Đầu tư 19.617 tỉ đồng làm đường bộ cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài theo hình thức BOT

Tài chính - Đầu tư
10:38 AM 14/04/2024

UBND TP Hồ Chí Minh vừa có Tờ trình số 1890/TTr - UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài giai đoạn 1 theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất đầu tư dự án đường bộ cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài với tổng chiều dài 50,977km. Trong đó đoạn đi qua TP Hồ Chí Minh là 24,66km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh dài 26,317km.

Giai đoạn 1, dự án có quy mô bốn làn xe, nền đường rộng 25,5m; giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô sáu làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến là 19.617 tỉ đồng.

Đầu tư 19.617 tỉ đồng làm đường bộ cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài theo hình thức BOT- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo quy hoạch, điểm đầu của dự án nằm trên đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh thuộc địa bàn huyện Củ Chi, đến tỉnh lộ 8, tuyến rẽ phải để tránh khu Quân sự Đồng Dù, sau đó rẽ trái để đi song song với đường sắt quy hoạch rồi qua địa phận tỉnh Tây Ninh.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tuyến cắt qua đường tỉnh 787B, đường Hồ Chí Minh, đường tỉnh 782, Quốc lộ 22B, rồi đi đến khu vực Gò Dầu (Km3 8+700). Tại đây, tuyến rẽ trái cắt Quốc lộ 22B gần khu vực Km41+000 và tiếp tục rẽ trái với góc chuyển hướng khoảng 600, vượt sông Vàm Cỏ đi về phía Quốc lộ 22 - giao với Quốc lộ 22 tại Km53+850 (thuộc huyện Bến Cầu).

Trên tuyến dự kiến đầu tư xây dựng 8 nút giao liên thông, trong đó năm nút giao được đầu tư trong dự án TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Vành đai 3, tỉnh lộ 8, đường tỉnh 787B, Quốc lộ 22B, Quốc lộ 22); ba Nút giao được đầu tư trong dự án khác (Vành đai 4, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Gò Dầu - Xa Mát).

Dự án cũng dự kiến sẽ xây dựng một trạm dừng nghỉ trên tuyến tại khu vực thị xã Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh).

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, trong dự án xây dựng đường cao tốc chỉ dự kiến vị trí và bố trí chi phí giải phóng mặt bằng. Chi phí xây dựng và vận hành khai thác trạm phục vụ sẽ được đầu tư bằng hình thức xã hội hóa tương tự như các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Dự kiến dự án sẽ chiếm dụng khoảng trên 409 ha đất, ảnh hưởng khoảng 566 hộ dân. Hai địa phương có trách nhiệm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đi qua từng địa phương, tuân thủ quy định của pháp luật.

Với quy mô trên, TP Hồ Chí Minh dự toán tổng mức đầu tư khoảng 19.617 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị khoảng 9.237 tỉ đồng; chi phí mặt bằng khoảng 6.774 tỉ đồng, số tiền còn lại là các chi phí tư vấn, lãi vay, dự phòng.

UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất đầu tư dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT. Trong đó, Nhà nước dự kiến góp 9.674 tỉ đồng, chiếm gần 50% tổng mức đầu tư, trong đó vốn góp của Trung ương là 2.872 tỉ đồng, còn lại là ngân sách TP Hồ Chí Minh.

Nhà đầu tư dự kiến góp 9.943 tỉ đồng, chiếm hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án, với thời gian thu hồi vốn dự kiến 14 năm 10 tháng.

Nếu được thông qua, dự án dự kiến sẽ thực hiện các bước chuẩn bị trong năm 2024, lựa chọn nhà thầu trong năm 2025 và khởi công trong tháng 4/2025, hoàn thành trong năm 2027.

Quang Lộc (T/h)
Ý kiến của bạn