Đấu thầu mua 220.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia trong năm 2024
Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) vừa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện 196 gói thầu, mua tổng số 220.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia (DTQG) năm 2024 tại các cục DTNN khu vực.
Theo Quyết định số 164/QĐ-TCDT, 22 cục DTNN khu vực sẽ chọn nhà thầu thực hiện 196 gói thầu mua gạo nhập kho DTQG.
Cụ thể: Hà Nội (8.000 tấn), Tây Bắc (11.000 tấn), Hoàng Liên Sơn (9.000 tấn), Vĩnh Phú (10.500 tấn), Bắc Thái (10.000 tấn), Hà Bắc (9.500 tấn), Hải Hưng (9.500 tấn), Đông Bắc (9.000 tấn), Thái Bình (7.000 tấn), Hà Nam Ninh (10.000 tấn), Thanh Hóa (15.500 tấn), Nghệ Tĩnh (16.500 tấn), Bình Trị Thiên (12.500 tấn), Đà Nẵng (10.500 tấn), Nghĩa Bình (11.500 tấn), Nam Trung Bộ (10.500 tấn), Bắc Tây Nguyên (7.000 tấn), Nam Tây Nguyên (8.000 tấn), TPHCM (9.500 tấn), Đông Nam Bộ (8.000 tấn), Cửu Long (7.500 tấn), Tây Nam Bộ (9.500 tấn).
Giá gói thầu đã bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng có cả bao bì và gạo giao trên phương tiện bên bán tại cửa kho thuộc cục DTNN khu vực. Chất lượng gạo dự trữ quốc gia là gạo hạt dài, loại 15% tấm, xuất xứ trong nước được xay xát từ thóc thu hoạch vụ Đông Xuân năm 2024 tại Nam Bộ đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
Theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi, trong nước, qua mạng; theo phương thức "một giai đoạn một túi hồ sơ."
Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu trong tháng 4/2024. Thời điểm đóng thầu là 9 giờ, ngày 2/5. Việc mở thầu phải được hoàn thành trong vòng 2 giờ kể từ thời điểm đóng thầu.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước giao Cục trưởng các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực căn cứ giá gói thầu để tính toán, quy định giá trị bảo đảm dự thầu cụ thể cho từng gói thầu.
Tổng cục DTNN lưu ý, trong quá trình thực hiện nếu giá gạo trên thị trường có biến động tăng hoặc giảm so với giá Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN quy định, cục trưởng cục DTNN khu vực kịp thời báo cáo và đề nghị mức giá mua gạo để Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN quyết định điều chỉnh giá mua gạo, bảo đảm phù hợp với giá thị trường tại thời điểm đóng thầu và không vượt mức giá mua tối đa được Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định.
Huyền My (t/h)Theo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.