Đầu tư cho năng lượng tái tạo còn chậm

Diễn đàn
08:50 AM 24/01/2024

Các nhà đầu tư châu Âu đánh giá, đầu tư năng lượng tái tạo Việt Nam hiện nay còn khá chậm dù chúng ta có tiềm năng điện gió và điện mặt trời rất lớn.

Số liệu từ tổng sơ đồ điện trong Quy hoạch điện VIII, được Chính phủ ban hành, cho thấy, điện gió của Việt Nam có tổng tiềm năng kỹ thuật hơn 820.000 MW; điện mặt trời, tiềm năng của Việt Nam khoảng 963.000 MW. Trong khi đó, theo số liệu của Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC), Việt Nam có khoảng 600 GWh điện gió chưa khai thác. Vì vậy, đây là tiềm năng hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Đầu tư năng lượng tái tạo Việt Nam hiện nay còn khá chậm- Ảnh 1.

Đầu tư năng lượng tái tạo Việt Nam hiện nay còn khá chậm. Ảnh: Kinh tế Môi trường

Tuy nhiên, thực tế nhiều rào cản đang khiến dòng vốn này bị chững lại. Thách thức lớn nhất đối với phát triển năng lượng tái tạo nằm ở vốn đầu tư và khả năng thu xếp vốn của chủ đầu tư, trong đó, rào cản tài chính là yếu tố cản trở việc thực hiện một dự án kinh tế do thiếu tiếp cận với nguồn tài chính phù hợp.

Thách thức về việc sử dụng đất, vốn đầu tư, đấu nối, giải tỏa công suất, cơ chế chính sách là những vấn đề đáng quan tâm trong quá trình định hướng, xây dựng chính sách phát triển nguồn điện tái tạo. Cùng với đó là việc chưa có những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời, điện gió.

Năng lực và trình độ công nghệ trong nước còn hạn chế, thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị. Tỉ lệ nội địa hóa công nghệ ngành năng lượng thấp, thiếu cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy nội địa hóa công nghệ.

Các nhà đầu tư châu Âu đánh giá, đầu tư năng lượng tái tạo Việt Nam hiện nay còn khá chậm. Điển hình như dự án điện gió ngoài khơi, nếu năm 2024, nhà đầu tư chưa bắt đầu đi khảo sát, chọn địa điểm khảo sát, thì khó đạt được mục tiêu đã đề ra vào 2030.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, quy hoạch phát triển điện lực VIII đặt mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi đạt 6GW vào năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng vì ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và các cơ chế pháp lý liên quan cần thiết để hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi vẫn chưa được hoàn thiện.

EuroCham kiến nghị, Bộ Công Thương nên xem xét tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn điện gió ngoài khơi bằng cách xây dựng Hợp đồng mua bán điện (PPA) có hiệu lực quốc tế và kết hợp các cơ quan có chức năng cấp phép và quy hoạch tổng thể thành một cơ quan duy nhất, lý tưởng nhất.

EuroCham cũng cho rằng, ngành điện mặt trời tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng và nên được cơ cấu để đảm bảo thiết lập một cơ chế quản lý và kiểm soát hiệu quả hơn để giảm bớt lo ngại của Chính phủ. Cần phải thiết lập các quy định để có thể cấp điện từ các dự án điện mặt trời trực tiếp đến người dùng cuối (thay vì thông qua EVN và lưới điện), với việc bao tiêu trực tiếp dưới hình thức Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA), trong đó lợi ích và khả năng cung cấp năng lượng sạch có thể được thảo luận và thực hiện giữa nhà phát triển và người tiêu thụ điện dựa trên các yêu cầu kỹ thuật và pháp lý cần thiết.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế

Không đơn thuần mang đến những màn trình diễn ánh sáng ấn tượng trên nền trời, các lễ hội pháo hoa quốc tế còn là “đòn bẩy” kinh tế đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.