Thứ nhất là công nghệ sử dụng virus bất hoạt, đây là công nghệ Trung Quốc hiện đang làm và họ đã sản xuất được vắcxin.
Công nghệ thứ 2 VABIOTEC đang sử dụng, là sử dụng vector virus.
Công nghệ thứ 3 mới hơn, công nghệ gen, Mỹ, Anh và một số quốc gia đang sản xuất vắcxin COVID-19 bằng công nghệ này. Họ cũng đã phát triển được vắcxin, tính cả khâu đánh giá trên người sẽ mất khoảng vài tháng nữa.
Theo đánh giá của Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Việt Nam cần khoảng 6-9 tháng nữa để có thể thử nghiệm chính thức vắcxin ngừa COVID-19 trên người.
"Trong điều kiện hiện nay, chúng tôi hi vọng tối thiểu 4-5 tháng, tối đa 9 tháng nữa chúng tôi có thể thử nghiệm trên động vật một lần nữa trước khi thử nghiệm chính thức trên người. Sau đó cần thêm 2-3 tháng nữa để hoàn thành các giai đoạn sản xuất và có thể đưa vắcxin ra sử dụng chính thức" - Giám đốc VABIOTEC kỳ vọng.
Theo đó, nếu đạt các bước thời gian như kể trên, vắcxin ngừa COVID-19 của Việt Nam có thể xuất hiện kịp với các nhà sản xuất vắcxin lớn trên thế giới.
Thời gian qua, Việt Nam không chỉ sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 mà máy thở 100% “made in Vietnam” còn xuất khẩu đi nhiều nước... Hiện Việt Nam đang tập trung nghiên cứu, sản xuất vắcxin.
Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 02/7, đã 77 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đến thời điểm này đã có 336/355 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 94,4% tổng số ca bệnh. Trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi.
Hiện chỉ còn bệnh nhân 91 là phi công đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. 19 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tình trạng sức khoẻ ổn định.
Bảo LamTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.