Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng dịp cuối năm
Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân bắt đầu tăng dần. Không chỉ các ngân hàng thương mại, mà nhiều công ty tài chính cũng đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn, tiêu dùng của khách hàng dịp cuối năm.
Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh..., dư nợ cho vay tín dụng tiêu dùng dần tăng mạnh.
Điển hình, tính đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và 12% so với cùng kỳ. Trong đó, tín dụng cho vay mua, xây dựng, sửa chữa nhà để ở và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng cao nhất, với 660.000 tỷ đồng, tương đương 61,7% tổng dư nợ.
Nhóm tín dụng phục vụ đời sống, bao gồm vay mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình đạt hơn 145.000 tỷ đồng, chiếm 13,6% tổng tín dụng tiêu dùng, tăng 25% so với cuối năm ngoái và tăng 46,5% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo tài chính quý III/2024 của các ngân hàng cho thấy, các chỉ tiêu cho vay bất động sản tăng so với cuối năm ngoái, như: Techcombank, VPBank, SHB, HDBank, MB, VietBank, TPBank, MSB, VIB, KienlongBank, BanVietBank…
Không chỉ cho vay mua bất động sản, cho vay mua các sản phẩm tiêu dùng khác cũng tăng mạnh nhờ nhu cầu mua sắm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cuối năm, đặc biệt cho dịp Tết Nguyên đán 2025 được kỳ vọng sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại, trong đó có mảng vay tiêu dùng của các ngân hàng và công ty tài chính.
Hiện không ít ngân hàng đang triển khai các gói cho vay ưu đãi nhằm hỗ trợ người dân, DN tăng cường sản xuất, kinh doanh. Các ngân hàng như Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, SHB, VIB... đang đưa ra nhiều gói tín dụng tiêu dùng phù hợp với mục đích vay vốn của khách hàng.
Cụ thể, ở nhóm ngân hàng quốc doanh, Agribank đã tung ra gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng dành cho DN hoạt động trong lĩnh vực nông thủy sản, chế biến và nhập khẩu nguyên phụ liệu, có lãi suất từ 2,6%/năm cho kỳ hạn dưới 3 tháng. Đồng thời triển khai gói tín dụng 50.000 tỷ đồng dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch, với lãi suất giảm từ 0,5% đến 1,5% cho những khách hàng tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch…
Ở khối tư ngân hàng tư nhân, Bắc Á Bank tung ra gói tín dụng “Tiếp vốn nhanh - Kinh doanh bứt phá” được triển khai trên toàn hệ thống từ ngày 24/10/2024 đến hết ngày 30/4/2025. Theo đó, ngân hàng này dành 3.000 tỷ đồng cho khách hàng DN vay phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh với lãi suất cố định từ 6 - 6,59%/năm; giảm thêm lãi suất tối đa 0,2%/năm cho DN hoạt động trong ngành, nghề, lĩnh vực ưu tiên.
ACB triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng lãi suất thấp và sẽ tiếp tục nâng quy mô gói vốn này lên 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN trong dịp cuối năm 2024. Ngân hàng còn đưa ra những giải pháp tài chính toàn diện cho khách hàng như cho vay tín chấp, cho vay theo dòng tiền hay các giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng xanh để DN đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài…
Đặc biệt các ngân hàng đã giảm lãi suất để kích thích nhu cầu vay vốn. Như lãi suất giải ngân hiện nay tại Sacombank chỉ quanh mức 7,5%/năm (trong đó khách hàng cá nhân là 7,9% và DN là 7%).
NHNN mới đây đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2024 và những năm tiếp theo, trong đó nhấn mạnh việc đơn giản hóa thủ tục cho vay, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Minh An (t/h)Sáng 4/12, Bộ Công Thương phối hợp với Chính phủ Thụy Sĩ tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024 tại Hà Nội với chủ đề "Xúc tiến xuất khẩu xanh".