Đẩy mạnh hợp tác phát triển, phục hồi kinh tế hậu COVID-19 khu vực Mekong

Diễn đàn
01:54 PM 26/09/2022

Trong khuôn khổ các sự kiện Kỷ niệm 30 năm thực hiện Chương trình Hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc tiểu vùng Mekong mở rộng, chiều 23/9, Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN (VASEAN) tổ chức Diễn đàn Mekong lần thứ X với chủ đề “Đẩy mạnh hợp tác phát triển, phục hồi kinh tế hậu COVID-19 khu vực Mekong”.

PGS. TS Bùi Tất Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội VASEAN - chỉ trì Diễn đàn. Diễn đàn còn có sự tham gia của các diễn giả, đại diện Uỷ ban sông Mekong, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương; đại diện Đại sứ quán các nước thuộc khu vực Mekong, các Hiệp hội, các doanh nghiệp - doanh nhân.

Đẩy mạnh hợp tác phát triển, phục hồi kinh tế hậu COVID-19 khu vực Mekong - Ảnh 1.

PGS. TS Bùi Tất Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội VASEAN phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS. TS Bùi Tất Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ KH&ĐT, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội VASEAN - cho biết: Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) bao gồm các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc). Đây là khu vực kinh tế năng động và có nhiều tiềm năng phát triển, tài nguyên khoáng sản phong phú. Bên cạnh đó, sông Mekong với chiều dài hơn 4.800km đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của hơn 65 triệu người dân quanh lưu vực.

Khu vực GMS có thế mạnh đặc biệt về sản xuất nông nghiệp, là vựa lúa lớn nhất của thế giới. Năm 1992 với sáng kiến và sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 06 nước đã tham gia Chương trình Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng. Sáng kiến đã thúc đẩy tăng cường kết nối và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa các nước, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên.

Với sự ủng hộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VASEAN đã tổ chức Diễn đàn Mekong thành hoạt động thường niên. Tuy nhiên, trong 02 năm qua, do tác động của COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc tổ chức sự kiện này. Năm 2022, trong điều kiện đại dịch đã cơ bản đã khống chế, Chương trình Hợp tác phát triển kinh tế của các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng được các quốc gia thành viên khởi động trở lại.

Diễn đàn Mekong lần thứ X với chủ đề "Đẩy mạnh hợp tác phát triển, phục hồi kinh tế hậu COVID-19 khu vực Mekong" sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đối thoại về chính sách, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội tham gia vào các dự án hợp tác phát triển kinh tế của các nước khu vực GMS. Đồng thời, sẽ góp phần tuyên truyền về tầm quan trọng của Chương trình hợp tác GMS, giới thiệu môi trường đầu tư, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, thương mại của các nước khu vực GMS.

Trên cơ sở mục tiêu của hợp tác GMS là xây dựng một Tiểu vùng sông Mekong phát triển thịnh vượng, hội nhập và bình đẳng, Diễn đàn sẽ tăng cường quan hệ giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Tạo điều kiện để lãnh đạo doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị về chính sách lên Chính phủ, Đại sứ quán các nước thuộc khu vực Mekong, hướng tới xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đẩy mạnh hợp tác phát triển, phục hồi kinh tế hậu COVID-19 khu vực Mekong - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Hà Phương (thay mặt PGS.TS Nguyễn Duy Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) trình bày tham luận tại Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, nhiều đại biểu đã khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong GMS. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến tháng 8/2022, Việt Nam đã đầu tư vào 04 nước Tiểu vùng Mekong gồm Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan tổng số 549 dự án (còn hiệu lực) với tổng vốn đăng ký 8,53 tỷ USD, chiếm tới 87% tổng vốn đầu tư của Việt Nam vào các nước ASEAN.

Trong số đó, có 237 dự án đầu tư vào Lào với tổng vốn đăng ký gần 4 tỷ USD, 197 dự án vào Campuchia với tổng vốn đăng ký 3,2 tỷ USD, 109 dự án vào Myanmar với vốn đăng ký gần 1,3 tỷ USD, 16 dự án vào Thái Lan với vốn đăng ký 29 triệu USD.

Đầu tư của Việt Nam vào các nước Tiểu vùng Mekong tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực khai khoáng, nông lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, tài chính ngân hàng và bảo hiểm, bất động sản, bán buôn và bán lẻ...

Ở chiều ngược lại, tính đến tháng 9/2022, 4 nước Tiểu vùng Mekong đã đầu tư vào Việt Nam 707 dự án với tổng đầu tư 13,23 tỷ USD. Trong đó, Thái Lan là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 668 dự án có tổng vốn đăng ký 13,1 tỷ USD.

Tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Hà Phương (thay mặt PGS.TS Nguyễn Duy Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) trình bày tham luận "Triển vọng hợp tác phát triển kinh tế giữa Việt Nam và các nước Tiểu vùng Mekong sau khủng hoảng dịch bệnh COVID-19". Trong đó, nêu rõ triển vọng hợp tác phát triển kinh tế của Việt Nam trong GMS trong một số lĩnh vực như: Giao thông vận tải, năng lượng, thương mại và đầu tư, nông nghiệp, du lịch.

PGS.TS Nguyễn Duy Dũng cũng đưa ra một số khuyến nghị như sau: Về phía Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ hơn những cơ chế hợp tác và định hướng phát triển trong GMS nói chung để sớm chuẩn bị các kế hoạch hành động tổng thể phù hợp và hiệu quả. Việc đề xuất các dự án, nội dung hợp tác cụ thể phải xuất phát từ những lợi thế và khả năng của Việt Nam để tham gia tích cực vào các chương trình, lĩnh vực cụ thể của GMS nói chung với các nước thành viên nói riêng.

Sự phối hợp giữa các bên có liên quan (nhà nước, địa phương, tư nhân) không chỉ tạo ra sức mạnh trong hợp tác với GMS mà còn giúp hạn chế những rủi ro, những thiệt hại trong quá trình thực hiện. Vì thế, cần có sự trao đổi, bàn bạc, đề xuất để có các dự án hợp tác cụ thể phù hợp, tránh chồng chéo và phân tán nguồn lực. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát, đánh giá lại các dự án đang và sẽ thực hiện để có các giải pháp phù hợp hơn với định hướng phát triển chung cũng như các lĩnh vực cụ thể nhằm đảm bảo tiến độ, hiệu quả và sự tin cậy trong quan hệ hợp tác lâu dài.

Đẩy mạnh hợp tác phát triển, phục hồi kinh tế hậu COVID-19 khu vực Mekong - Ảnh 3.

TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) trình bày tham luận tại Diễn đàn.

Chia sẻ tại Diễn đàn với tham luận "Giải pháp thúc đẩy tăng cường đầu tư nước ngoài (FDI) giữa các nước Tiểu vùng Mekong trong thời gian tới", TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) - cho rằng, đầu tư trực tiếp nội bộ giữa các nước Tiểu vùng Mekong còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Mặc dù dòng vốn FDI toàn cầu đã có xu hướng phục hồi từ năm 2021, song bên cạnh một số yếu tố thuận lợi, đầu tư trực tiếp nội bộ giữa các nước Tiểu vùng Mekong đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn.

Nêu lên một số giải pháp chính yếu để gia tăng quy mô và tốc độ di chuyển FDI nội bộ Tiểu vùng Mekong, TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, Chính phủ và doanh nghiệp các nước cần nhận thức đầy đủ hơn về vai trò FDI đối với việc thúc đẩy hợp tác kinh tế Tiểu vùng, qua đó tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và có chính sách hỗ trợ đầu tư lẫn nhau giữa các nước trong khu vực; thúc đẩy và đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào việc xây dựng cộng đồng ASEAN đầy đủ năm 2025.

Tiếp đó cần nâng cao "khả năng chống chọi" của nền kinh tế các nước trong khu vực trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động chất lượng cao hiện đang diễn ra tại một số nước. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nhất là môi trường pháp lý, minh bạch và đơn giản hóa thủ tục đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Tranh thủ sự hỗ trợ của các nước và tổ chức quốc tế trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết nối giao thông nội vùng, đảm bảo an ninh năng lượng gắn với chuyển đổi sang năng lượng sạch, hỗ trợ tăng cường năng lực cho tăng trưởng xanh, áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, chống biến đổi khí hậu,… Tăng cường trao đổi, cập nhật thông tin về chính sách thu hút đầu tư, tiềm năng và cơ hội đầu tư của các nước trong Tiểu vùng, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của các nước tiếp cận thông tin và có sự hướng dẫn cần thiết về hợp tác đầu tư trong khu vực.

Đẩy mạnh hợp tác phát triển, phục hồi kinh tế hậu COVID-19 khu vực Mekong - Ảnh 4.

