Đầu tư nhóm ngành nào để sinh lời hiệu quả với xu hướng lạm phát hiện nay?
Từ cuối tháng 3, nhóm tài nguyên cơ bản tăng 58%, nhóm hóa chất phân bón tăng 56%, dầu khí tăng 30%, thì những câu chuyện và diễn biến của nhóm ngành này đều được kể chuyện theo sự tăng giá của những nhóm hàng.
Theo tổng cục thống kê, tính bình quân 10 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản chỉ tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020, mức thấp nhất trong 1 thập kỷ qua. Trả lời trên Talkshow Phố Tài chính, các chuyên gia đánh giá, lạm phát trong 2 tháng cuối năm sẽ tăng nhưng mức tăng không lớn, sẽ trong tầm kiểm soát và mục tiêu đặt ra từ đầu năm của Chính Phủ. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo, trên thị trường xuất hiện tình trạng đầu cơ nóng vào những nhóm ngành được kỳ vọng là được hưởng lợi khi lạm phát tăng trở lại, tuy nhiên chỉ mang tính ngắn hạn. Còn về dài hạn, nhà đầu tư nên chọn lọc kỹ các nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt.
BTV Mùi Khánh Ly: Hiện lạm phát đang tác động như thế nào đến các nhóm ngành trên thị trường chứng khoán?
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu, CTCK MB (MBS)
Lạm phát tác động theo hai hướng, thứ nhất là đối với những doanh nghiệp đang được hưởng lợi bởi xu hướng tăng giá của các hàng hóa nguyên liệu trên toàn cầu.
Trong 6 tháng đầu năm vừa qua giá hàng hóa nguyên liệu trên toàn cầu gần như đang ở vùng đỉnh cao mới như là thép, than, khí gas, giúp cho doanh nghiệp thép lập kỷ lục lợi nhuận. Ví dụ như Hòa Phát lãi hơn 10.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế quý 3, Hoa Sen hay Nam Kim thì lợi nhuận của họ cũng rất tốt.
Nhóm thứ 2 là nhóm liên quan đến các hàng hóa đầu vào như hóa chất, ví dụ như DGC đã báo cáo lợi nhuận 9 tháng tăng trưởng 30% đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái, nhóm thứ ba nữa là nhóm liên quan đến phân bón như đạm Phú Mỹ, hay đạm Cà Mau đều vượt 3 đến 3,5 lần lợi nhuận…
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy rằng giá nguyên liệu đầu vào tăng như vậy cũng đã ảnh hưởng, tác động tiêu cực đối với một số lĩnh vực liên quan đến nguyên liệu đầu vào, phụ thuộc vào giá thế giới, ví dụ như những doanh nghiệp kinh doanh nhựa, như nhựa Bình Minh, nhựa Tiền Phong, làm cho những doanh nghiệp này tăng trưởng giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm ngoái. Trường hợp thứ hai là những doanh nghiệp kinh doanh săm lốp.
Về cơ bản chúng tôi nhận thấy tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường vẫn đang ở mức 28% tương đối tích cực.
Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Khối Phân tích, CTCK Bảo Việt (BVS)
Kể từ tháng 3, nhiều nhà đầu tư đã nói về việc lựa chọn cổ phiếu liên quan đến chỉ số lạm phát, chỉ số lạm phát được nói ở đây là chỉ số lạm phát của các ngành kinh tế lớn như là Mỹ, EU, UK…Có thể thấy giá tiêu dùng của Mỹ tăng 4,4% trong tháng 9 và cụ thể như là nhóm nhóm xăng dầu tăng 44% và nhóm thực phẩm, đồ uống tăng 4%. Điều này đã tác động khá mạnh đến diễn biến của các nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo thống kê của chúng tôi nếu so từ cuối tháng 3, nhóm tài nguyên cơ bản tăng 58%, nhóm hóa chất phân bón tăng 56%, dầu khí tăng 30%, thì những câu chuyện và diễn biến của nhóm ngành này đều được kể chuyện theo sự tăng giá của những nhóm hàng.
BTV Mùi Khánh Ly: Nhiều chuyên gia dự báo, lạm phát giảm nhưng trong 2 tháng cuối năm sẽ tăng trở lại bởi COVID-19 lần thứ tư cơ bản đã được khống chế, nhu cầu của nền kinh tế đang dần hồi phục trở lại. Các ông dự báo như thế nào về mức lạm phát trong 2 tháng cuối năm?
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu, CTCK MB (MBS)
Sau khi khống chế dịch tốt thì nhu cầu sẽ tiếp tục phục hồi vào những tháng cuối năm, đặc biệt 2 tháng cuối năm cầu tiêu thụ sẽ tăng cao vì gần dịp Tết Nguyên đán, dẫn đến một số hàng hoá sẽ tăng.
Ngoài ra, chúng ta nhận thấy rằng những mặt hàng liên quan đến xăng dầu trong thời gian qua cũng đã được điều chỉnh tăng, do áp lực từ giá xăng dầu thế giới. Vậy nên, chúng ta có thể sẽ đối mặt với áp lực tăng giá cao hơn so với tháng 09 tháng 10. Nhưng về cơ bản trong năm sau chúng tôi vẫn nhận thấy lạm phát vẫn chưa phải là yếu tố đáng quan ngại, vẫn nằm trong tầm kiểm soát khoảng dưới 4%.
Mức lạm phát của Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn bởi chính sách tiền tệ và do đó với chính sách điều hành tương đối thận trọng trong thời gian tới thì khả năng là lạm phát vẫn sẽ duy trì một cách ổn định.
Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Khối Phân tích, CTCK Bảo Việt (BVS)
Tôi cho rằng khi chúng ta mở cửa lại nền kinh tế thì chỉ số giá có thể tăng nhẹ trong 2 tháng cuối năm. Nhưng chỉ số CPI của cả năm thì chúng tôi dự báo rằng vẫn chỉ quanh ngưỡng 2% và điều này nằm trong tổng kiểm soát của Chính phủ cũng như nằm trong chỉ tiêu đặt ra ngay từ đầu năm.
Với mặt bằng lạm phát thấp cộng với tỉ giá ổn định cũng như dự trữ ngoại hối ở mức cao, chúng tôi cho rằng dư địa trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ cho kinh tế hậu Covid 19 có thể ở mức đủ lớn để hỗ trợ các ngành và doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng. Điều này tốt cho nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
BTV Mùi Khánh Ly: Vậy theo các ông, nhóm ngành nào sẽ cho tỷ suất sinh lợi hiệu quả với xu hướng lạm phát như hiện nay?
Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Khối Phân tích, CTCK Bảo Việt (BVS)
Chúng ta có thể nhận thấy rằng đã có khá nhiều ngành được hưởng lợi từ mặt bằng lãi suất thấp. Tuy nhiên, câu chuyện của cuối năm và năm 2022, khi lạm phát có xu hướng tăng nhẹ trở lại, thì tôi cho rằng là nhà đầu tư có thể phải cân đối và tái cơ cấu lại cái danh mục của mình. Nếu lạm phát tăng trở lại, có thể có các dòng tiền chuyển sang thị trường bất động sản. Tuy nhiên, không chỉ là những câu chuyện liên quan đến lạm phát, gần đây câu chuyện được nói nhiều hơn mà nhà đầu tư cần chú ý đến đó là câu chuyện về khoản kích thích hỗ trợ kinh tế sau đại dịch và với gói kích thích dự kiến này thì chúng tôi cho rằng là những nhóm ngành liên quan đến hạ tầng, nguyên vật liệu, kể cả bất động sản sẽ được hưởng lợi. Một nhóm không thể đấy là nhóm ngân hàng bởi vì nhóm ngân hàng chính là trụ đỡ để bơm tiền ra ngoài thị trường. Nếu như nhìn xa hơn khi mặt bằng lãi suất thiết lập một mặt bằng cao hơn thì chúng ta có thể quan tâm đến nhóm cổ phiếu bảo hiểm bởi lẽ khi mà lãi suất tăng thì nhóm bảo hiểm là nhóm có danh mục đầu tư trái phiếu lớn và khi lãi suất tăng thì kỳ vọng về kết quả kinh doanh có thể tăng lên.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu, CTCK MB (MBS)
Với mặt bằng lãi suất như hiện nay, chúng tôi nhận thấy rằng, những doanh nghiệp nào đang được hưởng lợi từ yếu tố nội tại, ví dụ như giá hàng hóa cơ bản tăng, sức cầu trong nước phục hồi thì sẽ tiếp tục được quan tâm.
Nhóm tài chính ngân hàng vẫn sẽ là những nhóm tăng trưởng tốt, nhưng có sự phân hóa. Đối với những ngân hàng kiểm soát nợ xấu tốt, duy trì được tốc độ tăng trưởng từ 25% đến 30% trở lên thì vẫn sẽ là những ngân hàng đáng chú ý.
Nhóm thứ hai là nhóm được hưởng lợi từ đầu tư công, đây cũng là nhóm chúng tôi theo dõi suốt trong thời gian qua. Ngoài ra, việc giá hàng hoá nguyên liệu đầu vào vẫn đang neo ở mức cao, thì những nhóm ngành liên quan như sắt, thép, tôn, mạ, hóa chất, phân bón, cao su…vẫn sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng. Dù vậy, trong mỗi nhóm ngành này chúng ta nên có sự chọn lọc những cổ phiếu tăng trưởng đi đầu.
Ngược lại, những nhóm ngành có tỷ suất sinh lời kém hoặc là có thể bị ảnh hưởng ngay trực tiếp đến lợi nhuận khi lạm phát cao đó là những nhóm ngành có tỷ lệ vay nợ nhiều. Công ty nào liên quan đến xây dựng bất động sản mà vay nợ nhiều, làm dự án nhưng các dự án chưa hoàn thành thì chúng tôi cho rằng sẽ gặp nhiều khó khăn khi lạm phát có xu hướng tăng lên, ví dụ như giá vật liệu xây dựng, thép, xi măng đang tăng từng ngày.... sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến những doanh nghiệp này.
Ngoài những doanh nghiệp nào vay nợ nhiều, thì những doanh nghiệp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng sẽ khó tăng trưởng. Chúng tôi nhận thấy những doanh nghiệp săm lốp hay là nhựa đang vừa phải đối mặt với giá nguyên liệu tăng và vừa bị ảnh hưởng bởi khó khăn về đầu ra. Hay những nhóm như du lịch, hàng không vốn đã bị ảnh hưởng trong cả một năm nay và khi lạm phát tăng trở lại, lãi suất có xu hướng tăng lên cũng chính là một trong những yếu tố tiếp tục gây ảnh hưởng đối với những nhóm doanh nghiệp này.
MC: Xin cảm ơn hai ông về những thông tin vừa rồi.
Châu Cao (ghi)Lãi suất cho vay nhà ở xã hội của năm 2025 giảm xuống còn 4,7%/ năm. Đây là nội dung trong Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025, đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành.