Đầu tư gần 3.900 tỉ đồng phát triển hành lang đường thủy, logistics phía Nam

Tài chính - Đầu tư
11:20 AM 07/11/2023

Dự án phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt có tổng mức đầu tư gần 3.900 tỉ đồng, để xóa các điểm nghẽn trên hai hành lang đường thủy phía Nam.

Dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam sử dụng vốn vay Ngân hàng thế giới (WB) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 04/8/2022. Đây là dự án quan trọng, cấp bách của lĩnh vực đường thủy nội địa, được ưu tiên đầu tư sử dụng vốn vay của nhà tài trợ nước ngoài.

Dự án nhằm cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giảm tắc nghẽn và tai nạn, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thông qua việc cải tạo, nâng cấp hành lang vận tải đông - tây kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cải tạo hành lang vận tải Bắc - Nam kết nối khu vực Đông Nam Bộ với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Đầu tư gần 3.900 tỉ đồng phát triển hành lang đường thủy, logistics phía Nam - Ảnh 1.

Để xóa bỏ các điểm nghẽn trên hành lang Đông - Tây qua sông Hậu (TP Cần Thơ), sông Trà Ôn, sông Mang Thít, sông Cổ Chiên, kênh Chợ Lách, sông Tiền, rạch Kỳ Hôn, kênh Chợ Gạo, rạch Lá, sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn, sông Cần Giuộc, sông Soài Rạp (TP.HCM), dự án sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp đạt cấp II kỹ thuật đường thủy nội địa cho tàu tự hành đến 600 tấn, tàu 3 lớp container lưu thông 24/24h, tàu tự hành đến 1.500 tấn lợi dụng thủy triều ở mực nước cao để lưu thông.

Để xóa bỏ các điểm nghẽn trên hành lang Bắc - Nam qua sông Đồng Nai (cảng Đồng Nai), sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Tắc Cua, sông Gò Gia, sông Thị Vải (cụm cảng Cái Mép - Thị Vải), dự án sẽ cải tạo tuyến luồng cho tàu tự hành đến 5.000 tấn, tàu 4 lớp container lưu thông thuận lợi, an toàn.

Theo đó, dự án được phê duyệt có tổng mức đầu tư gần 3.900 tỷ đồng, tương đương 163,34 triệu USD. Trong đó, vốn vay WB 106,96 triệu USD, tương đương hơn 2.550 tỷ đồng; vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia 0,58 triệu USD, tương đương gần 13,9 tỷ đồng, vốn đối ứng dự kiến hơn 1.330 tỷ đồng, tương đương 55,79 triệu USD.

Thời gian thực hiện là 5 năm sau khi hiệp định tài trợ có hiệu lực, dự kiến từ năm 2023 đến năm 2027. Đây là dự án nhóm A, loại công trình giao thông đường thủy nội địa, công trình cấp II với phạm vi đầu tư. Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý các dự án đường thủy.

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần nâng cao hiệu quả và an toàn của hai tuyến đường thủy nội địa trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Đồng thời, cải thiện khả năng tiếp cận và di chuyển từ Đồng bằng sông Cửu Long cũng như các khu công nghiệp Bình Dương và Đồng Nai kết nối với TP Hồ Chí Minh và các cảng nước sâu xuất nhập khẩu dọc sông Thị Vải.

Bên cạnh đó, dự án góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến đường thủy trọng điểm và giảm chi phí vận tải, dự án sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao an toàn giao thông đường thủy và an ninh khu vực biên giới các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ…

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.