Đầu tư công nghệ để giải 'điểm nghẽn' cho lĩnh vực chế biến nông sản

Đầu tư và Tiếp thị
04:24 PM 03/03/2022

Khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ hiện đang gặp phải là việc tiếp cận khoa học công nghệ.

Chế biến nông sản chưa bền vững

Cả nước hiện có trên 43.000 doanh nghiệp chế biến kinh doanh nông lâm thủy sản, trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu... Với sự tăng trưởng nhanh, những năm vừa qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là thành tích xuất khẩu nông sản đạt 48,6 tỷ USD trong năm 2021. Trong đó khâu chế biến nông sản là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.

Phát triển lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - Ảnh 1.

Khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ hiện đang gặp phải là việc tiếp cận những hỗ trợ về khoa học công nghệ và nguồn vốn. Ảnh: Nông Nghiệp Việt Nam

Tuy nhiên, quá trình phát triển chế biến nông sản vẫn có nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Do đó, nếu không đầu tư mạnh mẽ vào khâu chế biến thì chúng ta sẽ khó để phát huy lợi thế đó khi xuất khẩu nông sản ra thế giới.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp cho biết, họ chưa thể tiếp cận được với công nghệ phù hợp để chế biến các sản phẩm chất lượng cao. Phần lớn các doanh nghiệp hiện nay mới chỉ sơ chế và xuất bán nguyên liệu thô sau thu hoạch nên giá trị sản phẩm không cao, thất thoát lớn. Sau khi thu hoạch, ngoài số lượng được bán ngay, số nông sản còn lại chủ yếu chỉ được sơ chế, đóng bao và tích trữ theo phương pháp truyền thống ảnh hưởng đến chất lượng, thời gian bảo quản sản phẩm ngắn.

Tại Hội thảo Xây dựng chính sách phát triển lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản cho các cụm liên kết tập trung, doanh nghiệp vừa và nhỏ, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản chỉ ra, hiện nay, năng lực chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, thiếu công suất, nhất là cao điểm của mùa vụ. Cơ sở chế biến của một số ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm, thiết bị cũ, công nghệ còn lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên liệu và năng lượng, năng suất thấp, nhất là với các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình.

Những điều này thể hiện rõ nét tại các ngành hàng nông sản chính. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, một trong những điểm yếu lớn nhất của ngành là công nghệ chế biến. Hiện, công nghệ chế biến sâu các sản phẩm rau quả nhiệt đới của các nước cạnh tranh với Việt Nam như Thái Lan, Malaysia... ngày càng đi vào chiều sâu, đạt trình độ cao với các sản phẩm chế biến đa dạng, ngon, mẫu mã bắt mắt, tiện lợi. 

Trong khi đó, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 150 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp với trình độ công nghệ chế biến đạt mức trung bình của thế giới. Mặt khác, diện tích trồng rau quả của nước ta còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, ít có các nông trại lớn nên rất khó khăn trong khâu cơ giới hóa trồng trọt, thu hái, nhiều công đoạn còn làm thủ công, khó kiểm soát thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Chính vì vậy, công suất chế biến quy mô công nghiệp của toàn ngành hiện khoảng một triệu tấn sản phẩm/năm nhưng tỷ lệ sử dụng công suất thiết kế chỉ đạt 56,2% do thiếu vùng nguyên liệu tập trung đạt yêu cầu chất lượng.

Theo kịp xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Xuất phát từ thực tế đó, nhiều ý kiến tại Hội thảo đề xuất ngành Nông nghiệp xây dựng hệ sinh thái công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch với sự tham gia của cơ quan điều phối, doanh nghiệp, hệ thống đào tạo nhân lực... Hệ sinh thái này ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 kết nối các thành phần trong chuỗi với nhau một cách thông minh nhất. 

Phát triển lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - Ảnh 2.

Cần sự can thiệp đồng bộ từ chính sách. Ảnh: Tạp chí Kinh doanh

Để công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản theo kịp xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, điều kiện cần trước hết là các công nghệ bảo quản chế biến tiên tiến phải được tích hợp thông qua phần mềm ứng dụng để tối ưu hóa quá trình sản xuất.

Theo đó, cần có cơ chế chính sách đặc thù nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI đầu tư vào các công nghệ nền trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, trở thành trung tâm kết nối các nhà sản xuất và phân phối theo chuỗi giá trị. 

Thứ hai, cần nghiên cứu đánh giá thực trạng trình độ ứng dụng công nghệ của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ và loại hình hợp tác xã nông nghiệp trong lĩnh vực bảo quản chế biến nông, lâm, thủy sản tùy theo đặc thù và lợi thế so sánh của mỗi vùng, địa phương. 

Trên cơ sở đó, đề xuất chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực đổi mới và phát triển công nghệ gồm: Hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới công nghệ; hỗ trợ tiếp nhận, cải tiến, hoàn thiện và làm chủ công nghệ; hỗ trợ xây dựng các tiêu chuẩn tiên tiến cho sản phẩm, quản lý quy trình sản xuất và môi trường; hỗ trợ phân tích, đánh giá, định giá, kết nối cung - cầu, phát triển thị trường công nghệ; hỗ trợ xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với các tổ chức khoa học công nghệ...

Thứ ba, về khoa học công nghệ giai đoạn 2021 - 2030, Nhà nước cần quan tâm ưu tiên thực hiện Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước về “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp”, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam. 

Trong đó, cần đổi mới cơ chế quản lý đặc thù đối với các nhiệm vụ “giải mã công nghệ”, nhằm khuyến khích các nhà khoa học phát huy sáng tạo, đưa ra những sản phẩm khoa học có tính mới và cạnh tranh so với công nghệ nhập khẩu. 

An Mai
Ý kiến của bạn