TS Mai Huy Tân - Viện trưởng Viện Kinh tế tuần hoàn và Phát triển bền vững Mekong (MEKONG CESDI) trình bày tham luận "Hai mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với Đồng bằng sông Cửu Long"

Trình bày tham luận "Hai mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với Đồng bằng sông Cửu Long" tại Diễn đàn, TS Mai Huy Tân - Viện trưởng Viện Kinh tế tuần hoàn và Phát triển bền vững Mekong (MEKONG CESDI) cho biết: Nông nghiệp là một trong những thế mạnh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam) nói riêng và các quốc gia Tiểu vùng Mekong nói chung. Tuy nhiên, Việt Nam cũng như các quốc gia trong vùng hiện đang đối mặt với biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

TS. Mai Huy Tân đã đưa ra 02 mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp gắn với năng lượng xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long đó là Tổ hợp kinh tế tuần hoàn AGINE trong ngành trồng và chế biến lúa gạo, kết hợp chăn nuôi và năng lượng xanh; và Tổ hợp kinh tế tuần hoàn GREENDEVI trong ngành chăn nuôi, thủy sản, gắn với năng lượng xanh.

Phân tích cụ thể về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường của 2 tổ hợp này cho thấy: 2 tổ hợp có thể đem lại tổng doanh thu 38.800 tỷ đồng/năm, tương đương 1.612 triệu USD/năm; tổng số công ăn việc làm mới được thu hút làm việc tại 2 tổ hợp kinh tế tuần hoàn là 3.000 lao động/năm được đào tạo nghề miễn phí để trở thành công nhân kỹ thuật; tổng số nông dân được đào tạo mới miễn phí để canh tác hữu cơ trên diện tích vùng nguyên liệu 9.600ha khoảng 34.000 nông dân/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ 330 đến 400 triệu đồng/ha/năm;...

Với tham luận "Gợi ý về hợp tác trong nông nghiệp ở các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng", TS Trương Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp cho rằng: Cần phải thay đổi tập quán sản xuất, thay đổi giống, lịch canh tác trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sinh kế để thích ứng với biến đổi khí hậu và tận dụng lợi thế khác biệt mùa vụ.

Cùng với đó, tìm kiếm thị trường mới, cải tiến kỹ thuật canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm. Khuyến khích áp dụng các chứng chỉ chất lượng như GAP, phát triển đồng bộ PGS, chứng chỉ hữu cơ. Quản lý thương mại xuyên biên giới tốt hơn, điều phối hài hòa hoạt động xuất khẩu để mang lại lợi ích lớn hơn cho người dân mà vẫn tuân thủ các cam kết quốc tế.

Đồng thời, cải thiện đào tạo, giáo dục, tăng cường năng lực, nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp. Tăng cường liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và thị trường trong nước và giữa các nước. Xây dựng các biện pháp khuyến khích để giảm tình trạng sử dụng tài nguyên thiên nhiên không bền vững, đặc biệt là ngăn chặn việc khai thác quá mức cát sông, động, thực vật thủy sinh, cấm các biện pháp khai thác tận diệt. Hợp tác chặt chẽ trong chia sẻ thông tin và điều phối sử dụng nước sông Mekong, huy động hỗ trợ hợp tác lưu vực. Giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là bảo vệ rừng và lớp phủ thực vật để giảm phát thải khí nhà kính, khuyến khích sử dụng các chế phẩm sinh học.

Đẩy mạnh hợp tác phát triển, phục hồi kinh tế hậu COVID-19 khu vực Mekong - Ảnh 5.

TS Trương Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp trình bày tham luận "Gợi ý về hợp tác trong nông nghiệp ở các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng" tại Diễn đàn.

Xuyên suốt Diễn đàn, các diễn giả, doanh nhân; đại diện Uỷ ban sông Mekong, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương; đại diện Đại sứ quán các nước thuộc khu vực Mekong, các Hiệp hội và các doanh nghiệp... đã cùng nhau thảo luận về triển vọng hợp tác phát triển kinh tế giữa Việt Nam và các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong hậu COVID-19. Các khuyến nghị chính sách và chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, các đại biểu, doanh nhân - doanh nghiệp đã có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, chủ động tích cực hành động, thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hoá, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… Đồng thời bàn thảo về nội dung các chính sách mới, môi trường đầu tư; trao đổi văn hóa, phát triển du lịch; chia sẻ kinh nghiệm thành công trong phát triển lĩnh vực kinh tế.

Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 681,48 tỷ USD Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 681,48 tỷ USD

Theo số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan công bố, từ đầu năm đến 15/11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 681,48 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 352,38 tỷ USD và nhập khẩu đạt 329,1 tỷ USD.