Đầu xuân về miền văn hóa tâm linh
Đi lễ chùa dịp đầu năm mới từ bao đời nay đã trở thành một nét đẹp trong truyền thống văn hóa tâm linh của dân tộc ta. Để rồi, cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, dòng người lại bắt đầu cuộc hành hương về miền tâm linh, mang theo bao điều ước vọng, thành kính và nhiều dự định tốt đẹp cho một năm mới hạnh phúc, đủ đầy.
Tọa lạc trên cao, với mây ngàn, gió núi, khung cảnh bốn bề đẹp tựa như bức tranh thủy mặc, nên bất cứ ai tìm đến Khu di tích lịch sử Cửa Đạt (Thường Xuân) cũng dễ dàng tìm được khoảnh khắc bình yên, lắng đọng nhất trong tâm hồn. Bởi thế mà nhiều năm nay, nơi đây luôn là "điểm hẹn", "điểm đến" của nhiều tao nhân mặc khách… trong dịp đầu năm mới.
Đến với điểm hẹn này, ngoài tham quan, chiêm bái, du khách còn được tìm hiểu về hai công trình tâm linh nổi tiếng, là đền thờ Cầm Bá Thước và đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn. Trong đó, Cầm Bá Thước là một thủ lĩnh của phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa cuối thế kỷ XIX. Cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo tuy không giành được thắng lợi, song đã khẳng định lòng yêu nước và ý chí quật cường của người dân miền Tây xứ Thanh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Còn Bà Chúa Thượng Ngàn là nhân vật dân gian sinh ra vào thời nhà Trần, có công cứu khổ cứu nạn cho dân nên được phong thánh cai quản vùng đất miền sơn cước này.
Thắp nến hương thơm tại đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, ông Ngô Duy Cường và bà Ninh Thị Mai (thành phố Thanh Hóa), cho biết: Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt là vùng đất được thiên nhiên ban tặng phong cảnh hữu tình, không khí rất trong lành. Chính vì vậy, trong cuộc hành hương về miền văn hóa, tâm linh, hàng năm, gia đình tôi đều chọn nơi đây là điểm đến. Đến đây, không chỉ để tham quan, thư giãn sau một năm lao động miệt mài, được chiêm bái hay cầu cho năm mới mạnh khỏe, bình an mà chúng tôi còn được tìm hiểu về truyền thống yêu nước đánh giặc ngoại xâm của cha ông ta thuở trước.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) càng thu hút đông khách đến tham quan. Khi sắc xuân tràn về, lòng người cũng trở nên thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Cũng bởi vậy, mà dịp đầu xuân dòng người tìm đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh tăng gấp nhiều lần so với ngày thường.
Du khách, phật tử đến đây trong những ngày đầu năm mới để cầu mong may mắn, tài lộc, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đình hạnh phúc… Và cũng là để thưởng ngoạn, du xuân tìm hiểu về những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc gắn với một giai đoạn lịch sử hào hùng, trọng đại của dân tộc.
Để đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân địa phương và du khách đến tham quan, vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh đã miễn phí vé tham quan từ ngày 1 đến ngày 4 tháng Giêng. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tại khuôn viên di tích, như: Viết câu đối, cho chữ đầu xuân tại đền thờ vua Lê Thái tổ; trưng bày triển lãm ảnh; Lễ hội Trung túc vương Lê Lai và các trò chơi, trò diễn dân gian hấp dẫn khác, như: lễ hội rước kiệu (ngày 8 tháng Giêng). Đồng thời, ban quản lý sẽ bố trí xe điện phục vụ người dân và du khách, có hướng dẫn viên thuyết minh giới thiệu tại di tích.
Đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam ta từ ngàn xưa và luôn được lưu giữ cho đến hôm nay. Người dân đến chùa không chỉ để cầu may mắn, bình an hay gột bỏ những ưu phiền trong lòng. Mà còn để tìm về cái hay, cái đẹp, cội nguồn dân tộc. Chính vì vậy, nhiều ngôi đền, đình, chùa nổi tiếng trên địa bàn tỉnh như: Công viên văn hóa tâm linh Hòn Bò, xã Hoằng Trường (Hoằng Hoá); đền Sòng (Thị xã Bỉm Sơn); chùa Vồm, phường Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa); di tích Phủ Na (Như Xuân); di tích Am Tiên (Triệu Sơn)… đều thu hút rất đông du khách tìm đến vào dịp đầu năm mới.
Bằng cách làm vừa thiết thực vừa coi trọng yếu tố văn hóa tâm linh nhằm đáp ứng nhu cầu du xuân hành hương về miền di sản của du khách, trong dịp đầu năm mới, nhiều địa phương, các ban quản lý di tích đã có kế hoạch để tổ chức nhiều hoạt động phù hợp. Đồng thời, tích cực dọn dẹp vệ sinh, trang trí đèn hoa tại các khu di tích trong dịp Tết Nguyên đán. Cùng với đó, hướng dẫn tuyên truyền người dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh khi đi lễ chùa. Ngành văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã tăng cường chỉ đạo đảm bảo an toàn cho du khách, thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm di tích, để du khách đến chiêm ngưỡng và tỏ lòng tri ân.
Triều NguyệtTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.