Đầu tư tư nhân thấp nhất trong 10 năm

Kinh doanh
09:03 AM 19/01/2024

Trong năm 2023, đầu tư tư nhân chỉ tăng 2,7%, mức thấp chưa từng có trong 10 năm vừa qua và thấp hơn cả giai đoạn COVID-19 (3,1%).

Theo các chuyên gia, suy giảm, kiệt sức là tình thế đang được nhìn thấy trong đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân. Năm 2023, có tới 172.578 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm 2022 và cũng là con số cao nhất kể từ năm 2017 tới nay.

Đầu tư tư nhân thấp nhất trong 10 năm- Ảnh 1.

Đầu tư tư nhân đang rất yếu là vấn đề đáng lo ngại cho nền kinh tế. Ảnh: Sài Gòn Giải phóng

Chia sẻ với báo chí, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica, cho rằng đầu tư từ khu vực tư nhân ảm đạm do nhiều nguyên nhân. Đó là thị trường trong nước kém đi, tiêu dùng trong nước thấp, bất động sản im lìm hay các thị trường xuất khẩu sụt giảm.

Một nguyên nhân nữa được doanh nghiệp phản ánh đó là môi trường kinh doanh thiếu thuận lợi, nhiều rủi ro. 

Chính sách khó tiên liệu, tình trạng không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm dẫn đến công việc trì trệ, tồn đọng khiến doanh nghiệp nản lòng. Vì thế, tâm lý né tránh rủi ro, hoạt động cầm chừng, không đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh hay dự án mới đang xuất hiện trong khu vực doanh nghiệp.

Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng Chính phủ của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), vẫn có tới 69,1% đánh giá tiêu cực, rất tiêu cực về triển vọng kinh tế 2024. Tỷ lệ này tính trên 2.734 doanh nghiệp tham gia khảo sát vào tháng 12/2023. Đặc biệt, vẫn có tới 72,8% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng và có thể ngừng kinh doanh trong năm 2024…

Bàn về giải pháp kích cầu đầu tư tư nhân, nhiều chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là tạo môi trường đầu tư thông thoáng, tốt hơn so với trước. Đặc biệt là vấn đề liên quan đến việc thực thi công vụ của đội ngũ công viên chức các bộ, ngành, địa phương và cả Trung ương.

Ngoài ra, phải làm sao cho chi phí tuân thủ, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp giảm đi. Ví dụ chi phí không chính thức, chi phí logistic phải tiếp tục phấn đấu giảm và những chương trình hỗ trợ từ chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ cần tiếp tục duy trì trong cả năm 2024.

Cùng với đó là các đề xuất cụ thể, như hoàn thuế VAT được ưu tiên xử lý để giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp, thay đổi các quy định về giới hạn 30% lãi vay ngân hàng trong giao dịch liên kết; thay đổi chính sách thuế thu nhập cá nhân cho phù hợp tình hình mới; tạo các cuộc gặp giữa các doanh nghiệp với các đơn vị có nhu cầu mua hàng trong và ngoài nước theo từng chủ đề; hỗ trợ doanh nghiệp chi phí tham gia triển lãm, hội chợ trong nước và ngoài nước để tiếp cận khách hàng…

Ngoài ra, phải làm sao để có những cơ chế, chính sách để thúc đẩy đổi mới, đột phá hơn về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, xanh hoá đặc biệt là tăng năng suất lao động.

Bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, khuyến nghị Việt Nam tiếp tục chú trọng tới việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số bởi đây là xu hướng tất yếu trên toàn cầu trong thời gian tới. Tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu nếu làm tốt có thể giúp GDP tăng trưởng từ 1,8 - 2%.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn