Đẩy mạnh công tác hỗ trợ triển khai chứng nhận đối với hàng xuất khẩu

Cộng tác viên
03:00 PM 26/06/2020

Việc tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ triển khai chứng nhận sản phẩm có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay.

Sản xuất linh kiện điện tử tại doanh nghiệp Việt Nam.  

Doanh nghiệp sẵn sàng nhận được sự hỗ trợ về chứng nhận

Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp xuất khẩu về các loại chứng nhận CE, UL, RoHS, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nhà cung ứng của nước ngoài, vượt qua hàng rào kĩ thuật (TBT)… Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) đã triển khai thực hiện “Nghiên cứu, hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chứng nhận sản phẩm theo các Chương trình chứng nhận CE-marking, UL, RoHS” thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Trung tâm Chứng nhận Phù hợp đã thực hiện khảo sát một số doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trong nước về nhu cầu chứng nhận CE-marking, UL, RoHS kết quả cho thấy 92% doanh nghiệp đã nghe về chứng nhận CE-marking, UL, RoHS.

Theo TS. Bùi Bá Chính, Giám đốc Trung tâm Đổi mới công nghệ Việt-Hàn (INCENTECH), các doanh nghiệp trong nước hiện tại cũng đang triển khai nghiên cứu về chứng nhận CE-Marking, UL, RoHS. Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu 75 doanh nghiệp hướng tới xuất khẩu quan tâm tới chứng nhận CE-Marking, UL, RoHS và mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ về chứng nhận CE-Marking,UL, RoHS là 100%.

Cụ thể, trong nhóm 75 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm được khảo sát, kết quả cho thấy 57% doanh nghiệp hướng sản phẩm sản xuất của mình tập trung vào thị trường Châu Âu, 24% doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ, và 19% doanh nghiệp hướng sản phẩm sang các thị trường khác. Trong đó, 21% doanh nghiệp hướng sản phẩm xuất khẩu sang 2 thị trường khác nhau.

Nhóm doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Châu Âu, 93% doanh nghiệp cho biết khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này cần chứng nhận CE và RoHS. Do đa số các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này là các mặt hàng thuộc danh mục các mặt hàng yêu cầu chứng nhận CE như thiết bị điện điện tử, dây cáp, đồ chơi trẻ em, tương thích điện từ… một số sản phẩm không thuộc nhóm các sản phẩm yêu cầu chứng nhận CE như hóa chất, dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm.

Nhóm doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, khoảng 25% doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ cho biết cần chứng nhận UL, còn khoảng 75% là các loại chứng nhận khác của Mỹ được yêu cầu phù hợp theo các tiêu chuẩn như ANSI, IEC hoặc các yêu cầu của các Tổ chức (FDA, CPSA, OSHA…) hay các quy định của các Bang tại Mỹ.

Nhóm doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, khối ASEAN… cần các chứng nhận như CCC, KC, JAS hoặc tuân thủ theo các quy định riêng của từng khu vực về chứng nhận sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu thường được yêu cầu bắt buộc phải dán nhãn RoHS về chất độc hại trong quá trình sản xuất sản phẩm bao gồm: chì, thủy ngân, Cd, Cr (6 ), PBB, PBDE, DEHP, BBP, DBP, DIBP đối với các sản phẩm hàng hóa.

Chú trọng công tác hỗ trợ triển khai chứng nhận 

TS. Bùi Bá Chính cũng cho biết việc thực hiện xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn liên quan tới các rào cản kỹ thuật của các quốc gia, khu vực trên thế giới. Để hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp chứng nhận CE – marking, UL, RoHS, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đánh giá phân loại nhóm doanh nghiệp, lựa chọn thí điểm trên một số doanh nghiệp và thực hiện triển khai hướng dẫn hồ sơ chứng nhận CE-Marking, UL, RoHS như Thiên Dương, Antona, Cát Vạn Lợi, 3A, VinaCap…

Kết quả khảo sát và hướng dẫn các doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu nhận thấy các doanh nghiệp trong nước chủ yếu gặp khó khăn trong việc xác định đơn vị hỗ trợ chứng nhận và thử nghiệm phù hợp các yêu cầu của Chứng nhận CE-Marking, UL, RoHS. Chính vì vậy, công tác hỗ trợ doanh nghiệp về chứng nhận CE- marking, UL, RoHS cần được đẩy mạnh và triển khai đồng thời trong thời gian tới với những đơn vị đầu mối có kinh nghiệm trong triển khai hỗ trợ doanh nghiệp đối với các hoạt động chứng nhận nói trên.

Ông Chính nhấn mạnh, đề tài “Nghiên cứu, hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chứng nhận sản phẩm theo các Chương trình chứng nhận CE-marking, UL, RoHS”, không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nhận được “vé thông hành” còn là cơ sở lý luận và thực tiễn cho cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nắm bắt nhu cầu, thực trạng về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như cơ hội xây dựng các quy định về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phù hợp và hài hòa với thông lệ, quy định quốc tế.

Thanh Minh
Ý kiến của bạn
Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nâng tầm doanh nghiệp Việt Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nâng tầm doanh nghiệp Việt

Theo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.