Đẩy mạnh các giải pháp để tiêu thụ nông sản
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan vừa có công văn gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố về việc triển khai một số giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
- Tiki tuyên bố bán nông sản giá gốc không lợi nhuận: Dưa hấu 8,5k/kg, thanh long 10k/kg, dự kiến tiêu thụ 100 tấn
- Gỡ khó cho nông dân, Chính phủ ra Nghị quyết riêng về giấy phép nông sản
- Tính giải pháp căn cơ gỡ ùn tắc nông sản tại cửa khẩu
- Triển vọng ngàng năng lượng, kim loại, nông sản ra sao trong năm 2022?
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, tình trạng nông sản bị ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc khi vào vụ thu hoạch vẫn xảy ra. Mặc dù, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt tháo gỡ bằng nhiều biện pháp, tuy nhiên vấn đề trên vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero COVID” thì những khó khăn trong xuất khẩu nông sản dự kiến sẽ còn kéo dài. Do dó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương đẩy mạnh triển khai các giải pháp sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương chủ động rà soát năng lực, nhu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản; thực hiện có hiệu quả công tác kết nối tiêu thụ nội địa giữa các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, bà con nông dân với doanh nghiệp thu mua, cơ sở chế biến, các hệ thống phân phối, tiêu thụ hoặc thông qua các diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản (như diễn đàn kết nối nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...).
Các địa phương cần khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mạnh mẽ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Trong thời gian này, các địa phương cần duy trì theo dõi, dự báo và lập kế hoạch sản xuất tiêu thụ, nhất là tình hình trước và sau Tết Nguyên đán 2022 nhằm đảm bảo cân đối cung cầu phục vụ nhu cầu tại chỗ và nhu cầu tiêu thụ nội địa liên vùng. Bên cạnh đó, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới trong việc điều tiết thời điểm xuất khẩu hàng nông sản.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh rà soát cụ thể quy mô, sản lượng các loại nông sản chủ lực, triển khai có hiệu quả các giải pháp cấp mã số vùng trồng, quản trị vùng trồng, mã số định danh vùng nuôi, mã số ao nuôi thủy sản; thực hiện chuẩn hóa chất lượng theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... và các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu quy định.
Đặc biệt, các địa phương chú ý quan tâm chỉ đạo việc quy hoạch, xây dựng các trung tâm logistics nông sản, hệ thống kho lạnh gắn với vùng nguyên liệu nhằm phân loại, sơ chế, bảo quản, nâng cao giá trị và bảo đảm chất lượng nông sản trước khi tiêu thụ, xuất khẩu. Xây dựng phương án tổng thể chế biến nông sản theo từng mùa vụ, đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông sản, khai thác tối đa các FTA đã ký kết để nâng tầm nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Ngoài thúc đẩy tiêu thụ nội địa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cũng ký văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị cùng chủ trì phối hợp để làm việc với các hiệp hội, tập đoàn kinh doanh vận tải tìm giải pháp cho vấn đề thiếu container lạnh, giá cước tăng cao để thúc đẩy xuất khẩu nông sản bằng đường biển.
Trong văn bản này, Bộ NN&PTNT phản ánh tình trạng giá cước vận tải biển tăng quá cao, lên đến 400-500%, cùng với đó là tình trạng thiếu container phục vụ vận tải xuất khẩu.
Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu bằng đường bộ bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu thông qua đường biển, đường sắt, tuy nhiên lại gặp vướng mắc thiếu container lạnh đã tác động lớn đến sự chuyển hướng xuất khẩu nói trên.
Để tháo gỡ, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ làm việc với các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển tại Việt Nam để tìm giải pháp cho vấn đề này.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện tại nhiều mặt hàng nông sản đã đến mùa vụ thu hoạch. Riêng mặt hàng thanh long, có khoảng 300 nghìn tấn cần tiêu thụ trong ba tháng đầu năm 2022.
HM (T/h)Lượng hàng tồn kho bất động sản có dấu hiệu tăng tạo không ít gánh nặng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh yếu hoặc dùng đòn bẩy tài chính cao.