Đẩy mạnh kết nối cung - cầu, giới thiệu sản phẩm nông sản tỉnh Thanh Hóa
Việc đẩy mạnh kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông sản tiêu biểu gắn với các chương trình hội chợ thường niên cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua.
Theo kế hoạch, Hội nghị kết nối cung cầu và trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn năm 2024 sẽ được tổ chức tại Quảng trường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa từ ngày 24-28/10/2024.
Với 260 gian hàng của 230 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm trong và ngoài tỉnh đăng ký trưng bày tại Hội nghị. Trong đó, 27 huyện, thị xã, thành phố 48 gian; tổ chức, hiệp hội ngành hàng trong tỉnh 6 đơn vị/12 gian; doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở trong tỉnh 138 gian; doanh nghiệp tỉnh ngoài 29 gian. Hiện, Ban tổ chức đang triển khai lắp đặt các hạng mục của khu vực tổ chức sự kiện và bàn giao gian hàng từ ngày 22/10 cho doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm trong và ngoài tỉnh bài trí sản phẩm và hoàn thành trước ngày 23/10.
Chuỗi hoạt động tại hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy kết nối các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm trong và ngoài tỉnh; hình thành liên kết giữa sản xuất - cung ứng và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP; quảng bá giới thiệu các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, làng nghề và các đặc sản vùng miền của tỉnh Thanh Hóa đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số trong nông nghiệp. Hiện nay, các chủ thể sản xuất đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng để tham gia sự kiện quan trọng này.
Chị Đỗ Thị Hà, chủ Cơ sở chè sạch Chính Hà, chuyên sản xuất 15 sản phẩm chè các loại, trong đó chè ướp hoa sen đã được công nhận là sản phẩm OCOP tại xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa chia sẻ: Hiện tại, chúng tôi đang nỗ lực chuẩn bị nguyên vật liệu đẩy đủ để tới đây có thể cung cấp ra thị thị trường nhiều sản phẩm không chỉ thơm ngon về chất lượng mà còn hấp dẫn về mẫu mã, có như vậy mới tăng kết nối trong hội nghị lần này. Theo chị, sau mỗi lần tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu trưng bày giới thiệu sản phẩm, sản phẩm chè sạch Chính Hà có thêm cơ hội tiếp cận với nhiều khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hợp tác xã cây trồng vật nuôi Đồng Ngâu, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân được thành lập năm 2018. Trong đó, có sản phẩm chủ lực là bột rau má Đồng Ngâu. Ông Lê Viết Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng xanh nhiều người quan tâm, trung bình mỗi tháng, chúng tôi sản xuất khoảng 250 kg bột rau má. Riêng trong tháng 10 này, để tham gia sự kiện kết nối cung - cầu, hợp tác xã đã chủ động nguồn nguyện liệu, tăng sản lượng hàng hóa lên 30% sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong thời gian trưng bày sản phẩm.
Cũng tại Thọ Xuân, anh Lê Xuân Thành, cơ sở sản xuất xúc xích Diệu Anh, xã Tây Hồ cho biết: Qua những lần tham gia kết nối cung cầu, cơ sở của chúng tôi lại có thêm một tệp khách hàng mới, lượng hàng tiêu thụ tăng hơn so với trước. Hiện tại, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu và hàng hóa để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.
Tính đến tháng 9/2024, tỉnh Thanh Hóa có có 531 sản phẩm OCOP đã được công nhận, trong đó trên 60% là sản phẩm nông sản, thực phẩm. Cùng với phát triển OCOP, Thanh Hóa đã chú trọng phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, mỗi năm sản xuất, cung ứng ra thị trường hàng trăm đến hàng nghìn tấn nông sản, thực phẩm an toàn các loại thông qua hệ thống siêu thị tổng hợp và các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn.
Toàn tỉnh có trên 80 doanh nghiệp, hợp tác xã đã tham gia chuỗi cung ứng, phân phối nông sản thực phẩm an toàn ra các tỉnh, thành phố. Để thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, hàng năm, các cấp, ngành, cơ sở sản xuất trên địa bàn Thanh Hóa đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm gắn với các chương trình hội chợ thường niên cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương, xây dựng các chuỗi cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm ở tất cả các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố lớn trong nước; trên các sàn thương mại điện tử. Qua đó, giúp các chủ thể có nhiều cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn.
Yến HoàngTheo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng (GTGT) sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng 4.270% (tương đương tăng gấp 42 lần) so với cùng kỳ năm 2023.