Đẩy mạnh chuyển đổi số cho các mô hình kinh doanh truyền thống
Công cuộc số hóa chợ hay tiệm tạp hóa truyền thống không chỉ đơn thuần gói gọn trong việc quét mã QR để thanh toán. Đây là một "cuộc chơi lớn" với 1,4 triệu tạp hoá đang chờ “lên đời công nghệ".
Theo thống kê từ Nielsen, Việt Nam có đến 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm đến 75% thị phần bán lẻ. Các kênh siêu thị, trung tâm thương mại tuy phát triển mạnh nhưng vẫn chỉ chiếm khoảng 25 - 26% thị phần bán lẻ.
Lợi thế không thể phủ nhận với độ phủ rộng, len lỏi vào từng ngõ ngách các khu dân cư, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, các cửa hàng tạp hóa hoàn toàn có thể đáp ứng tới 75% nhu cầu mua sắm của người dân. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh lạc hậu khiến các chủ cửa hàng tạp hóa phải thay đổi.
Hiện nay, các tạp hóa, chợ truyền thống đang dần quen với "chìa khóa thành công" trong kinh doanh thời đại mới. Đó là chuyển đổi số, mà bằng chứng là một loạt các ứng dụng quản lý hoạt động tạp hóa lần lượt ra đời và đạt được nhiều thành công nhất định.
Tại Hội thảo "Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử", ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP.HCM - cho rằng lợi thế Việt Nam đang có là hệ thống phân phối truyền thống, tạp hóa với mạng lưới có sẵn nhân công và nguồn hàng dồi dào.
Chẳng hạn, TP.HCM có hơn 40.000 cửa hàng tạp hóa đã được trang bị đầy đủ, chuẩn hóa nguồn hàng... nếu tất cả chuyển đổi số thì đủ sức tạo thành mạng lưới phân phối lớn cho hàng Việt, thương nhân đủ sức sống với hàng Việt.
Với một mạng lưới cửa hàng hệ thống tạp hóa thống nhất, nếu có sự kết hợp của sàn thương mại điện tử, đơn vị logistics, phân phối... thì việc cải tạo cửa hàng tạp hóa, sạp chợ truyền thống theo hướng "quầy hàng công nghệ" là hoàn toàn khả thi.
Ông Lý Đại Lâm, đại diện cửa hàng Cà Ri Anh Hai (chợ Bến Thành), đề xuất trước xu hướng bán hàng mới, nên thường xuyên có những buổi tập huấn cho tiểu thương chợ truyền thống, giúp họ tiếp cận được thông tin trên sàn thương mại điện tử.
Thứ hai là câu chuyện thuế. Cần có chính sách hỗ trợ tài chính như giảm thuế cho tiểu thương tham gia thương mại điện tử.
Ông Lê Mai Hữu Lâm - Tổng Giám đốc Công ty thiết bị điện Cát Vạn Lợi - cho rằng các tạp hóa, quầy sạp truyền thống phải thích ứng với xu hướng bán hàng trực tuyến và nâng cấp bản thân không ngừng.
Đứng trong vai doanh nghiệp sản xuất và bán hàng quốc tế qua nền tảng điện tử, ông nhấn mạnh không nên đợi chính sách, mà phải "tự cứu mình trước". Bản thân lãnh đạo doanh nghiệp là phải chủ động nâng cao tư duy nội lực và năng lực của mình. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt thường yếu chiến lược tiếp thị, làm thường sơ sài, đội ngũ nhân sự bài bản cho khâu này cũng rất thiếu.
Phải hiểu thị hiếu của khách hàng thì mới marketing tốt. Chính vì vậy, các hiệp hội cần hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, nâng cấp góc nhìn về năng lực marketing để không chỉ làm tốt thị trường trong nước mà còn quốc tế.
Cũng giống như những ngành nghề khác, khi đã bắt đầu chuyển đổi số, các chủ tạp hóa sẽ ngày càng làm quen và nhận thấy lợi ích từ các công nghệ đổi mới này. Khi nhu cầu tăng cao, các ứng dụng quản lý hoạt động tạp hóa sẽ ra đời ngày càng nhiều, tạo nên cạnh tranh phát triển trên thị trường, góp phần giúp tạp hóa có nhiều lựa chọn hơn để chuyển đổi số nhanh hơn, thành công hơn.
An Mai (t/h)Giá xăng đồng loạt giảm từ 15h hôm nay (26/12), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.